5 xu hướng công nghệ định hình thế giới trong thập kỷ qua

Tổng dân số trên Trái Đất vào khoảng 7,5 tỷ người, trong đó khoảng 2,89 tỷ người đã sử dụng một số nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất.

5 xu huong cong nghe dinh hinh the gioi trong thap ky qua hinh anh 1

Thế kỷ 21 là thời gian đầy thú vị đối với những người say mê hoặc đơn giản là quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ.

Nếu bạn được sinh ra trong những thập kỷ trước, bạn đã có cơ hội chứng kiến một số bước tiến và những xu hướng công nghệ quan trọng nhất trong lịch sử loài người.

1. Phương tiện truyền thông xã hội

Hãy bắt đầu với một phát minh gây tranh cãi khá nhiều: phương tiện truyền thông xã hội (social media). Nhưng không thể phủ nhận nó đã đưa ra và thực hiện được một lời hứa thực sự thú vị: kết nối mọi người trên toàn thế giới. Phương tiện truyền thông xã hội ở khắp mọi nơi và không chỉ gói gọn trong các mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

Chúng còn là những trang đưa tin, đọc báo, đăng tải hình ảnh và video (Social Publishing) như Youtube, Buzzfeed. Chúng cũng là những công cụ trực tuyến hỗ trợ cho việc mua và bán trên các nền tảng thương mại điện tử như coupon, vouncher, giúp các bên dễ dàng kết nối thương mại. Hoặc chúng đơn thuần là những trang và công cụ chơi game và giải trí trực tuyến, giúp người dùng giải tỏa căng thẳng và gặp gỡ thêm bạn bè cùng sở thích.

[Trí tuệ nhân tạo – ‘ông mai, bà mối’ thời nay tại Nhật Bản]

Hiện, tổng dân số trên Trái Đất vào khoảng 7,5 tỷ người, trong đó khoảng 2,89 tỷ người đã sử dụng một số nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất. Không khó để nhận ra rằng đời sống của chúng ta sẽ còn gắn bó với công nghệ này trong thời gian tới.

2. Blockchain

Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) không phải xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Trên thực tế, hai nhà khoa học Stuart Haber và W. Scott Stornetta đã có những hình dung sơ khai về ý tưởng này vào năm 1991.

Tuy nhiên, mãi đến khi đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới là Bitcoin xuất hiện vào năm 2008, công nghệ blockchain mới thực sự thu hút sự chú ý.

Về cơ bản, có thể hiểu blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin (block) được liên kết với nhau thành từng chuỗi (chain) thông qua mã hóa. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo cùng dữ liệu và được liên kết tới khối trước đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại khả năng dữ liệu bị tùy ý thay đổi trong khối khi không có một trung gian duy nhất kiểm soát dữ liệu mà quyền này sẽ phần chia cho các “nút” – người tham gia hệ thống.

Điều này giúp blockchain “phi tập trung hóa” quyền quản trị thông tin, tăng cường tính an ninh, minh bạch và sự ổn định của dữ liệu, cũng như giảm thiểu chi phí và những lỗi gây ra bởi con người.

Vì vậy, blockchain rất phù hợp để lưu trữ những dữ liệu cần đảm bảo tính chính xác cao và khó bị thay đổi như hồ sơ y tế, lịch sử giao dịch, thông tin nhân thân và nguồn gốc xuất xứ.

3. Công nghệ in 3D

Dù đã có phần bớt nổi bật hơn, công nghệ in 3D vẫn là một xu hướng công nghệ lớn khi nó được cho là hoàn toàn có khả năng thay đổi mọi ngành công nghiệp, từ thực phẩm đến hàng không vũ trụ.

Công nghệ in 3D không quá phức tạp như nhiều người nghĩ do đây chỉ là một quá trình “xếp lớp” các chất liệu (nhựa, kim loại, polymer hoặc một số khác) với nhau để tạo nên một vật thể 3 chiều.

Trên thực tế, việc áp dụng phương pháp phân lớp này đã bắt đầu nhen nhóm từ thế kỷ 19 và công nghệ in 3D chính thức ra mắt vào năm 1980.

