Đường lên đỉnh 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam chỉ mới đi được nửa chặng đường trong đích đến 10 tỉ USD với nhiều biến số ở phía trước.


Theo thông tin mới nhất, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động vừa có buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để bàn kế hoạch triển khai mô hình trồng rau trong nhà màng 4KFarm cho các hộ gia đình tại đây. Như vậy, tiếp sau Châu Pha (Vũng Tàu), Đồng Nai sẽ là địa phương thứ 2 Thế Giới Di Động triển khai mô hình này.

“Át chủ bài” Bách hoá Xanh

4KFarm (tiền thân là Vifarm) là thành viên mới của Thế Giới Di Động, ra đời với mục tiêu cung cấp rau an toàn cho thị trường theo tiêu chuẩn 4 không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen. Ông Cao Nhật Anh Tú, Trưởng dự án 4KFarm, cho biết Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ và cam kết bao tiêu đầu ra (từ 3-5 năm). Khác với mô hình VinEco đi trước, 4KFarm chỉ mua rau từ những đối tác nông dân của dự án. Khi trở thành đối tác, 4KFarm sẽ tạm ứng chi phí và cung cấp vật tư cần thiết cho nông dân.


Rau sạch 4KFarm tạm thời chỉ phục vụ khu vực TP.HCM

Trong 9 tháng tới, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu triển khai 60 nhà màng, nâng tổng diện tích lên 60.000m2, tương đương năng suất 210 tấn rau/tháng, chiếm khoảng 20% lượng rau cung cấp vào Bách hoá Xanh. Trước mắt, rau sạch 4KFarm đã được bán tại một số cửa hàng Bách hoá Xanh, với giá trung bình 30.000 đồng/kg. Rau sạch 4KFarm tạm thời chỉ phục vụ khu vực TP.HCM.

Thực tế, mô hình trồng rau sạch, rau hữu cơ đã và đang thu hút nhiều công ty. Điển hình là VinEco tham gia lĩnh vực này từ năm 2015 và hiện chiếm khoảng 29% thị phần trong các cửa hàng VinMart, VinMart+. Năm 2020, VinEco dự kiến nâng tỉ trọng này lên 40% và có thể mang về 3.200 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn gấp đôi năm 2019. Các tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực rau sạch như Đà Lạt GAP Store, Orfarm, Organica, Ravi, Bác Tôm, An Phú Đà Lạt, Rau Cười, BigGreen và Cầu Đất Farm… cũng đang ăn nên làm ra.

Theo Nielsen, khoảng một nửa số người tiêu dùng luôn quan tâm tới thực phẩm tươi và tự nhiên. Chưa kể, gần 20 đơn vị trồng rau hữu cơ còn có thể xuất khẩu sang Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Canada, Thái Lan, Hồng Kông… Vì thế, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, nhấn mạnh, ở giai đoạn sau, Công ty có thể sẽ mở rộng lĩnh vực rau sạch ra hàng chục ngàn nhà màng.


Rau sạch 4KFarm dù đầy hứa hẹn nhưng vẫn đang là bước hỗ trợ chuỗi Bách hoá Xanh phát triển. Cùng với 4KFarm, Thế Giới Di Động còn triển khai nhiều chiến lược mới cho Bách hoá Xanh. “Bách hoá Xanh sẽ mở với tốc độ nhanh nhất, trở thành chuỗi quy mô lớn tạo được thị phần cách biệt với các đối thủ”, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, khẳng định. Theo kế hoạch, Bách hoá Xanh sẽ gia tăng độ phủ ở 24-25 tỉnh miền Nam (Tây Nguyên, Nam Trung Bộ…); dự kiến đến cuối năm 2020, chuỗi này sẽ đạt khoảng 1.800-1.900 cửa hàng, từ con số 1.635 hiện tại. Năm 2021, Công ty dự kiến mở thêm 500-600 cửa hàng và vẫn chưa tính thâm nhập thị trường miền Bắc.

Công ty cũng đã thử nghiệm quy trình mới để cải thiện hoạt động toàn chuỗi Bách hoá Xanh như giảm hủy đơn hàng và có thưởng cho đội ngũ mua hàng chất lượng tốt, giúp cải thiện trưng bày… Ngoài ra, hệ thống còn xây dựng thêm các trung tâm phân phối (DC) quy mô nhỏ hơn để phục vụ linh hoạt, tăng khả năng lấp đầy và tính hiệu quả.


