Một Thoáng Quảng Châu

Bước xuống sân bay Quảng Châu – một sân bay địa phương mà người xe tấp nập. Với cái lạnh 11 độ mọi cảnh vật tự nhiên lãng mạn hơn lên. Những người con gái, con trai, những đàn bà đàn ông xúng xính trong cái áo măng tô nhiều màu sắc, cổ quấn khăn quàng, chân mang bốt và tóc nhuộm hoe hoe trông ngộ nghĩnh. Nếu tôi không đinh ninh rằng mình đến Quảng Châu – Trung Quốc thì với khung cảnh này tôi ngỡ mình đang ở Châu Âu!

 Người Quảng Châu

Được bố trí ở tầng thứ 12 trong một khách sạn 20 tầng ngay trung tâm Thành phố Quảng Châu, tôi thường quan sát Thành phố vào lúc sáng sớm và về đêm qua khung cửa sổ lớn trong phòng nghỉ. Thành phố ở đây dậy muộn, có lẽ vì thức khuya và vì múi giờ sớm hơn một tiếng so với Việt Nam nên mọi việc đều có vẻ trễ tràng. Khác với Sài Gòn, Quảng Châu bắt đầu cựa mình trở giấc từ những người đi lại bằng xe bus. Từ trong các ngõ ngách họ tuôn ra như con rạch gặp sông, họ hoà lẫn và đi lại trong trật tự. Tôi để ý không thấy họ tụ năm tụ ba trao đổi, ai cũng có bước đi sải dài hối hả rất công nghiệp. Tôi kịp nhận ra một tác phong hiện đại khác hẳn người Hoa trong Chợ Lớn mà tôi thường gặp. Thì ra người Hoa ở nước ngoài “Tàu” hơn người Hoa bản xứ có lẽ vì lịch sử ngưng đọng lại với người đi và tiếp tục chất chồng với người ở.

Tôi đến vào đúng lúc Quảng Châu “thay cũ đổi mới”. Những căn nhà cao tầng vừa được xây dựng mới xen lẫn những căn nhà cũ đang bị đập phá dở dang. Thật là buồn cười khi tôi đang thênh thang trên trục đường lớn bất chợt nhìn vào hẻm nhỏ (chừng cỡ 3m rộng) thấy dây phơi áo quần chằng chịt, phất phới trên cao. Nhưng phải khâm phục mà nói, người Quảng Châu xây ra xây, đập ra đập, cái mới đan xen cái cũ, nhung trong cái ngổn ngang bề bộn đó tôi vẫn cảm nhận rõ tính trật tự đô thị, sự điều phối nhịp nhàng như một dàn nhạc được điều khiển bởi vị nhạc trưởng chuyên nghiệp.

Tất cả phương tiện giao thông ở đây có được, tôi đều đi cho bằng hết từ xe bus, tàu điện, tàu thủy, tàu lửa, taxi,… trừ xe ôm (vì xe ôm mắc hơn taxi và họ chạy như đóng phim hành động) và tôi ngạc nhiên khi trên những phương tiện giao thông công cộng đó nhà nước Trung Quốc lại cho dân của mình nghe nhạc giao hưởng! Tôi không biết là người dân Quảng Châu đã thực sự có nhu cầu thưởng thức nhạc giao hưởng một cách đại trà hay Nhà nước Trung Quốc đang hướng dẫn họ cảm thụ nền âm nhạc bác học? Dù thế nào đi nữa tôi đều nhận ra một sự chuyển mình ghê gớm về trình độ dân trí. Đó cũng là nền tảng cho sự chuẩn bị giàu và sang thực sự.

từ cái ăn

Dùng từ  “thuộc tính” có lẽ không quá đáng để chỉ về sự nhiệt tình trong ăn uống của người Quảng Châu, tôi gọi đó là “sự tra tấn ngọt ngào”. Không thể nào quen được với bữa ăn mười mấy món mà món sau ngon hơn món trước và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ của người Quảng Châu. Họ hăng hái, tươi tỉnh, sinh động hẳn trong bàn ăn và có lẽ mọi “chuyện làm” ở đây sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu bắt đầu bằng “chuyện ăn”. Nhìn người Quảng Châu ăn tôi biết họ đã qua cái thời “ăn no mặc ấm” và đã bước sang giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp”. Cái ăn ở đây không còn là vấn đề phải nghĩ tới vì so với Sài Gòn thì khoản ăn ở Quảng Châu rẻ mà thu nhập bình quân của người dân lại cao. Tôi thích thú với những quán ăn nhanh buổi sáng ở Quảng Châu. Quán ăn nhanh không phải là hamburger, là gà rán, khoai tây chiên mà là những cái bánh hấp nóng hổi và những càmen soup (nước canh) rất công nghiệp, nhưng đầy bản sắc dân tộc có giá từ 3,5 – 10 tệ (khoảng 7.000 – 20.000 VND), phần ăn được kèm theo 1 ly sữa tươi hoặc sữa đậu nành, v.v. Ở TP. HCM, để được thưởng thức “trọn gói” như vậy tôi phải trả không dưới 50.000 VND.

