Lý do nào thúc đẩy Alibaba muốn “rót” 3 tỷ USD vào Grab?

Các thông tin gần đây về khoản đầu tư 3 tỷ USD của Alibaba vào Grab đã làm dấy lên suy đoán về các điều khoản đầu tư cũng như giá trị và thách thức của mối quan hệ tiềm năng này.


Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba từ lâu đã mong muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sỹ) vào năm 2015, tỷ phú Jack Ma đã công khai rằng mục tiêu của Alibaba là phục vụ 2 tỷ người tiêu dùng vào năm 2036 và nêu chi tiết ý định trở thành một công ty toàn cầu để đạt được mục tiêu đó.

Tuy nhiên, Alibaba có vẻ đang gặp khá nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu đó, bất chấp nỗ lực mở rộng hoạt động quốc tế và củng cố vị thế trong nước của tập đoàn này.

Giữa bối cảnh trên, các thông tin gần đây về khoản đầu tư 3 tỷ USD của Alibaba vào Grab đã làm dấy lên suy đoán về các điều khoản đầu tư cũng như giá trị và thách thức của mối quan hệ tiềm năng này.


Ảnh: Internet

Khó khăn tại cả thị trường trong nước và quốc tế

Được trang bị công nghệ, kinh nghiệm và vốn cũng như bề dày thành tích, Alibaba cùng các công ty liên kết khác như công ty chuyên về dịch vụ thanh toán Ant đã rất nỗ lực để xây dựng sự hiện diện tại các thị trường quốc tế, bao gồm Đông Nam Á và Ấn Độ.

AliExpress, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), đã đạt được khá nhiều thành công trên toàn cầu khi xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một đại diện tiêu biểu nhất của Alibaba bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, những công ty khác của Alibaba đã không hoạt động được tốt như kỳ vọng. Công ty chuyên về dịch vụ điện toán đám mây Alibaba Cloud vẫn chưa thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Amazon Web Systems (AWS) thuộc sở hữu của “đại gia” thương mại điện tử Amazon.com (Mỹ).

Trong quý IV/2019, Alibaba Cloud đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, đứng thứ tư trên thị trường toàn cầu và xếp sau Google, Microsoft và AWS – bên đã đạt doanh thu gần 10 tỷ USD vào cùng giai đoạn.

Trong khi đó tại Ấn Độ, công ty dịch vụ tài chính và thanh toán di động Paytm, nơi Alibaba và Ant đang là cổ đông lớn, cũng đang nhanh chóng mất thị phần.

Ngoài Paytm, Alibaba cũng thất bại nhiều lần khi cố gắng đầu tư vào thị trường thương mại điện tử ở Ấn Độ.


AliExpress trở thành một đại diện tiêu biểu nhất của Alibaba bên ngoài thị trường Trung Quốc
Ảnh: Internet

Còn tại khu vực Đông Nam Á, việc Alibaba mua lại nền tảng thương mại trực tuyến Lazada vào năm 2016 được ca ngợi là “khởi đầu cho những điều tuyệt vời sắp tới”.

Dù vậy, giới quan sát đánh giá Lazada đang tụt hậu so với Shopee thuộc sở hữu của tập đoàn Sea Group (có sự hậu thuận của Tencent).

Ant cũng tích cực xây dựng các liên doanh ví di động trên toàn khu vực, thuyết thục các thương nhân chấp nhận thanh toán Alipay từ khách du lịch Trung Quốc, đồng thời đầu tư vào các liên doanh công nghệ tài chính lớn tại đây.

Ứng dụng thanh toán Akulaku tại Indonesia và Bluepay có trụ sở tại Thái Lan là hai ví dụ cho những hoạt động này của Ant.

Tuy nhiên, hầu như tất cả các dự án kinh doanh của Alibaba và Ant trong khu vực đều không đạt được kỳ vọng vào năm 2020, một phần do các thành phố và bãi biển của Đông Nam Á thiếu khách du lịch Trung Quốc vì các quốc gia áp đặt hạn chế đi lại.

Ngoài mảng kinh doanh quốc tế đang không mấy “thuận buồm xuôi gió,” Alibaba cũng gặp nhiều đối thủ mạnh tại thị trường quê nhà.


Trụ sở Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Ảnh: AFP/TTXVN

Một điều cần lưu ý là ưu tiên của Alibaba luôn là bảo vệ sự thống trị của mình trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.

Đầu tiên, đối thủ lâu năm JD.com đã từ bỏ những chiến lược sai lầm và tính riêng trong năm nay, giá cổ phiếu của JD.com đã tăng gấp đôi.

Tiếp đến là Pinduoduo, một cái tên mới nổi đang tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để chiếm lấy phân khúc giá rẻ của thị trường thương mại điện tử và đối đầu trực tiếp với Taobao của Alibaba.

