M-Commerce là gì? Tiềm năng phát triển thị trường M-Commerce tại Việt Nam

Việc hiểu rõ M-Commerce là gì và những con số thống kê “biết nói” sẽ là bước đệm tốt để giúp bạn tìm hiểu được tầm quan trọng của thị trường này và lý do nó thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư, bao gồm cả những doanh nghiệp ở Việt Nam.


1. Phân biệt E-Commerce và M-Commerce

M-Commerce đang được coi là xu hướng tất yếu của E-Commerce. Để dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu M-Commerce là gì, trước tiên cần phải nắm rõ khái niệm E-Commerce.

Thương mại điện tử, hay còn gọi là E-Commerce/ E-Comm/ EC, là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân mua bán sản phẩm và dịch vụ thông qua hệ thống điện tử như mạng Internet và các mạng máy tính.

Thương mại di động, hay còn gọi là M-Commerce, là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân phân phối hàng hoá và dịch vụ trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua các thiết bị không dây cầm tay như điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Thương mại di động đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nhờ vào những lợi thế vượt trội như dễ dàng mang theo, dễ dàng kết nối, tiện ích tích hợp…


* Sự khác biệt giữa E-Commerce và M-Commerce

Dù đều có mục tiêu chung là mua và bán hàng thông qua mạng Internet, giữa E-Commerce và M-Commerce vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt. Cùng quan sát bảng so sánh dưới đây để hiểu rõ hơn sự khác nhau của chúng.

Thiết bị: Máy tính để bàn, máy tính xách tay

Hệ điều hành: Windows, Unix, Linux

Nền tảng: Website

Định vị người dùng: Không thể định vị

Bảo mật: Dựa vào bảo mật Web

Cổng thanh toán: Thẻ tín dụng

Khả năng di động: Bị hạn chế do trọng lượng máy tính nặng và kích thước lớn

Thiết bị: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy nhắn tin

Hệ điều hành: iOS, Android, Symbian (EPOC)

Nền tảng: Website trên điện thoại, ứng dụng điện thoại

Định vị người dùng: Có thể định vị

Bảo mật: Dựa vào bảo mật Web kết hợp với tính năng bảo mật của di động

Cổng thanh toán: Thẻ tín dụng, ngân hàng di động (Mobile banking)

Khả năng di động: Dễ dàng do trọng lượng các thiết bị cầm tay không dây nhẹ và kích thước nhỏ hơn

2. Số liệu thống kê về M-Commerce tại Việt Nam

Trong vòng một thập kỷ qua, thương mại di động (M-Commerce) đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Sự phát triển đó có thể được minh chứng thông qua vài con số tiêu biểu được thống kê sau đây.

  • Theo Flurry Analytics Report năm 2013, Việt Nam là quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng di động nhanh nhất trên thế giới với 266%, chỉ sau Columbia với 278%.
  • Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014, ước tính doanh thu đạt được từ thương mại điện tử trên nền tảng di động (B2C) đạt 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước.

  • Theo Báo cáo của Appota năm 2017, nhà cung cấp nền tảng Internet di động hàng đầu tại Việt Nam, với 35% mỗi năm, Việt Nam đang thuộc top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng quảng cáo trên di động nhanh nhất hiện nay.
  • Cũng trong năm 2017, Adsota, công ty quảng cáo trực thuộc Appota, cho biết ngân sách quảng cáo cho nền tảng di động đạt tới 78,7 triệu USD, tương đương 36,6% tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
  • Theo Báo cáo Chỉ số thương mại năm 2019, trong số các doanh nghiệp có website phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có:

– 43% số doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động

– 31% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hoá

– 45% số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.

3. Tiềm năng phát triển M-Commerce tại Việt Nam

Việc hiểu rõ M-Commerce là gì và những con số thống kê “biết nói” ở trên sẽ là bước đệm tốt để giúp bạn tìm hiểu được tầm quan trọng của thị trường này và lý do nó thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho các sản phẩm trên nền tảng di động của họ, bao gồm cả những doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thị trường Việt Nam là mảnh đất “màu mỡ” đang được khai thác tích cực bởi nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó phải kể đến ba lĩnh vực đầu tàu: dịch vụ mua sắm trực tuyến, dịch vụ nhắn tin và dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Theo Báo cáo Digital 2020 của We Are Social, Việt Nam có khoảng 68,17 triệu người sử dụng Internet (chiếm 70% dân số), số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% dân số) và số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước).

Các con số trên khẳng định Việt Nam là một quốc gia tiềm năng để phát triển Thương mại di động (M-Commerce). Và trên thực tế, thị trường này thực sự là mảnh đất “màu mỡ” đang được khai thác tích cực bởi nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó phải kể đến ba lĩnh vực đầu tàu: dịch vụ mua sắm trực tuyến, dịch vụ nhắn tin và dịch vụ thanh toán trực tuyến.

