SƠN CHÀ ẢO & SƠN CHÀ THỰC

Sơn Chà ảo

Nghe tiếng về Sơn Chà đã lâu, hôm nay chúng tôi mới có cơ may trải nghiệm. Chúng tôi là người nước ngoài, mua tour xuyên Việt, trong chương trình có ngắm hệ sinh vật biển ở Sơn Chà bằng tàu hai đáy (?). Chúng tôi liền đặt câu hỏi với chủ hãng du lịch: “Bờ biển Việt Nam nhiều nơi du khách có thể ngắm sinh vật biển, sao lại chọn Sơn Chà?”. Và câu trả lời là: “Chỉ ở Sơn Chà từ người già đến em bé đều ngắm được san hô, rong biển, cá màu,…mà không bị nắng, lạnh, rủi ro. Hơn thế, hãng cam kết quý khách sẽ trải nghiệm một dịch vụ xứng đáng với thời gian, tiền bạc đã bỏ ra tại Sơn Chà. Nghe vậy chúng tôi nôn nóng; chờ xem…

Sau hai đêm lưu lại ở Huế, sáng sớm hôm nay chúng tôi được xe trung chuyển ra bãi Lăng Cô để kịp xuống tàu cùng với du khách khắp mọi miền trên thế giới. Tới nơi đã có rất nhiều đoàn xếp hàng lên tàu; gia đình tôi vội nối đuôi. Lúc này mặt trời vừa ló dạng, mặt nước loang loáng phản chiếu ánh ban mai.

Du khách xếp hàng lần lượt lên tàu (Biển Đỏ Ai Cập)

Chờ du khách trên tàu ổn định chỗ ngồi người hướng dẫn mới thông qua chương trình tour, nội quy, giờ giấc và giới thiệu tổng quát về Sơn Chà. Anh nói rằng: Sơn Chà đã nhiều lần đổi tên từ Hòn Chảo, Huyền Trân, Đảo Ngọc, cù lao Hàn, Ngự Hải Đài…; mỗi lần đổi tên gắn liền với sự thăng trầm của đất nước. Nghe kể về lịch sử Sơn Chà, du khách hiểu và thương vùng đất này hơn. Người hướng dẫn nói tiếp: “Sơn Chà nổi tiếng với hàng trăm loài san hô, hàng trăm loài rong biển và hàng trăm loài cá đa sắc màu; những loài thích hợp với biển nông. Không chỉ thế, trên đảo hiện bảo tồn loài Sơn Dương quý hiếm của thế giới. Và rằng, tôm Hùm, cá Mú, Bào Ngư, Sâm Biển…, Sơn Chà của chúng tôi có đủ!

Tàu bắt đầu khởi hành chạy khoảng 20 phút thì buông neo đậu lại. Biết du khách chưa kịp ăn sáng, đội ngũ trên tàu đã chuẩn bị bữa ăn tự chọn. Phục vụ trên tàu giới thiệu: “Tất cả món ăn đều là sản phẩm làm bằng tay của người địa phương”. Những cái bánh nhỏ xinh, có cái gói bằng lá xanh mượt và tên thì khó đọc: Bèo, Nậm, Lọc, Ít Ram, Ít Đen, Ít Dừa, Ít Tôm Thịt, Nem, Chả, Tré. Trái cây cũng thu hoạch tại địa phương: Xoài, Chuối, Đu Đủ, Dưa hấu, Thanh Trà, Măng Cụt, Nhãn. Nước uống, ngoài cà phê và trà xanh, trà đen là quốc tế hóa còn lại cũng là sản phẩm địa phương, như: Nước gạo lứt rang, đậu nành rang, đậu đen rang, nước chanh sả…

Trong chương trình có ngắm hệ sinh vật biển ở Sơn Chà bằng tàu hai đáy

Du khách trên tàu chậm rãi ngắm bánh, bóc bánh, thưởng bánh, thưởng trà, thưởng trái cây và thưởng cả không khí trong lành, rồi, cùng chiêm nghiệm: “Một bữa ăn sáng đẹp, sang, bổ dưỡng và đầy năng lượng!”. Gần như tất cả du khách đều chụp ảnh bánh, trái, nước uống đưa lên facebook khoe liền với người thân, bè bạn khắp nơi trên thế giới. Một cách giúp tiếp thị Sơn Chà rất hiệu quả.

