Du lịch chỉ còn trông chờ thị trường nội địa

Khi khách quốc tế về số 0, thị trường nội địa trở thành giải pháp sống còn của ngành du lịch.


Đối với phần lớn các công ty du lịch lữ hành trên cả nước, doanh thu mùa hè 2020 nếu bằng được 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái cũng đã là một tin vui. Bởi vì khi thị trường nội địa trở thành duy nhất và khuyến mại giảm giá tour là điều bắt buộc, thì lợi nhuận là điều ít công ty nào còn nghĩ đến.


Khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt, Đồng Tháp
Ảnh: Quý Hoà

Nhọc nhằn khởi động lại

“Thời điểm này, có khách, có dòng tiền đã gọi là hiệu quả. Các chỉ tiêu kinh doanh tạm thời gác sang một bên”, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Du lịch Lửa Việt, cho biết.

Theo khảo sát mới đây của Savills Việt Nam, thị trường khách nội địa dù chiếm đến 83% tổng lượng khách du lịch Việt Nam nhưng so với phân khúc khách quốc tế và khách công vụ, du khách người Việt lại thuộc nhóm khách nhạy cảm về ngân sách dành cho du lịch. Chính vì lý do này mà từ nay đến hết năm 2020, TP.HCM sẽ thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, trong giai đoạn này, có 260 tour, 280.000 vé vào cửa các khu du lịch, khu giải trí được giảm giá từ 10-70%. Hệ thống khách sạn cũng sẽ cung cấp 200.000 đêm phòng giảm giá từ 22-68%.


Sau thời gian giãn cách xã hội tại các thành phố lớn, khi lần đầu tiên doanh số đặt tour trong 1 ngày của Vietravel đạt 1 tỉ đồng, CEO Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: “1 tỉ đồng chẳng thấm vào đâu so với trung bình 30-40 tỉ đồng hằng ngày trong điều kiện bình thường, nhưng vẫn mừng vì cảm nhận du khách đã khởi động lại”.

Còn theo ông Bùi Thế Duy, doanh thu của Lửa Việt dự kiến trong tháng 6 chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này cũng không tránh khỏi việc phải cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số chi nhánh hoạt động chưa hiệu quả.

Với các công ty không có thế mạnh về thị trường nội địa, tình hình còn khó khăn hơn. Theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp du lịch, 70% số này chỉ kinh doanh mảng outbound (đưa người Việt đi du lịch nước ngoài). Khi thị trường quốc tế đóng cửa, các doanh nghiệp này gần như đứng ngoài cuộc chơi.

Giảm giá là chưa đủ

Với các doanh nghiệp chuyên inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam), thị trường nội địa cũng rất hẹp và chỉ dành cho một số ít công ty thực sự linh hoạt. Nhà khai thác tour mạo hiểm Oxalis Adventure trước đây phục vụ phần lớn khách quốc tế với cơ cấu khách quốc tế/ nội địa là 80/ 20, thì nay cũng đã tập trung nguồn lực thu hút khách nội địa và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure, cho biết: “Để có mức giá phù hợp với kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, Oxalis phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Bình giảm 30-50% các loại phí tham quan, phí dịch vụ môi trường rừng và những khoản thu khác. Bên cạnh đó, Công ty cũng cân đối lại chi phí, lợi nhuận để đưa ra một chương trình kích cầu giảm giá, đưa giá tour Oxalis giảm trung bình 20% so với trước đây. Riêng tour Sơn Đoòng từ 3.000USD (hơn 69 triệu đồng) giảm còn 2.500USD (khoảng 58 triệu đồng) cho khách tham gia trong năm 2020”.


Nhằm hiểu rõ xu hướng mới của du khách nội địa, cuối tháng 5 vừa qua, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã thực hiện cuộc khảo sát với tổng số 1.826 người tham gia. Từ kết quả khảo sát, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho biết nếu chỉ tập trung vào giảm giá là chưa đủ để kích cầu du lịch trở lại.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến xu hướng sử dụng dịch vụ online tăng mạnh và điều này tác động lớn đến cách du khách đặt khách sạn/ tour.

Theo khảo sát, 44,2% người được hỏi trả lời đặt tour qua nền tảng trực tuyến, TAB cho rằng đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Các điểm du lịch thiên nhiên như núi hay khu du lịch sinh thái cũng tăng mạnh, lần lượt là 31,2% và 25,2%. Việc dàn trải các điểm du lịch, không tập trung vào biển sẽ tạo nên xu hướng du lịch bền vững.

TAB cũng cho rằng du lịch Việt Nam nên chú trọng vào tour gia đình. Chẳng hạn, du lịch Thái Lan có dịch vụ trông giữ trẻ ngay tại resort, khách sạn và nhiều safari để khám phá. Trước thời điểm bệnh dịch, các đơn vị Việt Nam thường chạy theo số lượng khách mà không chú trọng thu hút nhóm khách gia đình. “Nếu làm các sản phẩm du lịch đặc trưng cho nhóm này, khả năng thu hút họ trở lại sẽ rất cao”, ông Chính nhận định.

Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, để phục hồi ngành du lịch, cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng những chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch VietMark, cho rằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến hết năm 2020 là biện pháp cần thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp du lịch đều ký quỹ tại ngân hàng, nên cần có chính sách cho vay 80% số tiền ký quỹ không lãi suất để bổ sung nguồn vốn lưu động. Ngoài ra, để kích cầu du lịch nội địa, ông Tuấn Anh cho rằng, Nhà nước nên xem xét phát hành voucher/ trái phiếu du lịch. Khi khách hàng mua tour trọn gói du lịch trong nước sẽ được trả lại 30%, phần công ty du lịch sẽ được khấu trừ vào thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhìn ra các nước xung quanh, Singapore đã thực hiện chính sách tín dụng, theo đó các công ty trong lĩnh vực lữ hành được vay đến 1 triệu đô-la Singapore với lãi suất 5%, hoàn lại thuế tài sản, đồng thời Chính phủ đóng góp 8% lương của người lao động trong 3 tháng. Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này đã hỗ trợ 62% lương hằng ngày của người lao động trong lĩnh vực lữ hành, tối đa đến 460 USD mỗi tháng.

Cẩm Tú
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X