Nguyên tắc “chia để trị” đằng sau việc người Trung Quốc đổ mạnh tiền vào châu Âu

Nếu chính phủ một nước châu Âu hạn chế người Trung Quốc vào thị trường của họ, người Trung Quốc sẽ ngay lập tức vẫn có thể vào được châu Âu bằng một thị trường khác.

Nguyên tắc “chia để trị” đằng sau việc người Trung Quốc đổ mạnh tiền vào châu Âu

Ảnh: CPIA

Hoạt động đầu tư của người Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu có nhiều ý nghĩa về quy mô cũng như địa chính trị, cùng lúc đó, không ai có quyền đánh giá thấp nó.
Theo bài báo mới được Financial Times đăng tải, các nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc nhắm đến tài sản nước ngoài để đa dạng hóa danh mục đầu tư, còn nhà đầu tư lớn hoặc những tập đoàn đa ngành nghề đặt nhiều kỳ vọng vào việc tiếp cận với công nghệ và mở rộng tầm ảnh hưởng trong các ngành nghề kinh tế quan trọng.
Nhiều người Mỹ và châu Âu chào đón dòng vốn đầu tư cũng như cơ hội việc làm mà người Trung Quốc mang đến cho họ. Tuy nhiên không ít người phàn nàn về tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh và lo lắng về khả năng việc bán một số bí quyết công nghệ then chốt về tay người Trung Quốc sẽ tiềm ẩn rủi ro an ninh.
Người ta thường có xu thế tin rằng phần lớn đồng vốn FDI của Trung Quốc sẽ vào Mỹ. Thế nhưng điều đó không đúng, tính trong tổng số vốn người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong thập kỷ qua, vốn FDI vào Mỹ chỉ chiếm 2 – 3%. Phần lớn vốn đầu tư được rót vào châu Âu.
Chắc chắn sẽ nhiều người ngạc nhiên bởi tại sao vốn FDI của người Trung Quốc vào Mỹ tính ra không đáng bao nhiêu nếu so với vốn FDI của người Trung Quốc vào châu Âu.
Nguyên nhân chính là bởi người châu Âu tập trung nhiều hơn vào các ngành sản xuất phù hợp với nhu cầu của người Trung Quốc, trong khi đó, phía Mỹ gần đây tập trung nhiều hơn vào phát triển công nghệ trong ngành nông nghiệp.
Yếu tố chính trị của châu Âu cũng khiến cho nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn. Chính phủ các nước châu Âu đưa ra chính sách thu hút đầu tư “dễ thở”. Ngoài ra, cấu trúc các ngành công nghiệp tại châu Âu mang tính tương hỗ cao, phù hợp với nhu cầu từ phía Trung Quốc.
Người ta đặt câu hỏi, vậy người Trung Quốc đang đổ tiền vào những lĩnh vực nào? Theo tính toán của tập đoàn Rhodium, người Trung Quốc đầu tư mạnh vào ngành sản xuất thiết bị và năng lượng.
Các ngành ô tô, giao thông, cơ khí cũng đứng trong nhóm các ngành được người Trung Quốc ưu tiên nhất. Trong hoạt động thương mại hai chiều giữa châu Âu – Trung Quốc, sản phẩm từ các ngành trên cũng giữ vị trí ưu tiên.
Người Mỹ mạnh về ngành giải trí và sản xuất kim loại, khai thác khoáng sản. Tất nhiên, các công ty Trung Quốc không bỏ qua cơ hội thâu tóm thêm các ngành này dù gần đây chính phủ Trung Quốc đã hạn chế bớt hoạt động thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.
Minh chứng rõ nhất cho điều này có thể thấy từ việc chính phủ Trung Quốc ngăn tập đoàn Dalian Wanda dành ra 1 tỷ USD mua lại công ty chuyên sản xuất các chương trình truyền hình Mỹ Dick Clark Productions bởi lo ngại về nhiều yếu tố, trong đó có việc chi tiêu quá nhiều tiền ở nước ngoài sẽ dẫn đến cạn kiệt dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
Từ góc nhìn của người Trung Quốc, thị trường châu Âu dễ tiếp cận hơn rất nhiều bởi lựa chọn các đối tác đa dạng hơn. Nói cụ thể, người Trung Quốc dễ thâm nhập châu Âu theo nguyên tắc “chia để trị”, có nghĩa là nếu chính phủ một nước châu Âu hạn chế người Trung Quốc vào thị trường của họ, người Trung Quốc sẽ ngay lập tức vẫn có thể vào được châu Âu bằng một thị trường khác có chính sách dễ thở hơn.
Theo góc nhìn như vậy, thị trường Anh sẽ không còn quá hấp dẫn với người Trung Quốc bởi thị trường Anh không thể mang đến một lựa chọn thay thế cho người Trung Quốc khi họ muốn vào châu Âu bởi Anh hiện đã không còn thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể hợp tác với chính quyền từng bang đơn lẻ của Mỹ và hưởng chế độ ưu đãi tính theo từng bang, thế nhưng hoạt động của họ vẫn phải chịu quy định ràng buộc của chính phủ Mỹ vốn khá ngặt nghèo. Đây là điểm bất lợi nếu so với môi trường cởi mở của EU.
Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng cảnh giác rất cao độ với các yếu tố an ninh bởi sự vươt trội về công nghệ chính là yếu tố giúp Mỹ đứng đầu thế giới như hiện nay.
Nước Mỹ có một Ủy ban phụ trách vấn đề đầu tư (Cfius), ủy ban này sẽ quyết định liệu kế hoạch đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài (đặc biệt các tập đoàn nhà nước) có tiềm ẩn rủi ro liên quan đến độc quyền hay an ninh quốc gia. Tiền FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng FDI vào Mỹ thế nhưng chiếm đến hơn 25% tổng số các vụ việc mà Cfius phải xem xét.
Hồ sơ đầu tư của người Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ bị xem xét đặc biệt kỹ càng. Ví như cuối năm 2012, dưới sự tư vấn của tình báo Hạ viện Mỹ, chính phủ Mỹ đã cấm tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei) của Trung Quốc đầu tư vào Mỹ với lý do an ninh.
Tại châu Âu, tập đoàn Hoa Vĩ đã may mắn hơn. Chính phủ Anh thiết lập nên một ban kiểm tra công nghệ của Hoa Vĩ và kết luận công nghệ Hoa Vĩ không vi phạm các tiêu chuẩn an ninh. Hiện nay, Hoa Vĩ đang giữ vị thế quan trọng với thị phần tương đối tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, sự hiện diện của Hoa Vĩ tại Mỹ cực kỳ khiêm tốn.
Tuy nhiên, thành công của các tập đoàn Trung Quốc tại châu Âu có thể sẽ không kéo dài lâu. Sau khi Anh chính thức rời khỏi EU, Thủ tướng Anh Theresa May đã phát đi tín hiệu về việc đưa ra chính sách chặt chẽ hơn với các tập đoàn Trung Quốc trong hoạt động đầu tư vào Anh.
Chính phủ Đức và Pháp mới đây cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố tương tự về việc sẽ điều chỉnh lại chính sách với hoạt động đầu tư FDI của người Trung Quốc vào châu Âu bởi lý do an ninh.

TRUNG MẾN

Welcome to Young MarCom World

X