Nhạc bắt đầu nổi lên. Quản trò của tàu bước ra mời du khách tập bài múa có tên “Kết bạn”. Chàng đi đầu, cả tàu nối đuôi đi theo, chân đá bên trái, tay quơ bên phải, hai tay người sau đặt lên hai vai người trước rồi cùng chồm người về phía trước, cùng ngã người về phía sau. Hàng người rồng rắng lượn như sóng biển theo tiếng nhạc; có người hăng say múa té lăn cù đèo hồn nhiên cười nắc nẻ. Sự xa lạ ban đầu biến mất khi bài múa “kết bạn” kết thúc. Tiếp theo là trò chơi “Tỏ tình”. Quản trò mời mọi người xếp vòng tròn và quy ước, chàng làm động tác gì thì tất cả phải làm theo. Khi anh chàng cúi gập lưng chào người bên trái và người bên phải thì ai cũng bắt chước ngon lành. Nhưng khi chàng quay qua “thơm má” người bên trái, rồi “thơm má” người bên phải thì nhiều người ù té chạy. Tan hàng, cả tàu vui vẻ sảng khoái.

Mỗi người chàng quấn mỗi kiểu; kiểu nào cũng đẹp lung linh

Tàu nhổ neo để đi vào chương trình chính là ngắm sinh vật biển. Cũng chàng quản trò thưa thốt: “Lần này tàu sẽ chạy với tốc độ khá nhanh, phụ nữ ai có kẹp, có khăn nên buộc tóc lại cho khỏi rối”. Miệng nói, tay làm. Chàng cầm cái khăn biểu diễn quấn giữ gọn tóc cho một phụ nữ da trắng lớn tuổi, bà thích quá mua luôn cái khăn để sử dụng che nắng cho suốt tour xuyên Việt. Nhiều người thấy vậy cũng mua khăn bày bán trên tàu rồi nhờ anh chàng quấn, nam giới cũng tham gia! Mỗi người chàng quấn mỗi kiểu; kiểu nào cũng đẹp lung linh. Vài chục cái khăn hết vèo trước khi tàu nổ máy.

Tàu chạy khoảng 30 phút, cả tàu lao nhao ngắm cảnh trên đảo, ngắm mặt nước và chụp ảnh lên face. Tàu bắt đầu giảm tốc độ, nhân viên mở cửa mời du khách bước xuống hầm. Trước mắt là khoang tàu rộng rãi, hai bên thành tàu một hàng dài ô cửa bằng kiếng trong suốt. Qua khung cửa kiếng một “xã hội nước” hiện ra mờ ảo, sinh động, nhiều màu; đẹp như những thước phim quay cảnh thần tiên. Cá màu lấp lánh bơi lội từng đàn. Rong biển đung đưa múa theo sóng nước. Rừng san hô tầng tầng, lớp lớp xanh, đỏ, tím, hồng, vàng, với nhiều hình dáng kỳ lạ. Có những con cá to áp sát mặt kiếng như muốn tâm sự với du khách đang chiêm ngưỡng mình. Du khách cũng thì thầm và ve vuốt cá qua mặt kiếng. Có lẽ, lúc này du khách ngỡ mình là thành viên trong “xã hội nước”, mình cũng “thở bằng mang” (?).

Gặp gỡ nào dù say đắm đến mấy rồi cũng phải chia tay. Nhân viên mời du khách lên boong rồi tàu xé nước tiến vào bãi biển. Vào bờ, trong khi chờ cơm trưa du khách sinh hoạt tự do. Đa số nhảy xuống biển bơi, số còn lại đi dạo trên bãi hoặc leo lên những hòn đá chụp ảnh. Cũng có khách ngồi thiền trong “vườn khô” (vườn đá trong những ngôi chùa phái Thiền ở Nhật Bản) được tạo hóa sắp xếp bằng những tảng đá hằng triệu triệu năm tuổi trên đảo Sơn Chà.