Hiện Thế Giới Di Động có 8 DC lớn và các DC mới mở. Cuối năm nay, con số này ở riêng TP.HCM có thể đạt 9-10 DC, mục tiêu rút ngắn khoảng cách từ DC đến các cửa hàng và rút ngắn thời gian giao hàng. Khi độ phủ cửa hàng Bách hoá Xanh tăng lên, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng, các kho được lấp đầy và Thế Giới Di Động có thể giảm chi phí DC hiện hữu/ doanh thu từ mức 5-5,5% xuống còn 4,5%.

Bách hoá Xanh cũng chủ trương nhập hàng trực tiếp và mua hàng tươi sống từ các nhà cung cấp. Ngoài ra, Bách hoá Xanh sẽ đẩy mạnh hợp tác đối tác chiến lược, như đã từng ký kết với FrieslandCampina vào tháng 10 năm ngoái. Các cách thức này cho phép Công ty tận dụng lợi thế quy mô để thương lượng mức chiết khấu và hưởng giá ưu đãi, nhờ đó có thể tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận gộp. Hiện biên lợi nhuận gộp (sau huỷ hàng, mất mát) trong tháng 5/2020 đã tăng lên mức 25%.

Bách hoá Xanh cũng nâng cấp những cửa hàng có doanh thu từ 1,7-2,5 tỉ đồng/tháng lên mô hình Double Shop (kết hợp bán hàng gia dụng nhỏ và đồ dùng nhà bếp). Kết quả là một số cửa hàng sau chuyển đổi đã tăng trưởng 20-30%. Chuỗi còn dự tính sẽ bắt đầu bán những sản phẩm thương hiệu riêng ở các mặt hàng tiêu dùng nhanh để khai thác lợi nhuận.


Bách hoá Xanh gia tăng độ phủ tại 24-25 tỉnh miền Nam

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, thị trường bách hoá tại Việt Nam có giá trị khoảng 60 tỉ USD. Dù vậy, mua sắm tại các kênh phân phối hiện đại mới chỉ chiếm 15-20%. Tiềm năng tăng trưởng cho Bách hoá Xanh còn đến từ nhu cầu thực phẩm tươi sống cao gấp nhiều lần so với nhóm tiêu dùng sản phẩm FMCG, theo các báo cáo nghiên cứu thị trường.

Trong bối cảnh đó, ước doanh thu năm 2020 cho toàn chuỗi Bách hoá Xanh vượt 20.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2019. Nếu đạt kế hoạch, Bách hoá Xanh sẽ đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu cho toàn Tập đoàn và tiến gần đến mục tiêu có lời vào năm 2021. Dù vậy, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, Bách hoá Xanh có thể mất thêm thời gian mới đủ bù đắp hết chi phí hoạt động của tất cả các cửa hàng, trung tâm phân phối và chi phí chung phân bổ từ Công ty.

Có lãi cho chuỗi Bách hoá Xanh là mục tiêu ưu tiên, còn mục tiêu dài hạn hơn là chuỗi này sẽ góp phần đáng kể cho đường đến 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh: “10 tỉ USD là câu chuyện khả thi trong 3-4 năm tới nhưng sẽ tùy thuộc vào mức độ quyết tâm của chuỗi Bách hoá Xanh”.


Hai trụ cột điện máy & điện thoại

Dù gia tăng đầu tư và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Bách hoá Xanh nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng chính cho Thế Giới Di Động vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống Điện máy Xanh. Chuỗi cửa hàng điện máy này đang góp 57,5% trong tổng doanh thu gần 47.500 tỉ đồng 5 tháng đầu năm 2020 của Thế Giới Di Động.

VCBS cho rằng, chuỗi Điện máy Xanh sẽ vẫn tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng. Trước hết là do mức độ chuyển đổi cửa hàng và gia tăng số lượng cửa hàng mới. Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động lên kế hoạch đạt 1.350 cửa hàng Điện máy Xanh vào cuối năm nay, trong đó một phần chuyển đổi từ chuỗi Thế giới Di động.

Công ty vẫn thực hiện thay đổi layout cửa hàng để trưng bày được nhiều hàng hoá. Hai là đẩy mạnh mô hình shop-in-shop. Trong năm 2019, Công ty đã hoàn tất chuyển đổi toàn bộ cửa hàng Điện máy Xanh mini (khai trương trước ngày 1/1/2019) sang mô hình mới để tối ưu hoá khả năng trưng bày, tăng doanh thu bán hàng, bày bán thêm nhiều thương hiệu mới có chiết khấu cao hơn (đồng hồ, mắt kính…) và cải thiện doanh số/ cửa hàng lên 30%.


