IKIGAI – một triết lý sống của người Nhật

Suy ngẫm về cuộc đời, chiêm nghiệm để rút ra những điều tốt lành, lẽ sống cao đẹp và kinh nghiệm sống quý giá là việc rất nên làm. Thử đãi cát tìm vàng ở phương Đông, chúng ta sẽ tìm thấy ở IKIGAI một chuỗi ngọc của triết lý sống vừa bao la mà vừa thực tế cho thời hiện đại, nhất là đối với doanh nhân, những người rất cần những suy nghĩ tích cực và cảm xúc tích cực trong mọi tình huống.

IKIGAI là một thuật ngữ để chỉ một cây ý tưởng (concept tree) về hạnh phúc của con người trong cuộc đời, với bốn nhánh mà nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy như đồ họa đính kèm, gồm điều bạn yêu, điều bạn giỏi, điều thế giới cần ở bạn và điều bạn sẽ được trả tiền để làm. Bốn nhánh này gồm những giá trị có phần chồng chéo và đan xen với nhau. Nơi tích hợp và giao thoa giá trị của bốn nhánh đó, theo biểu đồ, chính là cái lõi cô đặc của IKIGAI.

Theo BBC, ông Akihiro Hasegawa là giáo sư tâm lý học lâm sàng ở Đại học Tokyo đã cùng các đồng nghiệp cho biết IKIGAI là sự kết hợp của hai từ: IKI, nghĩa là sống, và GAI, có nghĩa là giá trị. Theo ông, từ nguyên của IKIGAI bắt đầu từ thời Heian (794-1185). GAI đến từ chữ KAI (“vỏ sò” trong tiếng Nhật) là một thứ tiền tệ rất có giá trị, và IKIGAI là một từ dùng để chỉ giá trị của cuộc sống.

Khảo sát của Central Research Service năm 2010 trên 2.000 người Nhật cho thấy có 31% số người được phỏng vấn cho rằng công việc là IKIGAI của họ. Đây là một tỷ lệ khá cao so với nhiều dân tộc khác.

Từ thế kỷ 14, người thầy dạy đấu kiếm Miyamoto Musasi trong quyển sách “5 vòng tròn” đã đề cập đến IKIGAI. Có nhiều sách viết về IKIGAI ở Nhật nhưng có một cuốn rất đáng chú ý, đó là cuốn Ikigai-ni-tsuite (Về Ikigai), xuất bản năm 1966. Tác giả của nó, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích rằng “IKIGAI giống như hạnh phúc nhưng có khác biệt một chút về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời, nhưng IKIGAI là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.

IKIGAI hệ thống hóa các mảng chính của cuộc sống để mỗi người có thể tự gia giảm chất liệu và gia vị để làm nên món ăn tối ưu nhất cho cuộc đời của chính mình. Ai cũng có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ cho chính mình và người chung quanh để cứu thế giới khỏi bị chết vì đói, có thể làm sạch sẽ ngôi nhà và mặt tiền căn nhà để làm sạch và xanh môi trường, có thể truyền lại kinh nghiệm và trí tuệ cho thế hệ mãi sau bằng nhiều cách. Ai cũng có thể xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới bằng cách yêu thương gia đình mình và những người thân quen.

IKIGAI dẫn đến hành động nhiều bản lĩnh và ít bản năng. Nói cách khác, IKIGAI đặt ra câu hỏi và giúp bạn trả lời: “Mình nên làm gì với cuộc đời mình?”. Để hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc mỗi giây phút từ lúc thức dậy buổi ban mai, bạn có thể khởi đầu với một nụ cười và với sự sảng khoái, háo hức bước vào ngày mới, sống “tại đây và bây giờ”.

Hãy tự hỏi mình bằng bốn câu hỏi, bốn nhánh bao quanh cuộc đời, phủ bóng mát cho cuộc đời. Không phải hỏi để tăng thêm ức chế (stress) mà để hiểu nhu cầu của Thân, của Tâm và của Cuộc Sống quanh ta để hoàn thiện một bản thể cho chính mình.

Đối với người khác cũng vậy. Để hiểu họ hơn, bạn nên đặt ra bốn câu hỏi của IKIGAI:

– Người này yêu thích gì nhất?

– Người này giỏi ở lĩnh vực nào nhất?

– Người này kiếm được tiền từ những công việc gì?

– Người này có thể đóng góp được gì cho xã hội?

Tựu trung, IKIGAI hướng đến việc làm cho chính mình và người khác được hạnh phúc, làm việc trong hạnh phúc, sống trong hạnh phúc, và hạnh phúc trong cuộc sống, hạnh phúc trong công việc.

Muốn như thế thì giấc mơ lớn (big dream) phải được bổ sung bằng rất nhiều suy nghĩ nhỏ (small thinking/theo nghĩa nhỏ mà đẹp “small is beautiful”) bên cạnh suy nghĩ lớn (big thinking, think big). Xin lưu ý, nghĩ nhỏ ở đây không phải là suy nghĩ nhỏ nhặt hay suy nghĩ nông cạn, ngắn hạn.

IKIGAI cũng là một bản kiểm tra cho các quyết định mới, các kế hoạch hành động, vì không phải đam mê nào cũng hoàn toàn tốt và hoàn cảnh quanh ta chẳng đứng yên bao giờ.

IKIGAI là kim chỉ nam để bạn có thể vượt qua khó khăn, bám sát và đạt mục tiêu đã đề ra, mặc dù không phải bất cứ lúc nào bạn cũng có thể hài lòng với chính mình và hài lòng với cuộc sống của bạn.

Nguyễn Thanh Lâm

Welcome to Young MarCom World

X