SSI: Hàng không “khởi sắc” hơn năm 2020

Theo phân tích mới nhất của SSI, hàng không tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm 2021 nhưng khởi sắc hơn năm 2020.


Những con số của năm

Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, với tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo) giảm 38%, đạt 337.000 chuyến bay trong năm 2020.

Tổng quy mô đội bay của các hãng hàng không nội địa giảm nhẹ trong năm 2020 do tình trạng dư cung và nhu cầu thấp trong thị trường nội địa. Trong năm, Vietnam Airlines đã giảm 5 chiếc trong đội tàu bay (xuống 95 chiếc), trong khi Vietjet Air chỉ tăng một chiếc trong đội tàu bay (lên 72 chiếc).

Từ tháng 3/2020, Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh rất nghiêm ngặt, chỉ cho phép các chuyến bay cứu hộ quốc tế hoạt động với quy mô rất hạn chế (một vài chuyến/tháng). Các hạn chế về biên giới khiến hầu như không có các chuyến bay quốc tế thường xuyên trong năm 2020. Thông thường, doanh thu khách quốc tế chiếm từ 50-60% doanh thu của các hãng hàng không.

Để đối phó với tình hình khó khăn này, các hãng hàng không đã khai thác một số máy bay quốc tế của họ tại thị trường nội địa, tăng ASK nội địa (chỗ ngồi khả dụng/km – thước đo công suất của các hãng hàng không) và gây ra áp lực lên tỷ suất nội địa và RPK (doanh thu/hành khách/km – thước đo giá bán bình quân cho các hãng hàng không).


Để giảm thiểu thiệt hại, tất cả các hãng hàng không đều gia tăng các biện pháp cắt giảm chi phí
Ảnh: Vietjet Air

Để giảm thiểu thiệt hại, tất cả các hãng hàng không đều gia tăng các biện pháp cắt giảm chi phí (chi phí nhân viên, chi phí quảng cáo…). Mặc dù vậy, các hãng hàng không vẫn lỗ rất nặng. Kết thúc năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ hợp nhất 14.000 tỷ đồng, làm vốn chủ sở hữu giảm đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietjet Air cũng ghi nhận khoản lỗ luỹ kế của công ty mẹ là 2.300 tỷ đồng và lỗ hợp nhất 924 tỷ đồng.

Đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, ngành hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vaccine được phê duyệt và sử dụng trên quy mô lớn.

Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021. Chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hoá thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.


Theo SSI, lợi nhuận các hãng hàng không có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không
Ảnh: TL

Theo SSI, lợi nhuận các hãng hàng không có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021. Nhóm phân tích dự báo, hàng không vẫn sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước dịch bệnh).

Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không. Chính phủ gần đây đã công bố kế hoạch cho Vietnam Airlines huy động 8.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đồng thời cung cấp gói vay 4.000 tỷ đồng cho hãng hàng không quốc gia này. Các biện pháp này đủ để Vietnam Airlines cải thiện cơ cấu vốn và giảm áp lực tài chính trung hạn.

Áp lực trước những biến động thị trường

Năm 2021, ngành hàng không vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và cả chính sách mới. Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản dừng bay.

Nhằm giảm thiểu rủi ro do bảo quản dừng bay, Cục trưởng Hàng không yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển tàu bay khai thác để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng.

Với trường hợp tàu bay thực hiện bảo quản dừng bay trên 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và được Cục chấp thuận (trừ trường hợp tàu bay thực hiện bảo dưỡng định kỳ).

Các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng được yêu cầu thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản dừng bay và phải triệt để tuân thủ.


Các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng được yêu cầu thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định
Ảnh: Zing

Cục trưởng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng trong quá trình bảo quản dừng bay, khắc phục ngay các hiện tượng bất thường.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng giao Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay phối hợp với các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng nghiên cứu, ban hành các biện pháp kiểm tra tăng cường trong quá trình bảo quản dừng bay phù hợp với điều kiện thời tiết và khai thác tại Việt Nam. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị.

Hiện theo Planespotters, Vietnam Airlines có khoảng 22 máy bay nằm sân trong tổng số 99 máy bay trong đội bay. Con số này của Vietjet Air là 21 trong tổng số 71, Bamboo Airways là 2 trong tổng số 27 chiếc và Pacific Airlines là 1 trong tổng số 15 chiếc.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X