3.1. Dịch vụ mua sắm trực tuyến

Tính tới tháng 6/2020, 76% số dân Việt Nam được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường. Đi kèm với đó, ba ứng dụng mua sắm trực tuyến dẫn đầu tại Việt Nam là Shopee, Sendo và Lazada (xét theo số lượt tải) và Shopee, Lazada và Tiki (xét theo số lượng người sử dụng).

Đứng đầu cả hai bảng xếp hạng, sự thành công của Shopee đến từ chiến lược “Mobile-first – Ưu tiên nền tảng di động” được đề ra vào năm 2018. Định hướng rõ ràng này đã giúp Shopee tập trung tối ưu giao diện và các tính năng trên ứng dụng mua sắm của mình, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Đáng chú ý có thể kể đến việc thêm các trò chơi thú vị vừa giúp người dùng giải trí vừa để kiếm thêm tiền ảo như Lắc siêu xu, Nông trại Shopee, Bay cùng Shopee… thêm tính năng livestream bán hàng trực tuyến để tăng sự tương tác và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nơi người dùng, tích hợp với Now.vn vào cuối tháng 12/2019…

Bên cạnh đó, Shopee cũng rất thành công với chiến lược Marketing nhằm quảng bá ứng dụng, thu hút lượt tải như chiến dịch quảng cáo Baby Shark vào tháng 6/2018, chiến dịch Ngày siêu mua sắm 9/9 gây bão nhờ sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo…

Đứng thứ hai sau Shopee về lượt sử dụng là Lazada. Tương tự như Shopee, Lazada hiểu được nhu cầu mua sắm của người dùng Việt Nam hiện nay và ngày càng tập trung vào việc phát triển ứng dụng mua sắm của họ bằng các hình thức đa dạng như chương trình khuyến mãi độc lạ (Chém giá và Shake shake tháng 11/2019), chiến dịch “Gamification – Game hoá” kể kích thích người dùng nán lại lâu hơn với ứng dụng.

Vào năm 2014, Lazada đã được rót vốn vòng hai với tổng giá trị 250 triệu USD, càng khẳng định tiềm năng phát triển của thương hiệu này.

Không chỉ riêng Lazada, Tiki, còn được gọi là “Amazon” của Việt Nam cũng thành công gọi vốn đầu tư từ cả trong nước (VNG) và nước ngoài (Quỹ Đầu tư Sumitomo và CyberAgent Ventures của Nhật Bản).

3.2. Dịch vụ nhắn tin


Nhu cầu giao tiếp lớn mạnh trên toàn thế giới là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng giao tiếp trên điện thoại di động. Nếu Mỹ có Snapchat, Trung Quốc có Wechat và Hàn Quốc có Kakaotalk, thì ứng dụng nhắn tin phổ biến hàng đầu của Việt Nam là Zalo, Facebook Messenger và Viber.

Chính số lượng người dùng khổng lồ này đã thúc đẩy các công ty phát triển mảng M-Commerce tích hợp vào trong ứng dụng của họ.

Với hơn 50 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam, Zalo không chỉ sở hữu những tính năng cơ bản của một ứng dụng giao tiếp là nhắn tin, gọi điện, mà còn có cả những tính năng hữu ích khác như khả năng chia sẻ thông tin (File, hình ảnh HD) tới người dùng khác, sử dụng trang nhật ký cá nhân như một trang mạng xã hội và điển hình là Zalo Page – Trang kinh doanh hữu hiệu dành cho các doanh nghiệp.

3.3. Dịch vụ thanh toán trực tuyến

Việc sử dụng các ứng dụng thanh toán di động cũng ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Thị trường Việt có hơn 20 ví điện tử đang hoạt động, tuy vậy, tính đến tháng 3/2019, 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam là Momo, Moca và ZaloPay.


Ngoại trừ khả năng thanh toán online có sẵn trong mọi loại ví điện tử, chúng còn giúp người dùng đạt được các mục đích sử dụng khác nhau nhờ vào những tiện ích kết hợp:

Nếu người dùng ưa thích các chương trình khuyến mãi, Momo là lựa chọn hàng đầu với các chương trình như Chia sẻ Momo, Mua vé CGV bằng Momo chỉ với 9k…

Đối với người dùng thích đặt đồ ăn qua mạng, họ sẽ chọn Airpay để thanh toán nhờ vào các khuyến mãi miễn phí vận chuyển trên Foody và Deliverynow.

Viettelpay cũng rất được ưa chuộng khi người dùng có nhu cầu chuyển khoản do ví điện tử này được liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau…

Qua bài viết trên, mong rằng các bạn đã nắm rõ được khái niệm M-Commerce là gì, mối liên hệ giữa M-Commerce và E-Commerce, cũng như là những tiềm năng phát triển to lớn của thị trường này ở Việt Nam.

* Nguồn: AutoAds

Welcome to Young MarCom World

X