Ông Trần Đắc Sinh và hành trình xây dựng HOSE với “đam mê và máu lửa”

Là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam, gầy dựng thị trường từ lúc chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE và đồng nghiệp của mình đã đưa HOSE với vốn hóa tăng 1.347 lần, đạt 1.328.000 tỷ đồng, chiếm 34% GDP.

20 năm gắn bó với thị trường vốn đầy mới mẻ và thách thức, nếm trải gần như đầy đủ những cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới và khó khăn kinh tế Việt Nam, có những lúc tưởng chừng đứng bên miệng vực, người đàn ông gốc Huế lúc nào cũng tràn đầy máu lửa, nhiệt huyết và cả sự liều lĩnh đầy trách nhiệm ấy đã đưa con thuyền HOSE vượt qua bao sóng dữ, để có thành quả như hôm nay…

Ông Trần Đắc Sinh đã dành cho BizLIVE một cuộc phỏng vấn để trải lòng về những điều đã làm được, những mong muốn trước khi rời nhiệm sở và tinh thần máu lửa với công việc.
Mình phải đi “giác ngộ” từng người về chứng khoán

Năm 1996, từ một giám đốc ngân hàng Nông nghiệp ở Lâm Đồng, ông đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sĩ Kiêm lúc ấy thuyết phục ra Hà Nội tham gia thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), rồi quay lại TP.HCM lập Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (GDCK)… Vậy khó khăn lớn nhất với ông trong việc gầy dựng thị trường chứng khoán những ngày đầu tiên là gì?

Ông Trần Đắc Sinh: Đó là một quyết định cực kỳ mạo hiểm. Từ lĩnh vực ngân hàng, việc mình làm rất quen, rất thích, qua thị trường chứng khoán là việc mình không biết thế nào. Được sự hướng dẫn của anh Cao Sĩ Kiêm (Thống đốc NHNN – PV) và anh Lê Văn Châu (Phó thống đốc NHNN – PV), tôi khăn gói ra Hà Nội làm vụ trưởng, chủ trì hình thành khung pháp lý để chuẩn bị cho khai trương UBCKNN và thị trường chứng khoán. Vừa phiên dịch tài liệu, vừa có sự trợ giúp của anh em từ ngân hàng và Bộ Tài chính, vừa có sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc giúp xây dựng thị trường chứng khoán kiểu gần giống Hàn Quốc… tôi đã học hỏi được rất nhiều.

Sau đó tôi nhận quyết định vào TP.HCM. Việc đầu tiên là cùng anh em UBCK đi tìm nhà, tìm trụ sở. Từ 17 bến Chương Dương đến Kho bạc Nhà nước, 7 Lê Duẩn cũng không được, cuối cùng Chính phủ quyết định chọn mảnh đất thiêng này. Đây là tòa nhà quan trọng thứ nhì sau Dinh Độc Lập, là Hội trường Diên Hồng, nơi họp Thượng nghị viện của Chính quyền Sài Gòn cũ.

Ngày ra mắt là sự kiện rất lớn, lần đầu tiên Việt Nam có thị trường vốn với 5 công ty chứng khoán, 2 cổ phiếu thôi nhưng rất xôm tụ. Thị trường 9 giờ mở cửa nhưng đã có rất nhiều người xếp hàng mua cổ phiếu từ sáng sớm. Từ từ vận động một vài công ty lên sàn, rồi 15-20 công ty, cứ thế, Vn-Index lên 570 điểm, tạo ra cho Nhà nước Việt Nam một thị trường chứng khoán sôi động.

Với cá nhân tôi, đây giống như một khởi nghiệp hoàn toàn mới, đầy thú vị, năm đó tôi 38 tuổi. Nhưng ngẫm nghĩ lại thị trường này khó quá, vì mình phải đi “giác ngộ” từng người. Một số công ty người ta vẫn chưa tin, vì chính sách kiểm soát thông tin chưa minh bạch, người ta sợ cạnh tranh, thâu tóm, đối thủ phá phách… Công việc khó, nhưng tôi yêu công việc này. Khi có tình yêu sẽ đam mê, máu lửa, để cố gắng đạt mục đích, từ từ kiến thức thị trường, kinh nghiệm quản trị cứ thấm dần, thấm dần…

Để quản trị HOSE như một doanh nghiệp kinh doanh thực thụ, phù hợp với quy luật của thị trường, nhưng lại mang nét đặc thù của kinh tế Việt Nam có quá mạo hiểm với một chủ doanh nghiệp (DN)?

