MoMo lên kế hoạch IPO

MoMo xây dựng hình tượng là một chú đại bàng kiêu hãnh, mạnh mẽ, có sức sáng tạo – đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam quật cường.


Siêu ứng dụng MoMo vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series D từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Mặc dù không tiết lộ số vốn nhưng các chuyên gia nhận định MoMo hiện là fintech nhận đầu tư có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam hiện tại.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập và Phó chủ tịch MoMo cho hay, nguồn vốn đầu tư lần này tập trung vào ba mục tiêu chính.

Đầu tiên là tiếp tục xây dựng nền tảng công nghệ và cuối cùng bản chất công nghệ thông tin hay fintech là cuộc chiến “đốt tiền”. Tiền ở đây theo ông Tường là chuyện xây dựng một sản phẩm đủ tốt để khách hàng dùng thấy vui, thấy hạnh phúc. Đó là điểm tiên quyết.

“Phần lớn của nguồn tiền tiếp tục để xây dựng sản phẩm, xây dựng kết nối, đầu tư vào công nghệ. Chúng tôi xây dựng một research lab đầu tư vào nghiên cứu sâu về công nghệ deep learning, về AI. Đó là nhiệm vụ trọng tâm trong nguồn vốn đầu tư lần này”, đồng sáng lập MoMo chia sẻ.

Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng giải pháp cho đối tác. Trước đây, MoMo tập trung nhiều vào khách hàng với các dịch vụ cơ bản như thanh toán, nhưng công ty đang lên kế hoạch đưa ra một nhóm các dịch vụ mới nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số như: là giúp tìm kiếm khách hàng, tiếp cận với hàng chục triệu khách hàng của MoMo, các giải pháp về chăm sóc khách hàng…

Thực tế, ngành bán lẻ Việt Nam đang gặp khó khăn trong chuyện không biết khách hàng là ai, khi khách hàng thanh toán tiền mặt. Khi đó, doanh nghiệp không có dữ liệu để phân tích, tìm hiểu, nhận định để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận… Thông qua MoMo, các đối tác có thể cải thiện sản phẩm và cũng như giải pháp CSKH.

Trọng tâm còn lại theo ông Tường là sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong hệ sinh thái số. Đại diện MoMo cho biết, công ty đã có kế hoạch IPO trong thời gian tới và đang chuẩn bị cho quá trình đó.


Ông Nguyễn Mạnh Tường – Đồng sáng lập và Phó Chủ tịch MoMo

Nhận định về thị trường, ông Tường đánh giá, đối thủ lớn nhất của MoMo hiện là “tiền mặt”. Đơn cử như việc để khách hàng đi ra một quán cà phê rút điện thoại ra thanh toán vẫn là thách thức. Thách thức khác là những vấn đề liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin của người dùng khi sử dụng các nền tảng số.

“Chúng ta cần quản lý được rủi ro để sử dụng được tiện ích mà nền tảng công nghệ số mang lại, đó là việc không thể một sớm một chiều. Việc đó thì một mình chúng tôi cũng không làm được, do đó, chúng ta hãy cùng nhau giải quyết bài toán đó để đánh lại đối thủ lớn nhất là tiền mặt”, ông Nguyễn Mạnh Tường nói.

Để làm được điều này, MoMo sẽ phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với khách hàng trên MoMo. Trước đây, việc tiếp cận ấy tương đối khó khăn, nhưng bây giờ MoMo đã có sản phẩm như: tính năng “Ưu đãi” cung cấp các thẻ quà tặng để các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên bán trên MoMo.

Và MoMo vốn am hiểu khách hàng sẽ biết đối tượng nào phù hợp với sản phẩm gì, và sử dụng thuật toán giúp cá nhân hóa sản phẩm phù hợp với từng khách hàng phù hợp, trong khu vực bán kính ví dụ như 2-3 km mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đấy cung cấp dịch vụ. Ví dụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về F&B, về đồ ăn, thức uống.

Bên cạnh đó, MoMo cung cấp giải pháp về chăm sóc khách hàng. Nếu khách hàng sử dụng tiền mặt, doanh nghiệp sẽ không biết họ là ai. Nhưng khi có một giải pháp như thanh toán bằng MoMo, có thể biết cụ thể tên, tuổi, thói quen, để từ đó nhắc nhở, chăm sóc khách hàng một cách dễ dàng và tiện lợi.

Đặc biệt, MoMo còn hướng tới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phân tích số. Bởi để hiểu hơn về khách hàng, doanh nghiệp cần dựa trên các thông tin, số liệu, để từ đó đưa ra những góc nhìn thấu hiểu khách hàng hơn, cũng như điều chỉnh lại cách tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch MoMo còn chia sẻ về trách nhiệm của công ty với xã hội, cộng đồng và hệ sinh thái xung quanh. Thể hiện qua việc doanh nghiệp này đã dành ra một khoản tiền nhận đầu tư cho MoMo Innovation Ventures để cung cấp tài chính, kinh nghiệm, kiến thức và thậm chí là tiếp cận khách hàng cho các startup.

Ngoài ra, MoMo cũng đang có kế hoạch xây dựng cộng đồng và chia sẻ kiến thức, về những kỹ năng mà MoMo có, ví dụ như kỹ năng tăng trưởng số (growth hacking). MoMo đã có kinh nghiệm growth hacking như trong khoảng 5 năm vừa qua, tăng trưởng hơn 23 lần khách hàng, hay trong năm 2020 tăng trưởng gấp đôi từ 10 triệu lên 23 triệu khách.

“Growth hacking bản chất là một sự kết hợp giữa phân tích dữ liệu, đổi mới về sản phẩm cũng như các kiến thức về Marketing. Đó là sự kết hợp giữa nhiều lĩnh vực với nhau để tạo nên một khả năng tăng trưởng khách hàng nhanh trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khách hàng. Đó là những ví dụ mà chúng tôi mong muốn chia sẻ với cộng đồng, với các doanh nghiệp để chúng ta cùng nhau phát triển”, ông Tường nhấn mạnh.

Theo Theleader

Welcome to Young MarCom World

X