Mặc dù vẫn có những câu hỏi xung quanh việc làm thế nào Pinduoduo đạt được mức định giá thị trường 15 tỷ USD chỉ trong hai năm còn Alibaba mất tới 5 năm, thị trường vẫn đang đánh giá cao nền tảng này.

Giá cổ phiếu của Pinduoduo đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay và mối quan hệ tiềm năng với J&T Express của Indonesia tại thị trường Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách của họ với Alibaba trong mảng logistics – một yếu tố chủ chốt của hệ thống thương mại điện tử.

Tuy nhiên, một “mối nguy” tiềm tàng lớn hơn đối với Alibaba là Meituan. Khởi đầu là chỉ một trang web giao dịch mua theo nhóm, Meituan trong những năm qua đã nổi lên trở thành công ty giao đồ ăn lớn nhất ở Trung Quốc và hiện đã mở rộng sang mảng cửa hàng tạp hoá, bán lẻ và thanh toán.


“Mối nguy” tiềm tàng đối với Alibaba là Meituan
Ảnh: Tech in Asia

Trong quý II/2020, Meituan bất ngờ đạt mức lợi nhuận 2,21 tỷ nhân dân tệ (hơn 324 triệu USD) và đánh bại Ele.me thuộc sở hữu của Alibaba.

Chuỗi bán lẻ Hema Fresh và chuỗi siêu thị Tmall của Alibaba cũng phải quan ngại trước khả năng giao hàng nhanh của Meituan.

Tầm quan trọng của Grab đối với tham vọng của Alibaba

Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở Trung Quốc, thành công của Alibaba ở Đông Nam Á càng trở nên quan trọng hơn khi tập đoàn này cố gắng mở rộng hoạt động ra toàn cầu để đa dạng hoá các nguồn thu. Do vậy, Alibaba cần đánh giá lại chiến lược và thực hiện những điều chỉnh lớn trong cả hoạt động và đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.

Khi xét về mô hình và quỹ đạo kinh doanh, Grab khá giống với Meituan những ngày đầu hoạt động. Grab bắt đầu với dịch vụ gọi xe, một lĩnh vực mà doanh nghiệp này vẫn thống trị khu vực Đông Nam Á.

Dịch vụ giao thực phẩm và chuyển phát nhanh theo yêu cầu của Grab cũng đang dẫn đầu ở hầu hết các thị trường trong khu vực. Ngoài ra, Grab cũng có một khởi đầu thuận lợi trong lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính.

Những gì mà Grab có thể bổ sung cho các lĩnh vực trọng tâm của Alibaba – gồm thương mại điện tử và tài chính công nghệ (fintech) – cũng phù hợp với những gì Alibaba muốn có.

Cụ thể, chúng gồm cơ sở hạ tầng hậu cần đáp ứng được yêu cầu, kiến thức sâu sắc và mạng lưới đối tác được thiết lập ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

Ảnh: The Millennial Sources

Vì vậy, về mặt chiến lược, việc Alibaba mua cổ phần của Grab hoàn toàn không khó hiểu. Softbank còn là một cổ đông quan trọng của cả hai và có thể đang thúc đẩy một số hình thức hợp nhất đằng sau “hậu trường”.

Về phần Grab, với tham vọng trở thành một “siêu ứng dụng”, khoản đầu tư của Alibaba có thể mở ra cơ hội mới cho họ.

Tuy nhiên, sẽ có những bất đồng giữa hai bên vì Grab cũng không muốn nhường quyền kiểm soát cho Alibaba, do Grab sinh ra từ khu vực Đông Nam Á và những người sáng lập công ty vẫn ở lại kể từ ngày đầu tiên tới nay.

Các nhà quan sát hay nhắc đến Tencent, công ty đã hậu thuẫn Sea Group từ rất sớm, như một ví dụ điển hình về cách một nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ vô điều kiện và để các công ty trong danh mục đầu tư tự điều hành.

Điều đáng chú ý là Tencent không phải lúc nào cũng như vậy. Công ty này đã rút ra bài học và thay đổi lập trường sau “trận chiến” với công ty chuyên về bảo mật Internet Qihoo360 tại Trung Quốc cách đây một thập niên, khi cả hai bên cáo buộc nhau về các hành vi chống cạnh tranh bình đẳng và cùng đưa nhau ra toà.

Sau khi sự việc được giải quyết, người sáng lập Tencent, ông Pony Ma, đã công khai phản ánh những bài học được rút ra và thừa nhận công ty này có thể đã can thiệp quá mức.

Một thách thức tiềm tàng khác là việc cần điều chỉnh thống nhất tầm nhìn và kỳ vọng của Grab khi ngày càng có nhiều bên tham gia đầu tư.

Mặc dù còn nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận rằng một chương mới trong phát triển công nghệ của khu vực Đông Nam Á sẽ bắt đầu nếu mối quan hệ Grab – Alibaba trở thành hiện thực.

H. Thuỷ
* Nguồn: BizLive

Welcome to Young MarCom World

X