Bữa ăn trưa giống như một cái chợ nông thôn. Mọi thức ăn nấu, nướng, xào, luộc diễn ra trước mắt. Du khách thích món nào thì sà vào hàng đó. Không ít quý bà tấp vô hàng bánh Khoái học làm bánh, làm được cái nào “quất” ngay tác phẩm của mình. Quý ông thì chuộng hàng nướng, nướng được món gì thì “mần” luôn tại chỗ. Nhưng gian hàng đông khách nhất lại là chè. Đủ loại chè. Loại chè nào cũng lạ, cũng đẹp, cũng bổ, cũng ngon!

Ăn xong du khách tản ra đi dọc theo bãi biển cũng là lúc một cái chợ nông thôn nữa bày ra. Mặt hàng bây giờ là sản phẩm thủ công nổi tiếng của địa phương: Nón lá Bài Thơ, nón lá Trúc Chỉ, nón lá bằng lá Sen; guốc, dù, quạt, tranh, đèn giấy, khăn thêu… Tất cả các loại bánh, trà ngũ cốc mà du khách đã thưởng thức buổi sáng bây giờ được xếp gọn trong từng bao nylon hút chân không để kéo dài thời gian sử dụng. Chợ nông thôn một lần nữa tấp nập người mua, kẻ bán và tiếng cười.

Trước khi lên tàu quay về đất liền tất cả du khách cùng nhau gom rác trả lại sự trong lành cho thiên nhiên.

Tác giả cũng ráng chen chân đưa mặt vào khung cho chàng quản trò bấm máy

Từ bãi biển trở về điểm xuất phát sáng nay thời gian mất khoảng 30 phút. Quản trò lại bước ra trên tay cầm khung ảnh lớn chính giữa rỗng, bốn viền khung là tên con tàu, tên công ty, website. Chàng ta đưa hẳn mặt vào trong khung biểu diễn chụp ảnh nháp rồi mời mọi người lần lượt chụp ảnh còn chàng tình nguyện làm phó nhòm. Để kỷ niệm chuyến đi, ai cũng ráng chen chân đưa mặt vào khung cho chàng ta bấm máy. Kết thúc màn chụp ảnh, tàu cũng sắp cập bờ. Những người phục trên tàu tay cầm khay nước, khăn ướt ra mời khách. Lúc này, không ai bảo ai, từng người lần lượt vui vẻ đặt tiền “tip” trên khay. Sự hài lòng của du khách đã khẳng định: Trong chương trình tour xuyên Việt, tour miền Trung, không thể thiếu Sơn Chà.

Được biết, 100 đô la Mỹ/người cho tour “Một ngày với Sơn Chà”. Với số tàu vài chục chiếc, mỗi chiếc khoảng 25 người, một nguồn thu – chi xứng đáng cho cả chủ hãng và du khách!

Riêng gia đình chúng tôi sau khi trải nghiệm tour rất khâm phục: Sơn Chà nhỏ, bãi biển không rộng, nhưng nhờ hãng có kinh nghiệm tổ chức cho nên khi vài tàu này rời bến thì vài tàu khác tấp vào. Cứ lần lượt như thế tránh được sự quá tải cùng một lúc.

Kết thúc tour vào lúc chiều tà, ai cũng hoan hỷ hả hê sau một ngày trải nghiệm sâu sắc tour Sơn Chà đặc sắc của vùng đất Thừa Thiên Huế.

Sơn Chà thực

Được biết các hãng du lịch trong nước mới triển khai tour “Một ngày với Sơn Chà” khách liền mua tour cho cả gia đình. Điểm tập trung đón khách là Công Ty du lịch Biển Xanh ở bờ biển Lăng Cô. Nếu đi xe tự túc thì 650 ngàn/người. Nếu đi xe trung chuyển từ Huế ra Lăng Cô, hãng du lịch thu thêm 350 ngàn/người.

