Dòng tiền ‘bí ẩn’ muốn thâu tóm Saigon Co.op

Saigon Co.op là doanh nghiệp bán lẻ nội địa đứng đầu thị trường với doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm và tỷ suất lợi nhuận khoảng 30% nên đây là “miếng mồi” ngon mà các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhắm đến.


 

Từ vốn điều lệ 1 tỷ đồng đến “ngôi sao” ngành bán lẻ

Được thành lập từ năm 1989 với tên gọi là Ban quản lý hợp tác xã mua bán thành phố. Đến năm 1998, tại đại hội thành viên Saigon Co.op chính thức đổi tên Ban quản lý hợp tác xã mua bán thành phố thành Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM với sự tham gia thành lập của 20 hợp tác xã thương mại thành viên.

Điều lệ và tổ chức hoạt động của Saigon Co.op được UBND TP. HCM phê duyệt năm 1999. Lúc này, Saigon Co.op có tổng vốn đăng ký là 23,1 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, vốn tích lũy không chia là 21,8 tỷ đồng còn lại là vốn công trợ của nhà nước.

Saigon Co.op là tổ chức kinh tế hợp tác xã theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Mô hình hoạt động của Saigon Co.op thì đại hội thành viên là tổ chức có quyền quyết định cao nhất.

Trải qua quá trình phát triển, từ vốn điều lệ 1 tỷ đồng hiện tăng lên 6.797 tỷ đồng, với 26 thành viên, Saigon Co.op hiện đang được đánh giá là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam khi chiếm 43% thị phần kênh siêu thị xét về doanh số bán hàng.

Trong phân khúc đại siêu thị, Saigon Co.op cũng là đơn vị bán lẻ nội địa duy nhất đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn ngoại như Aeon Mall (Nhật Bản), BigC (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc). Thậm chí giữa năm 2019, Saigon Co.op còn mua lại thương hiệu bán lẻ Auchan Reatil Việt Nam (Pháp) với 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ và kênh thương mại điện tử.

Nếu so sánh tổng doanh thu năm 2019 với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa như Vincommerce của Masan và Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động thì Saigon Co.op vẫn đang dẫn đầu thị trường.

Cụ thể, doanh thu của Saigon Co.op năm 2019 là 35.000 tỷ đồng, Vincommerce là 23.500 tỷ đồng, Bách Hoá Xanh 10.700 tỷ đồng.

Đáng nói hơn trong khi Bách Hoá Xanh và Vincommerce vẫn đang trong giai đoạn chịu lỗ để đánh chiếm thị phần thì Saigon Co.op hằng năm vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dao động từ 800 -1.500 tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26 – 39% trên vốn góp.

Hiện lĩnh vực kinh doanh chính mang về nguồn thu lớn nhất của Saigon Co.op vẫn đang là bán lẻ với hệ thống hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, kênh mua sắm qua truyền hình, thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, HTVCo.op, Co.opXtra, Sense City, Co.op Smiles, Cheers,….

Tính đến tháng 5/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 113 siêu thị Co.opmart, 4 đại siêu thị Co.opXtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food, thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, Saigon Co.op còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản thương mại thông qua công ty thành viên.

Những lần tăng vốn “có vấn đề”

Dù là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bán lẻ, tuy nhiên quá trình quản trị để đưa doanh nghiệp phát triển, Saigon Co.op cũng vướng phải những chuyện lùm xùm. Đơn cử như kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Saigon Co.op vừa được Thanh tra TP. HCM công bố mới đây.

Trong đó, vi phạm điển hình nhất là những lần tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op. Cụ thể qua 8 lần tăng vốn điều lệ, thì lần tăng vốn năm 2014 lên 2.400 tỷ đồng nội dung tăng vốn điều lệ không được thể hiện trong biên bản đại hội thành viên năm 2014, nhiệm kỳ IV (2014 – 2019) cũng không đề cập đến việc tăng vốn điều lệ nhưng nghị quyết đại hội thành viên thì có thể hiện.

Bảng kê số vốn các hợp tác xã thành viên góp để Saigon Co.op tăng vốn điều lệ năm 2020

Còn năm 2015 tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng thì HĐQT Saigon Co.op thống nhất tăng vốn điều lệ nhưng nội dung không được trình và thông qua đại hội thành viên.

Vấn đề lớn nhất xảy ra ở lần tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 6.797 tỷ đồng, tương đương 50% vốn sở hữu.

Cuối tháng 1/2020, đại hội thành viên bất thường lần 1 của Saigon Co.op được tổ chức để thống nhất việc huy động vốn, mặc dù trước đó HĐQT của Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn, mục đích cụ thể của việc tăng vốn là gì.

Tuy nhiên, đại hội thành viên bất thường đã đưa ra Nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng.

Kết quả, 20 trong tổng số 26 hợp tác xã thành viên tham gia góp vốn với số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất là hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Điểm bất thường trong lần góp vốn này là trong giai đoạn 2018 – 2019, có một số hợp tác xã thành viên hoạt động có mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn.

Trong khi đó, các hợp tác xã chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Có 11 hợp tác xã góp vốn trên 200 tỷ đồng.

Như hợp tác xã Linh Tây có vốn điều lệ chưa tới 600 triệu đồng, lỗ 49 triệu đồng nhưng số vốn góp lại lên đến 952 tỷ đồng. Hay như hợp tác xã thương mại Thị Nghè lỗ 163 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 244 tỷ đồng, hợp tác xã thương mại Đô Thành lỗ 721 triệu nhưng góp 247 tỷ đồng …

Lộ dòng tiền “bí ẩn”

Truy nguồn gốc dòng tiền, Thanh tra TP. HCM xác định các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân bên ngoài hợp tác xã.

Các hợp tác xã thành viên không cung cấp hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn. Điểm đáng chú ý có 13 hợp tác xã thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (ngụ phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) làm việc với đoàn thanh tra nhưng người này cũng không cung cấp được các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra để làm rõ nguồn vốn góp.

Từ đó Thanh tra TP. HCM nhận định đã có các tổ chức, cá nhân thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước.

Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu.

Để ngăn chặn việc thâu tóm, Thanh tra TP. HCM kiến nghị Saigon Co.op thực hiện nghiêm những kết luận đã nêu trong kết luận thanh tra, không thay đổi nhân sự trong HĐQT, ban tổng giám đốc, lãnh đạo phòng ban đến khi có quyết định xử lý.

Đồng thời yêu cầu Saigon Co.op phối hợp với Sở Tài chính xây dựng quy chế quản lý, giám chặt chẽ tài sản. Giao sở Kế hoạch và đầu tư đề xuất hướng xử lý đối với việc tăng vốn của Saigon Co.op…

Thực tế trong những năm qua, bán lẻ ở nước ta được coi là ngành nhiều tiền năng và có biên độ tăng trưởng tốt nên nhiều “ông lớn” nước ngoài chi số tiền lớn để ra nhập thị trường như Aeon Mall, Lotte Mart, chuỗi 7-Eleven…

Còn với các doanh nghiệp trong nước, cuối năm 2019 Masan đã phải chi hàng tỷ USD để sở hữu Vincommerce (đơn vị vận hành mảng bán lẻ của Vingroup) thì Saigon Co.op rõ ràng là “miếng mồi” ngon cho các nhà đầu tư tư nhân, tổ chức trong và ngoài nước hậu thuẫn tài chính nhằm thâu tóm.

Theo Hứa Phương

The Leader

Welcome to Young MarCom World

X