Ngày độc lập Hoa Kỳ – nhìn từ phía khác

NGUYỄN XUÂN XANH

TẶNG M.N.

Ngày 5 tháng 7, 1852, đúng 165 năm trước, trong lễ kỷ niệm sự ra đời của Bản Tuyên Ngôn độc lập tại Rochester, New York, với những nguyên tắc bất tử: “Tất cả mọi người sinh ra được bình đẳng, rằng họ được phú cho, bởi Đấng tạo hóa của họ, một số quyền nhất định không thể chuyển nhượng được, rằng trong những quyền đó có quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc”, nhà đấu tranh dân quyền cho người da đen, Frederick Douglass, đã đọc một bài diễn văn nảy lửa, hùng hồn và rất cảm động, có lẽ nổi tiếng nhất của ông, và được lưu truyền trong sách sử Mỹ. Douglass đã chĩa “thanh sắt đỏ” của sự luận tội vào lương tâm của quốc gia.

Ông là một người nô lệ, rồi trốn thoát để trở thành một nhà hùng biện và đấu tranh cho quyền lợi người da đen. Ông sinh ra vào thời nô lệ khi mà việc đọc và viết đối với nô lệ là bất hợp pháp. Ai bị bắt gặp có thể bị trừng phạt nặng nề, hay bị tử hình. Các chủ nô nghĩ rằng, nếu nô lệ học, họ có thể nổi loạn và chống lại.

Đối với Douglass, và tất cả những người Mỹ da đen, ngày Bốn tháng Bảy không phải là ngày kỷ niệm để hoan hỉ về quyền và tự do đã được nền dân chủ thừa nhận. Đó là ngày xấu hổ nhất cho những người đã phản bội những trách nhiệm đạo lý cơ bản nhất đối với người đồng hương. “Những gì bất nhân không thể thiêng liêng được” như ông viết.

Frederick Douglass (1818-1895)
Trích đoạn của bài diễn văn:
“Đồng bào thân mến, xin lỗi, cho phép tôi hỏi, tại sao tôi lại được mời để phát biểu tại đây hôm nay? Tôi, hay những người tôi đại diện, có liên quan gì đến độc lập quốc gia của quý vị? Những nguyên lý vĩ đại của tự do chính trị và của công lý tự nhiên, được hiện thân trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, có được mở rộng đến chúng tôi? Và do đó tôi được mời đem lễ vật khiêm tốn đến bàn thờ quốc gia, và thú nhận những phúc lợi, và bày tỏ lòng biết ơn chân thành về những phúc lành mà nền độc lập của quý vị ban cho chúng tôi? […]

Nhưng đó đâu phải là trường hợp này. Tôi nói điều đó với những cảm xúc đau buồn về sự bất bình đẳng giữa chúng ta. Tôi không thuộc về lễ kỷ niệm vinh quang này! Nền độc lập cao quý của quý vị chỉ làm lộ rõ thêm khoảng cách không đo được giữa chúng ta. Những phúc lành mà quý vị hôm nay vui mừng được hưởng không được chia sẻ chung. Di sản phong phú của công lý, tự do, phồn vinh, và độc lập được truyền lại từ những người cha lập quốc của quý vị được chia sẻ cho quý vị, không phải cho tôi. Ánh mặt trời đem lại ánh sáng và sự chữa trị cho quý vị, không phải cho tôi. Quý vị có thể vui mừng, tôi phải than khóc. Kéo lê một người bị xiếng xích vào đền thờ vĩ đại được chiếu sáng của tự do, và kêu gọi anh ta hãy tham gia vào các bài thánh ca hồ hởi, đó là trò đùa bất nhân, và một sự mỉa mai báng bổ.

Đồng bào thân mến, trong niềm vui quốc gia huyên náo của quý vị, tôi nghe thấy tiếng than khóc của hàng triệu người! mà những xiềng xích, nặng nề và đau đớn hôm qua, trở thành không chịu đựng nổi bởi những tiếng reo hò ngày lễ kỷ niệm vang đến tai họ. […]

Chủ đề của tôi, do đó, đồng bào thân mến, là chế độ nô lệ Mỹ. Tôi sẽ nhìn ngày này và những tính chất đặc thù của nó từ quan điểm của người nô lệ. Đứng ở đây, đồng nhất với người nô lệ, …, tôi không do dự tuyên bố với tất cả trái tim của mình rằng tính chất và đạo đức của quốc gia này, đối với tôi, chưa bao giờ đen tối hơn như vào ngày Bốn tháng Bảy này! … Nước Mỹ sai trong quá khứ, sai trong hiện tại, và một cách long trọng, sẽ tự trói mình để sai trong tương lai. Đứng cạnh Chúa và những người nô lệ bị đè nát và chảy máu trong dịp này, nhân danh loài người đang bị xúc phạm, nhân danh tự do đang bị trói buộc, nhân danh Hiến pháp và Kinh thánh đang bị coi thường và giẫm đạp, tôi dám nghi ngờ, dám tố cáo, với tất cả sức lực mà tôi có, rằng tất cả những gì phục vụ để làm cho chế độ nô lệ này tồn tại vĩnh viễn, là tội lỗi lớn và là sự hổ thẹn cho nước Mỹ. […]

