Công ty mẹ của Shopee – Phiên bản Alibaba và Tencent của Đông Nam Á?

Hãng dịch vụ Internet Sea Ltd (Singapore) vẫn đang thua lỗ, nhưng giá cổ phiếu công ty mẹ của Shopee tăng tới 880% trong 18 tháng qua.


Theo Bloomberg, đây là mức tăng giá cổ phiếu nhanh nhất trong nhóm công ty có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Để so sánh, trong cùng quãng thời gian này, giá cổ phiếu Shopify – công ty thương mại điện tử Canada – vọt lên hơn 500%. Còn giá cổ phiếu hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk tăng gần 350%.

Tháng trước, The Business Times đưa tin Sea – công ty trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán có trụ sở tại Singapore và niêm yết ở Phố Wall (New York, Mỹ) – đã vượt qua DBS Group để trở thành công ty đại chúng Singapore có giá trị lớn nhất (khoảng 65 tỷ USD).

Giá cổ phiếu Sea tăng chóng mặt khiến nhiều nhà đầu tư Phố Wall đặt câu hỏi liệu công ty Singapore sẽ trở thành Alibaba mới của Đông Nam Á hay là ví dụ điển hình của bong bóng công nghệ toàn cầu chắc chắn sẽ vỡ vụn trong tương lai.


Giá cổ phiếu Sea tăng hơn 880% trên sàn chứng khoán New York trong 18 tháng qua
Ảnh: TechCrunch

Làm việc 7 ngày trong tuần

CEO Sea Forrest Li, 42 tuổi, không tỏ dấu hiệu nào cho thấy ông quan tâm đến diễn biến giá cổ phiếu công ty. Trả lời phỏng vấn mới đây, ông Li cho biết đã làm việc 7 ngày mỗi tuần suốt từ tháng 4 để dẫn dắt công ty trong năm quan trọng nhất từ trước đến nay.

Nhu cầu với trò chơi di động và mua sắm trực tuyến trên nền tảng của Sea tăng vọt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến người tiêu dùng toàn thế giới phải ở nhà nhiều hơn.

Công ty này đang cạnh tranh để được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng điện tử tại Singapore. Đây là bước quan trọng để Sea tăng tốc chiếm lĩnh mảng dịch vụ tài chính. CEO Li cho biết công ty cũng đang tìm mua một số doanh nghiệp trong lĩnh vực game, hậu cần và thương mại điện tử.

“Chúng tôi không bận tâm nhiều về những thành công đã đạt được”, CEO Li trả lời khi được hỏi về giá cổ phiếu Sea. “Chuyện đó chẳng quan trọng và cũng không thay đổi công ty hay cá nhân nào cả”.

Sinh ra tại thành phố cảng Thiên Tân ở Trung Quốc, ông Li làm việc cho chi nhánh của Motorola Solutions và Corning trước khi đăng ký học MBA ở Đại học Stanford (Mỹ). Năm 2009, ông thành lập Sea, khi đó có tên là Garena, và đưa công ty lên sàn vào năm 2017.


Forrest Li, người sáng lập, CEO của Sea
Ảnh: TechinAsia

Sau một năm lên sàn, cổ phiếu Sea đã vượt qua hầu hết cổ phiếu cùng loại, một phần lớn nhờ vào thành công của game di động đầu tiên có tên Free Fire với hơn 80 triệu người dùng hàng ngày tại hơn 130 thị trường.

Tuy nhiên, mảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính cũng đang trở thành những trụ cột tăng trưởng quan trọng của công ty Singapore. Quý IV/2019, nền tảng Shopee của Sea đã vượt qua Lazada của Alibaba trở thành sàn thương mại điện tử số một tại Đông Nam Á, theo hãng nghiên cứu iPrice.

Thương mại điện tử chiếm hơn 40% doanh thu của Sea trong năm 2019, tăng từ mức 2,3% của năm 2017. Mảng dịch vụ tài chính SeaMoney của Sea, cung cấp mọi thứ từ ví điện tử cho đến những khoản vay nhỏ lẻ, sẽ sớm phát triển bùng nổ, theo nhận định của CEO Li. “Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội kinh doanh vô cùng lớn”, ông nói.

Phiên bản Alibaba và Tencent của Đông Nam Á

Sea nhận được đầu tư của nhiều tên tuổi lớn. Tencent hiện vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần của công ty này. Cổ phiếu Sea cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Dynamic Power Global Growth Class, một trong quỹ tương hỗ hoạt động hiệu quả nhất thế giới suốt thập kỷ qua.

Theo báo cáo của công ty vào tháng 3, các cổ đông lớn khác của Sea gồm có Tiger Global Management và Kora Management, một quỹ phòng hộ tập trung vào các thị trường mới nổi, có trụ sở tại New York.

Theo Business Times, Sea hiện là công ty lớn nhất tại Đông Nam Á với vốn hoá 65 tỷ USD, lần đầu vượt qua DBS Group và PT Bank Central Asia vào đầu năm nay. Doanh thu của công ty này cũng tăng 164% lên 2,2 tỷ USD trong năm 2019, dù đây chỉ là con số nhỏ so với mức 11 tỷ USD của tập đoàn tài chính khổng lồ DBS.

Các nhà đầu tư dường như không mấy quan tâm tới khoản lỗ 1,46 tỷ USD trong năm 2019 của Sea. Daniel Jacobs, nhà sáng lập Kora Management, nhận xét: “Họ (Sea) rất thận trọng trong kinh doanh. Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng công ty đang được kiểm soát tốt”.

“Chúng tôi nghĩ Sea là Tencent thu nhỏ và có khả năng đạt thành công vang dội, trở thành một tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu. Họ có một đội ngũ làm việc hiệu quả, nhiều sản phẩm trong thị trường lớn”, ông Jacobs nhấn mạnh.


Văn phòng của Sea tại Singapore
Ảnh: BT

Theo nhà phân tích Matthew Kanterman của Bloomberg Intelligence, thách thức lớn nhất của Sea hiện tại có lẽ là đáp ứng những kỳ vọng “trên trời” của các nhà đầu tư. Chỉ trong 7 ngày qua, cổ phiếu công ty này đã tăng 28% lên mức kỷ lục mới.

Nhiều nhà đầu tư cũng cảnh báo Sea đang đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hùng mạnh, từ Lazada, Grab cho đến những startup tài chính điện tử mới nổi. Trong khi đó, mảng game của Sea cũng chưa có sản phẩm mới thực sự thu hút.

Về phần mình, người sáng lập Sea cho biết ông nhận thức rõ những áp lực ngày càng lớn, đặc biệt khi công ty được coi là phiên bản của Alibaba và Tencent tại Đông Nam Á. “Chúng tôi học hỏi nhiều điều từ các nhà tiên phong này”, CEO Li, người hiện sở hữu tài sản 7,5 tỷ USD, cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi không muốn trở thành phiên bản mini của họ. Chúng tôi sẽ là chính mình”.

Nguyễn Duy
* Nguồn: BizLive

Welcome to Young MarCom World

X