Điểm tập trung đón khách là Công Ty du lịch Biển Xanh

Tám giờ sáng tàu xuất phát, mỗi tàu chở khoảng 20 du khách. Đa số người Thừa Thiên Huế, một ít ở tỉnh khách về; tất cả đều là người Việt Nam. Tàu xé nước tiến thẳng ra Sơn Chà với tốc độ nhanh, tới nơi du khách lên bờ tự do sinh hoạt, tàu quay vào bờ đón đoàn khách khác. Du khách trên đảo một số xuống biển bơi, một số tìm chỗ mát ngồi chơi, tám chuyện. Cũng có người thơ thẩn đi dạo trên bờ, leo trèo trên đá hoặc chụp ảnh.

Khoảng một tiếng sau tàu quay lại thả khách mới xuống bãi, đón khách cũ đi ra biển ngắm sinh vật biển. Tàu chuẩn bị áo phao, kiếng lặn đủ cho khách trên tàu. Nhưng có lẽ ngại nắng, ngại nước, hoặc không biết bơi 1/3 khách ngồi lại trên tàu ngó người thân lặn hụp dưới biển. Du khách bơi khoảng 30 phút thì phục vụ mời lên tàu để đi vào bãi ăn trưa.

Trên bãi vài cái lều đơn sơ được lợp bằng lá, đó là nơi qua bữa của du khách. Bữa ăn được người phục vụ dọn lên bàn, sáu người vô một mâm. Thức ăn gồm có: Cơm nếp, rau sống, tôm nướng, gà nướng, hàu nướng, chem chép nướng; nhiều người ăn khen ngon và chất lượng. Riêng thức uống ai muốn dùng thì trả tiền thêm.

Cơm nếp, rau sống, tôm nướng, gà nướng, hàu nướng, chem chép nướng

Xong bữa trưa, có người tìm nơi mát để thiu thiu giấc nồng, có người lại tắm biển, riêng gia đình chúng tôi thì tìm đến hỏi thăm chủ hãng, người nấu bếp, đội ngũ phục vụ trên tàu. Sau khi trao đổi, tôi khâm phục anh Hưng, người chủ hãng dám nghĩ dám làm, những người nấu bếp có tâm và đội ngũ phục vụ tàu nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình với công việc. Tôi tin, nếu sản phẩm du lịch được xây dựng lại, quy trình phục vụ được thiết kế lại, cơ sở vật chất được đầu tư đúng tầm, thì, đội ngũ hiện tại thừa sức “biến Sơn Chà ảo thành Sơn Chà thực”. Hơn nữa, ảo của Sơn Chà đã là thực của Biển Đỏ-Ai Cập. Người ta đã làm được, còn mình, tại sao không?

Gia đình chúng tôi tìm đến hỏi thăm chủ hãng, người nấu bếp, đội ngũ phục vụ trên tàu

Du khách rời bãi lúc 14 giờ 30, về nơi xuất phát buổi sáng khoảng 15 giờ. Tour kết thúc trong sự hài lòng của nhiều du khách; trong đó có gia đình chúng tôi.

Trong thương trường, khái niệm về mắc – rẻ như sau: Mắc, không phải là tiền nhiều mà là món hàng đó hoặc dịch vụ đó không tương xứng với số tiền phải trả. Rẻ, không phải là tiền ít, mà là số tiền bỏ ra thấp hơn những gì mà người mua được nhận. Tour Sơn Chà mà gia đình chúng tôi trải nghiệm là rẻ hơn so với số tiền đã chi trả. Chúng tôi hài lòng.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn trông chờ đến ngày “Sơn Chà ảo thành Sơn Chà thực”. Vì sao? – Vì lúc đó “chiếc bánh kinh tế” nước ta sẽ to hơn (nếu chỉ số tham nhũng thấp) thì mỗi phần được chia của người dân sẽ lớn hơn!

Tác giả ngồi thiền trong “vườn khô”đảo Sơn Chà, khu vườn được

tạo hóa sắp xếp bằng những tảng đá hằng triệu triệu năm tuổi

Tạ Thị Ngọc Thảo

——————–

Welcome to Young MarCom World

X