Masan hướng đến hệ sinh thái có cả giải trí

Tầm nhìn dài hạn của tập đoàn tiêu dùng này là hệ sinh thái mới, kết nối nhiều nhu cầu của người tiêu dùng trên một nền tảng bán lẻ hiện đại.


Năm 2020, Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 75.000-85.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+.

Mục tiêu 30 ngàn cửa hàng bán lẻ

Sau gần 20 năm, Masan chính thức trở lại lĩnh vực bán lẻ với thương vụ mua lại VinCommerce. Sau khi bắt đầu vận hành hơn 3.000 cửa hàng Vinmart, Vinmart+, doanh nghiệp đặt nhiều tham vọng lớn trong kế hoạch 5 năm tới và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới. Mục tiêu của Masan đến năm 2025 sẽ sở hữu 30.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó tập đoàn tự vận hành 10.000 cửa hàng và 20.000 điểm bán hoạt động theo hình thức nhượng quyền.

Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%”.


Ảnh: Internet

Đặc biệt, lãnh đạo Masan cho biết về tầm nhìn “hệ thống Vinmart sẽ không dừng lại ở việc bán lẻ hàng nhu yếu phẩm”. Theo ông Danny Le, tân Tổng Giám đốc của Masan, hệ thống Vinmart, Vinamart+ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kinh doanh ăn uống, nhu yếu phẩm, tức đây là ưu tiên trước mắt của Masan tại hệ thống bán lẻ này. Bước sang giai đoạn thứ hai, Masan hướng đến khai thác đời sống tài chính, bao gồm: mở tài khoản ngân hàng, vay, chuyển tiền, đăng ký tín dụng, mua bảo hiểm, thanh toán hoá đơn, đầu tư, giao dịch.

Kế hoạch dài hơi hơn cũng là đích đến cuối cùng của “Point of life” – Sinh hoạt kết nối và giải trí. Hệ sinh thái lúc này bao quát từ chia sẻ tương tác, trò chuyện, xem phim, nghe nhạc, đọc tin, chơi game, nhắn tin nghe gọi, học tập, sức khoẻ, mua vé máy bay…

“Chúng ta đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng 1 nền tảng. Nhiều nơi đang gọi phương pháp tiếp cận này là ‘Bán lẻ kiểu mới’, nhưng Masan định nghĩa là đây là 1 hệ sinh thái ‘Tiêu dùng – Công nghệ’ (Consumer-Tech)”, ông Quang giải thích.

Trở lại với ưu tiên trước mắt, theo Masan, thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm đang chiếm đến 50% tổng ngành bán lẻ Việt Nam (tính đến cuối năm 2018), số lần người tiêu dùng đi chợ/ đến cửa hàng tạp hoá đạt 3-4 lần/tuần, hơn 50% người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm 1 lần/ngày… Với sự hợp nhất Vinmart, Vinmart+, Masan sẽ có hệ thống 3.000 cửa hàng trong năm 2020 nhằm phục vụ 9 triệu người dùng.


Năm 2025, cơ sở hạ tầng hợp nhất dự kiến tăng gấp 3 lần điểm bán lẻ 10.000 cửa hàng, phục vụ cho 15-20 triệu người dùng. Cũng trong giai đoạn này, Masan sẽ khai thác hình thức nhượng quyền với khoảng 20.000 cửa hàng, tính tổng Tập đoàn sẽ có 30.000 điểm bán phục vụ 30-50 triệu người dùng.

Masan sẽ gia tăng tỉ trọng đóng góp của các nhãn hàng riêng độc quyền trong hệ thống bán lẻ để tối ưu lợi nhuận, doanh thu. Công ty dự kiến các sản phẩm mang nhãn hàng riêng có thể đóng góp tới 45% doanh thu của hệ thống bán lẻ vào năm 2025.

Với mục tiêu mở rộng hệ thống gấp nhiều lần, Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu của Tập đoàn có thể đạt 150-250 ngàn tỉ đồng vào năm 2015 với tỉ suất lợi nhuận hoạt động 14-15%. Tuy nhiên, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Cosumers Holdings kiêm Tổng Giám đốc VinCommerce, cho biết hệ thống Vinmart, Vinmart+ hiện mới đóng góp 1% doanh thu Masan Consumers. Do đó, mục tiêu của Tập đoàn là giúp VinCommerce vận hành thành công chứ không xem đây chỉ là kênh bán hàng cho Tập đoàn Masan.

Thêm 1 tỉ USD cho CrownX

Masan kỳ vọng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai. Bán lẻ hiện đại dự kiến chiếm đến 50% thị phần trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới do tầng lớp trung lưu gia tăng, đô thị hoá nhanh chóng và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau COVID-19. Bán lẻ hiện đại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 30-50% mỗi năm, so với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành bán lẻ và thực phẩm – đồ uống là 10% trong trung hạn.


Ảnh: Internet

Với bối cảnh chiến lược này, MSN đã thông qua nghị quyết của HĐQT để mua thêm 15% cổ phần của The CrownX, giao dịch đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị lên đến 1 tỉ USD dự kiến ​​sẽ được hoàn tất trong quý II/2020.

Đầu tháng 6, Tập đoàn Masan thành lập Công ty Cổ phần The CrownX, sở hữu cổ phần đa số của Masan Consumers và VinCommerce. CEO Danny Le khẳng định Masan sẽ luôn nắm cổ phần kiểm soát tại The CrownX cũng như VinCommerce.

“Thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Công ty cũng đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí phí hoạt động tại cửa hàng song song đổi mới danh mục sản phẩm hệ thống Vinmart và Vinmart+ thông qua phát triển danh mục hàng hoá chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng”, ông Danny Le cho biết.

Hà Vũ
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X