Nhưng chỉ đến khi xuất hiện các phương pháp sản xuất rẻ hơn cùng các phần mềm mã nguồn mở vào cuối những năm 2010, công nghệ 3D mới trở nên phổ biến và bùng nổ.

Có thể nói tiềm năng của công nghệ in 3D là vô hạn và nó đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp như công nghiệp nặng, xây dựng, thực phẩm… Đáng chú ý nhất chính là ứng dụng của in 3D trong y học.

Các nhà khoa học đã sử dụng máy quét cùng công nghệ in 3D nhằm tạo nên các bộ phận giả như chân, tay, răng, các loại xương khác nhau trên cơ thể người với độ chính xác gần như tuyệt đối. Giá thành của những bộ phận này cũng giảm từ vài ngàn USD xuống còn vài trăm USD.

4. Công nghệ chỉnh sửa gene

Điều hấp dẫn về công nghệ chỉnh sửa gene là nó đóng một vai trò lớn trong việc đưa những điều tưởng như chỉ có trong khoa học viễn tưởng từng bước trở thành hiện thực.

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley và một nhóm độc lập từ Đại học Harvard cùng Viện nghiên cứu Broad đã phát hiện ra sức mạnh của hệ thống miễn dịch vi khuẩn được gọi là CRISPR – các trình tự DNA ở trong vi khuẩn và vi khuẩn cổ chứa các đoạn DNA bản sao từ những virus đã từng tấn công vào các sinh vật nhân sơ này.

Phát hiện trên đã tạo thành cơ sở cho công nghệ sinh học CRISPR/Cas9 có tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn trong việc chỉnh sửa gene ở các sinh vật.

Nhờ công nghệ này, các nhà khoa học có thể nghiên cứu việc sửa chữa các sai hỏng trong DNA của các bệnh lý di truyền, hoặc tạo ra các loại động vật và thực vật biến đổi gen với hiệu quả cao và chi phí thấp hơn.

Theo hướng nghiên cứu hiện nay, CRISPR/Cas9 có thể được sử dụng để loại bỏ các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí được sử dụng để chỉnh sửa các đặc điểm của con người cho mục đích sinh sản. Song điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mặt đạo đức cho công nghệ.

5. Internet of Things

Internet of Things – Mạng lưới Vạn vật kết nối Internet là một cụm từ được nhắc tới rất thường xuyên trong thời gian gần đây.

Được định hình từ những năm cuối trong thập kỷ 1990, nhưng phải đến những năm gần đây IoT mới có đủ nền tảng công nghệ để ứng dụng vào các thiết bị điện tử và tiêu dùng trong thế kỷ 21.

Mạng lưới IoT bao gồm hàng tỷ thiết bị điện tử và vật lý được kết nối với Internet. Nhờ các bộ chip xử lý giá rẻ và mạng không dây (wifi), mọi thứ từ chiếc bóng đèn, đồng hồ đến cả một máy bay đều có thể trở thành một phần của IoT.

Điều này cho phép các thiết bị “thông minh” hơn và có thể thu thập, chia sẻ thông tin với nhau mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.

Quy mô ứng dụng IoT đang ngày càng lớn hơn và IoT được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực. Có thể kể đến như quản lý và lập kế hoạch quản lý đô thị, quản lý môi trường, phản ứng trong các tình huống khẩn cấp, hỗ trợ mua sắm thông minh, quản lý các thiết bị tự động hóa trong nhà.

Theo ước tính của công tu nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner, sẽ có gần 26 tỷ thiết bị hoạt động trên hệ thống IoT vào năm 2020. Con số dự báo của ABI Research là 30 tỷ thiết bị vào cùng giai đoạn.

Nhưng dù số liệu thực tế là bao nhiêu, không ai có thể phủ nhận rằng IoT có rất nhiều ảnh hưởng tới xã hội cũng như công nghệ trong những thập kỷ tới./.

H. Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Welcome to Young MarCom World

X