đến cái ở

Ở Quảng Châu có nhiều khu đô thị mới do những tập đoàn tư nhân đầu tư cách xa trung tâm Thành Phố khoảng 30 phút ô tô (người dân ở đây đo khoảng cách bằng thời gian đi lại). Thị trường địa ốc được đầu tư ồ ạt, lan rộng đến nỗi giá nhà của dự án sau rẻ hơn dự án trước từ 5% – 10%. Điều này chứng tỏ cung đã ngấp nghé cầu và người mua thực sự là có nhu cầu ở chứ không phải để đầu cơ (vì đầu cơ thì lỗ). Một khu đô thị mới có số người cư ngụ khoảng bằng một phường của TP. HCM và ở đây được đầu tư thành một khu đô thị khép kín có bệnh viện hàng trăm giường, nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn cao cấp, phố dịch vụ, phố ăn uống ngợp trời mây. Khu đô thị hiện đại là những khối nhà cao tầng, cứ khoảng ba, bốn khối thành một cụm rồi cách một khoảng cây xanh nên không có vẻ bêtông hoá. Những căn hộ chung cư cao cấp có giá từ 40 – 50 ngàn USD được bán cho người dân có thu nhập thấp từ 3 – 4 ngàn tệ/tháng (khoảng 6 – 8 triệu đồng Việt Nam) với phương thức bán trả góp và chìa khoá trao tay, người mua chỉ xách vali vào là ở được. Các cặp vợ chồng mới cưới, công nhân viên chức, tiểu thương có nguồn thu nhập ổn định rất mặn mà với căn hộ loại này. Trong khu đô thị có nhiều khu nhà biệt lập được kiến trúc dạng biệt thự, có diện tích khuông viên khoảng 300 m2 dành cho đối tượng trung và thượng lưu ở Quảng Châu, giá từ 100-150 ngàn USD/căn hộ. Nhiều người Quảng Châu nói với tôi: cách đây 5 năm họ “không mơ thấy nổi” là được sống trong những căn hộ cao cấp như vậy.

Trong vai người đi mua nhà, tôi tiếp cận giá cả và học hỏi cách tiếp thị. Người bán tạo niềm tin với khách hàng bằng sự chu đáo và điềm đạm – một phong cách của người làm ăn lớn mà tôi rất thích. Hình thức thanh toán và giá cả được niêm yết trên bảng một cách công khai và sòng phẳng: nếu trả hết một lần thì được giảm 20%, giấy tờ pháp lý căn hộ được giao sau 60 ngày. Tôi giật mình khi biết thời gian thanh toán kéo dài 30 năm, là một chủ đầu tư nên tôi hiểu : “Các nhà đầu tư ở Quảng Châu chấp nhận cho người mua trả góp 30 năm là tuyệt đối tin tưởng vào nền kinh tế và chính trị ổn định của đất nước họ”.

Có rất nhiều khu đô thị mới như thế ở Quảng Châu. Cái cụ thể đó nói lên được nhiều điều!

Ngày tôi ra sân bay để về lại Việt Nam, đợt rét đột ngột vẫn chưa qua. Những bộ áo quần mùa hè của tôi đem theo để chứng minh “người Sài Gòn rất sành điệu” vẫn được cất kỹ trong vali, vì mấy ngày ở Quảng Châu tôi đều mặc tạm đồ lạnh của người khác. Trong cái rủi cũng có cái may: khi con người ta không có cái bên ngoài hào nhoáng để quyến rũ thì người ta tận dụng hết khả năng của cái bên trong để tiếp cận và vì thế tình người với người chân thành và thẩm thấu hơn.

Tạ Thị Ngọc Thảo

Welcome to Young MarCom World

X