Hệ thống cửa hàng Thế giới Di Động
Ảnh: Quý Hoà

Đơn cử, thị trường đồng hồ chính ngạch tại Việt Nam ước đạt giá trị khoảng 750 triệu USD, theo báo cáo nghiên cứu thị trường của PNJ và mới chỉ có khoảng 500 cửa hàng đồng hồ trên cả nước. Thị trường này được đánh giá có độ phân mảnh cao và hiện chưa có nhà phân phối nào chiếm thị phần trên 20%. Trong khi đây là ngành có biên lợi nhuận cao, 20-30% tùy phân khúc. VCBS ước tính, khi Thế Giới Di Động mở rộng 500 điểm bán đồng hồ trong năm 2020, doanh thu đồng hồ có thể đạt 600-750 triệu đồng/tháng/cửa hàng. Tính ra, doanh thu đồng hồ có thể góp 3.000-4.000 tỉ đồng/năm.

Triển vọng cho mảng điện máy còn đến từ tiềm năng thị trường miền Bắc khi chuỗi Điện máy Xanh mới chiếm 15% thị phần nơi đây. Năm ngoái, Điện máy Xanh còn tấn công thị trường Campuchia và đặt mục tiêu đạt 50-60 cửa hàng ở thị trường này. Trong thời gian tới, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng của Thế Giới Di Động ở mảng điện máy lẫn điện thoại vẫn phải dựa nhiều vào bài toán giành thị phần.


Năm ngoái, Thế Giới Di Động giữ ngôi vị số 1 khi chiếm 50% thị phần điện thoại và 38% thị phần điện máy. Muốn gia tăng thị phần, BVSC đánh giá, Công ty vẫn phải đi theo con đường mở rộng mạng lưới cửa hàng như đã từng làm. Bởi việc chuyển đổi kênh mua hàng từ offline sang online không dễ dàng, nhất là khi mặt hàng điện máy, điện thoại cần xem xét, tư vấn trực tiếp, cần dịch vụ hậu mãi (bảo hành, lắp đặt).

Một khi Thế Giới Di Động đạt tới thị phần cao hơn, BVSC cho rằng, công ty này có khả năng đàm phán phân phối độc quyền nhiều dòng sản phẩm hơn, là kênh tiếp cận hiệu quả cho các hãng muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Ở mức độ này, Điện máy Xanh sẽ không còn là kênh bán lẻ đơn thuần mà là đơn vị cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường. Khi đó, Điện máy Xanh có thể tiếp tục mở rộng biên lợi nhuận.

Điện máy Xanh cũng đang triển khai cho nhân viên kiêm cả vai trò tư vấn dịch vụ tài chính (trả góp) tại 2.000 cửa hàng. Đây được xem là một hạng mục công việc lớn và hứa hẹn mang lại nhiều giá trị. “Thông qua việc này, chúng tôi có kết nối đặc biệt với các công ty tài chính, làm sao để họ có những ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn dành cho khách hàng và cho Thế Giới Di Động”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty, cho biết.


Thế Giới Di Động lên kế hoạch đạt 1.350 cửa hàng Điện máy Xanh vào cuối năm nay

Để kết nối chặt chẽ hơn, giúp khách hàng của Thế Giới Di Động biết mọi thông tin mua bán, bảo hành, đặt lịch…, Công ty sẽ phát triển một siêu ứng dụng (super app), với phiên bản thử nghiệm dự kiến giới thiệu vào quý IV năm nay. Dù vậy, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, sẽ chưa gấp gáp với super app bởi mô hình online sang offline và ngược lại phải cần tới 5 năm để chuyển đổi diễn ra.

Trước mắt, Thế Giới Di Động tập trung vào xây dựng chuỗi, nhất là tìm cách ứng phó, giảm thiểu tác động trước tình hình dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng. Ông Tài xác định ngành bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. “Doanh nghiệp nào giỏi sẽ giữ được lợi nhuận trong năm 2020 bằng 80% năm 2019, xuất sắc thì 90% và ai bảo vệ được 100% là thần thánh”, ông nhận định. Thế Giới Di Động đã đưa ra kế hoạch dè dặt với doanh thu thuần năm 2020 ước chỉ đạt 110.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế là 3.450 tỉ đồng, giảm 10% so với năm 2019.