Ngày Bốn tháng Bảy của quý vị, đối với người nô lệ Mỹ, là gì? Tôi trả lời: là một ngày tiết lộ cho y, hơn tất cả những ngày khác trong năm, sự bất công thô bạo và sự tàn ác mà y luôn luôn là nạn nhân. Đối với y, ngày kỷ niệm của quý vị là một sự xấu hổ; sự tự do được khoe khoang, sự vĩ đại của quốc gia, sự hợm mình được thổi phồng lên của quý vị; những âm thanh buổi ăn mừng của quý vị là trống rỗng và nhẫn tâm; sự lên án của quý vị đối với các bạo chúa; sự hò hét về tự do và bình đẳng, sự nhạo báng trống rỗng; những lời cầu nguyện, những bài thánh ca của quý vị, những bài thuyết giáo và lễ tạ ơn của quý vị, với tất cả sự phô trương và trịnh trọng của quý vị, đối với Thiên chúa, chỉ là sự khoa trương, lừa lọc, dối trá, nghịch đạo, và giả nhân giả nghĩa – một tấm vải mỏng để che đậy tội ác làm hổ thẹn một quốc gia của những kẻ hoang dại. Không có một quốc gia của những kẻ hoang dại, không có một quốc gia trên trái đất tội lỗi về những cách hành xử gây căm phẫn và máu me hơn là dân của Hợp Chủng Quốc trong thời điểm trọng đại này.”


Abraham Lincoln (1809 –1865)
Chín năm sau, 1861, Abraham Lincoln khởi xướng cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ. Tháng giêng 1863, giữa lúc cuộc chiến đang bất lợi cho các bang phía Bắc, ông ký sắc lệnh trả tự do cho tất cả người nô lệ. “‘Tự do cho tất cả’ – nguyên lý sẽ dọn sạch con đường cho tất cả – đem lại niềm hy vọng cho tất cả – và, như một hệ quả, đem lại kinh doanh và công nghiệp cho tất cả; […] nếu không có nguyên lý đó, chúng ta không thể bảo đảm một chính quyền tự do, và do đó sự phồn vinh. Không dân tộc bị áp bức nào sẽ chiến đấu, và chịu đựng, như những người cha của chúng ta đã làm, mà không có một hứa hẹn một cái gì tốt hơn chỉ là sự thay đổi các ông chủ”, như Abraham Lincoln hùng hồn viết. “Hủy bỏ Thỏa hiệp Missouri – hủy bỏ tất cả thỏa hiệp – hủy bỏ Tuyên ngôn Độc lập – hủy bỏ tất cả quá khứ, quý vị vẫn không thể xóa bỏ bản chất của con người. Chính sự tràn đầy của trái tim con người, mà sự mở rộng chế độ nô lệ là sai lầm; từ sự tràn đầy của trái tim anh ta, anh ta sẽ tiếp tục nói.” “Một cái nhà bị chia đôi chống lại chính nó không thể đứng vững”, và “Tôi tin chính quyền này không thể kéo dài, khi thường xuyên bị chia đôi, phân nửa nô lệ, phân nửa tự do.”

Tháng 11, 1863, tại khúc quanh quyết định có lợi cho quân phía Bắc, ông đọc bài diễn văn huyền thoại Gettysburg: “Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.”(1) Tháng tư, 1865, trước giờ chiến thắng và sau khi được tái đắc cử, Abraham Lincoln đọc bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai: “Không ác tâm với ai, thiện tâm với tất cả mọi người, với sự kiên quyết trong quyền mà Chúa đã ban cho chúng ta để thấy lẽ phải, chúng ta hãy tiếp tục nỗ lực hoàn tất công việc chúng ta đang làm, băng bó các vết thương của quốc gia, chăm sóc cho những ai đã chịu đựng chiến tranh, cho góa phụ và con mồ côi của họ, phải làm tất cả những gì có thể giành được, và gìn giữ một nền hòa bình công bằng và lâu dài giữa chúng ta, và với các quốc gia.”

Trong thế kỷ thứ 20, Douglass có một người kế vị, tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi người da đen: W.E.B. DuBois, một nhà xã hội học tên tuổi. Sau Thế chiến II, nạn kỳ thị chủng tộc lại bùng phát. DuBois là bạn thân của Albert Einstein và Einstein từng tranh đấu để hủy bỏ một phiên tòa chống lại ông. Einstein có nhiều hành động chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, trong đó có một bài phát biểu: The Negro Question.(2) DuBois bị tước quyền công dân khi thăm Ghana, và cuối cùng mất ở đó, lúc 95 tuổi. Mục sư Martin Luther King Jr. tiếp tục sự nghiệp. Ông tranh đấu 12 năm liền để rồi bị ám sát vào tháng 4, năm 1968. Kỳ thị chủng tộc là “căn bệnh của người da trắng”, Einstein nói. Một căn bệnh thâm niên.

NXX

Tháng 7, 2017

Welcome to Young MarCom World

X