Nước cờ Grab của Alibaba

Nếu thương vụ tỉ đô thành công, Alibaba mở một con đường mới thông qua ứng dụng gọi xe Grab.


Bloomberg đưa tin, Alibaba Group Holding đang đàm phán để đầu tư 3 tỉ USD vào Grab ở Đông Nam Á. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Alibaba đang là nhà đầu tư duy nhất trong vòng gọi vốn lần này của kỳ lân công nghệ Châu Á.

Trợ lực cho Lazada

Theo đó, Alibaba sẽ chi một phần quỹ đầu tư của mình để mua lại một số cổ phiếu Grab do Uber Technologies nắm giữ. Khoản tài trợ này của Alibaba sẽ chiếm khoảng 1/5 mức định giá 14 tỉ USD gần đây nhất của Grab. Thông tin về thương vụ diễn ra trong bối cảnh Grab đang vật lộn với khó khăn do đại dịch COVID-19.

CEO Anthony Tan của Grab cho biết Công ty đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử. Hồi tháng 5, Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, cũng cảnh báo về “một mùa đông dài” đối với startup này. Các nhà đầu tư hiện tại của Grab cũng tỏ ra thất vọng khi cạnh tranh gay gắt với đối thủ Gojek khiến định giá của Grab giảm sút.


Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc Alibaba lấn sân vào lĩnh vực gọi xe chỉ là phụ. Động cơ lần này của ông trùm thương mại điện tử Trung Quốc được cho là tận dụng mối quan hệ với Grab nhắm đến hỗ trợ cho con đường phát triển Lazada.

Theo Bloomberg, khoản đầu tư của Alibaba vào Grab có thể thúc đẩy tăng trưởng người dùng của công ty con Lazada, vốn đang thất thế trước Shopee do Tencent hậu thuẫn.

Thực tế, sau gần 4 năm về với Alibaba, Lazada đã bị mất thị phần ở những thị trường chính, thậm chí vị trí số 1 ở khu vực của họ đang bị đe doạ soán ngôi bởi Shopee. Tại Indonesia, thị trường lớn nhất khu vực, Lazada vào năm ngoái xếp thứ 4 trong danh sách những công ty thương mại điện tử lớn nhất, sau cả Shopee, Tokopedia và Bukalapak.

Tại Việt Nam, Lazada vẫn “dưới kèo” Shopee và Tiki. Theo thống kê của iPrice Group kết hợp với công ty đo lường SimilarWeb, lượng truy cập vào website của các sàn thương mại điện tử (trừ Shopee) trong quý I/2020 giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, Shopee vẫn là sàn thương mại điện tử có số lượng người truy cập nhiều nhất với 43,16 triệu lượt truy cập/tháng. Tiki xếp thứ 2 với 23,99 triệu lượt. Trong khi đó, lượng truy cập của Lazada Việt Nam và Sendo quý I vừa qua lần lượt giảm 7,3 triệu lượt/tháng và 9,6 triệu lượt/tháng so với quý trước.

Trước nhiều khó khăn cho cả Lazada và Grab, việc Alibaba rót vốn vào Grab lần này sẽ giúp Lazada và Grab đều ở thế Win-Win. Theo thoả thuận, Alibaba có quyền truy cập vào dữ liệu của hàng triệu người dùng ở 8 quốc gia, đội ngũ giao hàng đang phát triển, cũng như cổ phần trong dịch vụ tài chính và ví điện tử của Grab.

Mạng lưới giao hàng của Grab và Lazada sẽ được tích hợp với nhau. Điều này giúp Lazada có thể khai thác cơ sở dữ liệu người dùng đặt xe và giao đồ ăn khá lớn của Grab, những dịch vụ thường có tần suất sử dụng cao hơn thương mại điện tử. Ngược lại, sự kết hợp này cũng giúp Grab tiếp cận với mạng lưới người tiêu dùng rộng lớn hơn.

Cuộc đổ bộ vào thương mại điện tử

Grab đang có nhiều động thái để trở thành tân binh trong thị trường thương mại điện tử. Mới đây, hãng này tung ra dịch vụ GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bên cạnh các mặt hàng tươi sống truyền thống, trên GrabMart đã có nhóm hàng gia dụng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em… Grab đang cố gắng mở rộng thêm các nhà cung cấp. Hiện Grab đang hợp tác với các siêu thị lớn như Big C, Co.op Food, Cheers, Lotte Mart và nhiều cửa hàng nhỏ khác.

Lợi thế của Grab trong chuỗi hệ thống thương mại điện tử chính là hệ thống giao hàng cộng thêm phương thức thanh toán trực tuyến Moca. Grab chỉ cần đẩy mạnh đối tác cung cấp hàng hoá cho mô hình GrabMart thì hoàn toàn nắm lợi thế để phát triển kênh mua sắm online.


Nhìn rộng ra thị trường Đông Nam Á, lợi thế của Grab còn nhiều hơn thế. Do làm việc với các đối tác tài chính và bảo hiểm, nền tảng này còn mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới, Grab có thể cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho họ nợ tiền thanh toán trong một thời gian nhất định. Hoặc có thể cho người dùng mua sắm hàng hoá, dịch vụ trên Grab đến cuối tháng mới trả tiền không tính lãi.

Với lợi thế này, Grab hoàn toàn là lựa chọn tốt cho Lazada và giúp Alibaba giải bài toán chuỗi cho hệ thống thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.

Theo số liệu báo cáo thường niên của We Are Social và Hootsuite đầu năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều dự báo cho rằng năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 15 tỉ USD.

Không chỉ Grab, một kỳ lân của Việt Nam là Ví điện tử MoMo dù chưa có các tuyên bố chính thức cũng bước một chân vào lĩnh vực thương mại điện tử khi thêm tính năng “Đi chợ online”, kết hợp với các nhà cung cấp như Co.op Smile, Cheers để bán hàng. Tương tự GrabMart ở giai đoạn đầu, số lượng nhà cung cấp trên MoMo còn khá khiêm tốn.

Khi tuyên bố có 20 triệu khách hàng vào tháng 9 năm nay, MoMo lên kế hoạch thành siêu ứng dụng, phát triển theo định hướng nền tảng để các doanh nghiệp kinh doanh tận dụng tập khách hàng này. Với lợi thế thanh toán trực tuyến trên ứng dụng smartphone, hiện MoMo trưng bày hàng hoá và hoàn thiện khâu thanh toán, việc vận chuyển do đối tác thực hiện.


Nguồn ảnh: vietnamesegoogleblog.com

Dù Grab và MoMo mới chỉ manh nha nhưng với tiềm năng của thị trường, các tân binh vẫn còn dư địa để tham gia. Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2020 (Bộ Công Thương phát hành), năm 2019, số người Việt mua sắm trực tuyến đạt 44,8 triệu người, tăng so với con số 39,9 triệu người năm 2018. Giá trị mua sắm cũng tăng lên 225 USD/người/năm so với mức 160 USD năm 2015. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á.

Theo đó, doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỉ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này khá thấp so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 12% (theo Hootsuite và We Are Social).

Với tiềm năng và quy mô thị trường khá lớn, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn hấp dẫn các tân binh và nhà đầu tư. Grab và MoMo là 2 đơn vị đã xây được hệ sinh thái nhất định và phù hợp để tiến thêm những bước mới vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Thanh Hương
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X