Thách thức giữa đại dương xanh

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động xuất phát từ việc lo ngại kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Đây là một trong những thách thức lớn mà Công ty đã và sẽ còn đối mặt. Còn nhớ tháng 4 năm nay, doanh thu của 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh đã sụt giảm gần 30%, chủ yếu do phải tạm đóng hơn 600 cửa hàng trong nửa đầu tháng 4 và duy trì việc đóng hơn 300 cửa hàng từ ngày 16-25/4 để phối hợp chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

Cùng đó, kế hoạch triển khai các sản phẩm OEM (nồi cơm điện, bàn ủi…) mang thương hiệu Điện máy Xanh cũng bị gián đoạn do đội ngũ của Công ty bị hạn chế đi lại, không thể sang Trung Quốc tiến hành khảo sát, trao đổi cũng như đặt hàng.


Doanh thu chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh sụt giảm gần 30% trong dịch COVID-19

Lãnh đạo Thế Giới Di Động từng rất lo lắng khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, như ông Đoàn Văn Hiểu Em tâm sự: “May mắn là từ cuối năm ngoái, Công ty đã dự báo trước số lượng hàng cần nhập nên đã chốt đơn hàng cho kế hoạch bán hàng 6 tháng đầu năm 2020”.

Dù vậy, theo các công ty chứng khoán, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài trên toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và trì hoãn việc triển khai các sản phẩm mới. Đây có lẽ là lý do để ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, dù kinh doanh tháng 5 không tệ nhưng doanh thu trong tháng 6, 7 dự kiến sẽ giảm. Thế Giới Di Động có thể sẽ phải triển khai những chương trình kích cầu, khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng. Còn các đơn hàng đặt từ Trung Quốc ở giai đoạn từ nửa sau năm 2020 có thể tăng do chi phí tăng.


Nhìn toàn ngành, số liệu Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, với doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm giảm 4,27% (trung bình 5 năm trước tăng 10,78%). Tuy nhiên, trong dài hạn, bán lẻ Việt Nam, nhất là kênh hiện đại vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhờ tốc độ đô thị hoá nhanh, ước đạt 40% vào năm 2020. Ngoài ra, theo McKinsey, thu nhập của tầng lớp trung lưu dự báo tăng trưởng kép 9,2%/năm trong giai đoạn 2018-2023.

McKinsey dự báo, tốc độ tăng trưởng mảng bách hoá hiện đại ở Việt Nam sẽ đạt 25,8%/năm, nhanh nhất Đông Nam Á. Bán lẻ Việt Nam trở thành lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều tên tuổi tham gia. Trong cuộc chơi đó, Central thâu tóm Big C, Saigon Co.op cũng đã tiếp quản hệ thống Auchan (Pháp). Riêng liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim và GS Retail, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc (tỉ lệ 70-30%), cũng mua lại 49 cửa hàng thuộc chuỗi Zakka Mart. Cùng với đó, Bách hoá Xanh, Saigon Co.op, Satrafoods, các chuỗi thuộc Tập đoàn BRG… khai trương hàng trăm cửa hàng mới. Đặc biệt, VinMart đã sáp nhập vào Masan.

Rõ ràng, sức ép cạnh tranh là không nhỏ. Dù vậy, ông Trần Kinh Doanh tin tưởng: “Ngành bán lẻ thực phẩm tiêu dùng như cá ngoài biển khơi, còn nhiều dư địa. Vài ba ngàn cửa hàng của một doanh nghiệp không là gì so với tổng nhu cầu thị trường”. Ngoài ra, cơ sở để Thế Giới Di Động tự tin là Công ty có lợi thế quy mô và đã cải thiện được biên lợi nhuận gộp cao hơn so với nhóm hàng tiêu dùng nhanh.


Bách hoá Xanh nói riêng và các hệ thống bán lẻ thực phẩm nói chung vẫn phải thường xuyên đối mặt với những rủi ro đến từ đặc thù ngành. Bởi bán lẻ thực phẩm thường yêu cầu cao về cách thức vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể đến những rủi ro liên quan đến chi phí huỷ hàng, mất mát đi kèm. Điều này đặt ra nghi ngại về khả năng tăng trưởng và sinh lời thực tế của chuỗi có thể thấp hơn kỳ vọng.

Dù vậy, căn cứ vào những chuyển động, thay đổi quyết liệt của Thế Giới Di Động, các các công ty chứng khoán vẫn có cái nhìn tích cực và khuyến nghị đầu tư đối với công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam này. Ở phương diện người đứng đầu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định: “Thế Giới Di Động lập ra là để trường tồn, không phải xây để bán”. Đó là lý do Công ty sẽ tiếp tục chiến đấu để giữ vững vị thế, đà tăng trưởng và đạt đến các mục tiêu.

Ngọc Thuỷ
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X