Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển 6 ngành công nghiệp

Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển 6 ngành công nghiệp

Phía Việt Nam khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Chiều tối 6/6, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. 

Tiếp tục là đối tác quan trọng của nhau

Tuyên bố chung cho hay, hai nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí việc hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Thủ tướng Abe đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng quan trọng và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định tiếp tục coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực thông qua việc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy kết nối kinh tế, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Nhất trí sẽ duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, trao đổi giữa các chính đảng, Quốc hội hai nước kể cả tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp; nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực một cách phù hợp.

Hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục xem xét khả năng hợp tác liên quan đến việc Việt Nam đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin theo đề nghị cụ thể của phía Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia.

Đồng thời khẳng định tăng cường hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP).

Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển bao gồm việc cung cấp tàu đã qua sử dụng, tàu tuần tra mới và hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng và hoan nghênh các tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển và tàu tuần tra của Cục Bảo an trên biển Nhật Bản vào thăm Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc quản lý xuất nhập khẩu vũ khí để phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hợp tác kinh tế, thương mại

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ tăng cường kết nối hai nền kinh tế được nêu trong “Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản” năm 2015 với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có như Ủy ban hợp tác Việt-Nhật, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng và Cơ chế đối thoại nông nghiệp Việt-Nhật, cũng như các cơ chế đối thoại đang triển khai giữa hai nước trong các lĩnh vực ODA, đầu tư, lao động, khoa học công nghệ, tư pháp, môi trường, xây dựng…

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020.

Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực.

Hai bên bày tỏ vui mừng và chứng kiến lễ ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yên trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, Quản lý nước Bến Tre, Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (giai đoạn 1), Phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2); 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực; và Hiệp định vay ODA dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc

Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác triển khai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiếp tục trao đổi về dự án  đường cao tốc nối Thủ đô Hà Nội, Việt Nam và Thủ đô Vientiane, Lào.

Phía Việt Nam hoan nghênh mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào dự án sân bay Long Thành, khu thương mại ngầm Bến Thành và hệ thống xe buýt nhanh (BRT) tại tỉnh Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hỗ trợ Việt Nam 6 ngành công nghiệp

Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lập nhóm công tác để thực hiện hiệu quả Chiến lược này, cũng như xem xét việc đào tạo kỹ sư tiên tiến cho 6 ngành công nghiệp trong chiến lược công nghiệp hóa.

Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ hiệu suất cao và bảo đảm các tiêu chí về môi trường cũng như việc áp dụng công nghệ khí tự nhiên hóa lỏng mới.

Hai nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán hướng đến việc sớm bắt đầu hoạt động thương mại của 3 dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT. Hai nhà lãnh đạo sẽ tăng cường hợp tác về tiết kiệm năng lượng và xây dựng mạng lưới điện.

Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, phù hợp với Hiệp định WTO, với mục đích duy trì và mở rộng việc sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) như một ưu tiên hàng đầu.

Hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm. Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thông qua việc triển khai hiệu quả giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và hệ thống luật pháp, tăng cường quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm các doanh nghiệp công khai thông tin.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư PPP.

Phía Việt Nam khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Về hợp tác nông nghiệp, môi trường-ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, tư pháp, công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng.

Hai bên quyết định thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản”; tổ chức Đối thoại hợp tác nông nghiệp cấp cao lần thứ IV trong năm 2017; và sẽ xem xét các hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi như việc Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác về cơ chế tín chỉ chung về tăng trưởng carbon thấp giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020; chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giám sát tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học biển.

Nhất trí tạo thuận lợi hợp tác quản lý chất thải, bao gồm sản xuất năng lượng từ rác thải, trên cơ sở những thành quả hợp tác trong việc xây dựng luật và các quy định về quản lý chất thải. Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp cơ bản, lâu dài và xem xét sử dụng ODA cho lĩnh vực này.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu chung trên các lĩnh vực như vũ trụ và y tế, trong đó có bệnh truyền nhiễm.

Nhất trí thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong hợp tác viễn thông và an ninh mạng, tần số, dịch vụ bưu chính thông qua việc sử dụng cơ chế như nhóm công tác chung… Nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống truyền thông không dây đối với an toàn vận tải hàng không và hàng hải, hai nhà lãnh đạo thúc đẩy nghiên cứu về việc hợp tác thiết lập hệ thống kiểm soát tín hiệu radio cao tần.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực theo sáng kiến hợp tác phát triển nhân lực công nghiệp, thông qua Đại học Nhật-Việt và chương trình “Châu Á sáng tạo”. Trên cơ sở những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính và đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cơ hội đào tạo cho hơn 800 cán bộ tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học của Nhật Bản và các khóa ngắn, trung hạn tại Nhật Bản và Việt Nam trong 5 năm tới.

Nhất trí hợp tác tăng cường đào tạo ngôn ngữ tiếng Nhật và mở rộng mô hình giáo dục kiểu Nhật; đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các trường đại học hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt phối hợp triển khai hiệu quả việc phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng tốc độ cao (TOD) theo mô hình của Nhật Bản; xúc tiến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nâng cấp và phát triển đô thị; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải và rác thải.

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí nhiều nội dung về hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân và giao lưu địa phương, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; Tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Cùng quan ngại về diễn biến ở biển Đông

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông có vai trò quan trọng đối với hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương, bao gồm quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng và làm phức tạp, mở rộng tranh chấp trên biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; tự kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có hiệu lực.

Là các quốc gia biển tiếp giáp với đại dương rộng lớn, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cam kết thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, nhấn mạnh rằng duy trì và củng cố một trật tự biển tự do và cởi mở dựa trên luật pháp là nền tảng của lợi ích chiến lược vì ổn định và thịnh vượng của cả hai nước và cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự ổn định, tự do và rộng mở trên cơ sở luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn nữa.

Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây tại bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo nhắc lại quan điểm đã được nêu tại các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Tuyên bố của ASEAN có liên quan và nhấn mạnh sự cần thiết kiềm chế các hành động gây căng thẳng; tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bao gồm Nghị quyết 2356 và các cam kết theo Tuyên bố chung năm 2005 của Đàm phán sáu bên hướng tới việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo phản đối các hành vi bắt cóc và nhất trí tăng cường hợp tác để giải quyết ngay vấn đề bắt cóc – mối quan tâm nhân đạo của cộng đồng quốc tế.

Nhất trí tăng cường hợp tác vì hòa bình và an ninh quốc tế, và khẳng định lại tầm quan trọng của cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để phù hợp hơn với thực tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21, và nhằm nâng cao tính hợp pháp, hiệu quả, tính đại diện và minh bạch của Hội đồng Bảo an.

Song Hà
Nguồn: VnEconomy

Welcome to Young MarCom World

X