Từ ngày đầu nhà chưa có, thị trường chưa có, quân chưa có, giờ là Sở GDCK hiện đại tầm cỡ thế giới, thị trường đủ lớn dù chưa được như kỳ vọng, nhưng cũng là một cô gái đẹp. Dù quá nhiều thăng trầm, có lúc ốm đau hơi nặng, thị trường có lúc xuống còn 110 điểm, rồi 130 điểm… nhưng phát triển bền vững. Tôi thấy gần 20 năm đời mình đã không uổng phí. Hoài bão của mình trong chừng mực nào đó cũng hài lòng. Bây giờ thì mọi người đều hiểu để cấu trúc lại nền kinh tế không thể chỉ trông chờ vào ngân hàng. Thị trường chứng khoán mới chính là nơi huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đến bây giờ, bạn bè khắp thế giới, các Sở GDCK khắp thế giới, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước gặp tôi cũng có lời cảm ơn. HOSE đã trở thành thành viên của Hiệp hội các Sở GDCK ASEAN, Hiệp hội các Sở GDCK châu Á và châu Đại Dương, Hiệp hội các SGDCK Thế giới. Những doanh nghiệp gắn bó từ đầu vẫn đồng hành. Đôi lúc tôi nghĩ những người đó như những mối tình già của mình, rất quý. Gặp nhau rất vui, nói chuyện cũ và chuyện sắp tới vẫn rất máu lửa.

Tổng thống Mỹ G.W.Bush bắt tay Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM Trần Đắc Sinh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 – Ảnh: ĐTCK. 

Làm thị trường chứng khoán giống như cái chợ, liên quan rất nhiều đến công nghệ, hàng hóa, con người, luôn khám phá, phát sinh tình huống mới, vì thị trường mình là thị trường mới. Khi đưa vào những cái mới, tôi thấy đội ngũ nhân viên của mình cũng rất say mê với cái mới, tự thấy phải luôn có sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư. Cái chợ thì hàng hóa phải có nhãn hiệu mới, phương thức kinh doanh mới, giá cả rõ ràng, hàng hóa có chất lượng. Hàng hóa này hơi đặc biệt, là các công ty, cổ phần, cổ phiếu. Thế giới mà nhức đầu sổ mũi thì mình cũng bị ảnh hưởng, không phải như bán gạo, bán cơm. Thiên tai, địch họa, chính trị cũng bị ảnh hưởng. Như vậy nó mới vui, hấp dẫn.

Làm TTCK bây giờ vẫn khó, khó đưa ra sản phẩm mới, lạ. Minh bạch thị trường đòi hỏi ngày càng cao, nhưng sức ì xã hội đâu phải một sớm một chiều là giải quyết được.

Máu lửa để làm quên mình

Nhớ lại những ngày đầu sơ khai, rất nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia TTCK với bao tâm trạng háo hức đã bị … “đầu rơi máu chảy”. Để xây dựng ý thức gia nhập thị trường vốn một cách chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, cho người dân, tạo sự minh bạch cho thị trường này là cả một quá trình gian khổ như thế nào thưa ông?

Rất nhiều phong ba bão táp đã trải qua… Từ khủng hoảng thế giới, khủng hoảng châu Á, Vn-Index từ 570 điểm tụt xuống còn 130 điểm, rồi 1.170 điểm còn hơn 250 điểm, người ta chán ngấy, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp chỉ còn là tờ giấy lộn!

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, đó là cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp và người dân ở Dinh Thống Nhất để giới thiệu những phương pháp giao dịch mới. Sức chứa của hội trường chỉ được 500 người, còn rất nhiều người không được vào, đứng đầy ngoài đường. Khi tôi vừa bước xuống xe nhiều người đòi đánh tôi! Tôi phải đích thân xuống giải thích, thông báo sẽ tổ chức nhiều buổi nói chuyện nữa với nhà đầu tư. Trong lúc khủng hoảng rất dễ khiến nhà đầu tư không hài lòng. Mình cũng không nên xa vời, đứng ở đâu đó để giải thích, mà phải gần gũi với họ để chia sẻ thông tin. Cũng có người muốn… bạt tai tôi đó, nhưng khi mình giải thích cặn kẽ thì thôi.

Trong quá trình điều hành HOSE, có những lúc tôi cũng rất mệt mỏi, phải tìm đến bạn bè cùng ngành ở nước ngoài để chia sẻ, học tập. Một người bạn làm việc ở Sở GDCK Hongkong, Đài Loan chia sẻ với tôi rằng ông ta từng đi xe buýt, từng không có lương, vì khủng hoảng thì lấy đâu ra tiền trả cho nhân viên. Ông nói: “Thị trường Việt Nam lên xuống chưa ăn thua gì với thị trường Hongkong đâu, như thế là bình thường, không đóng cửa là được”. Về nhà truyền đạt cho anh em, thấy ra được chu kỳ của thị trường, lại máu lửa để làm quên mình, để có thị trường hôm nay.

Từng làm ngân hàng, ông nhìn ra điểm yếu nào trong sự liên đới mật thiết giữa chứng khoán, bất động sản, ngân hàng khi nợ xấu hoành hành…?

Mình hiện nay đang thực hiện chính sách lãi suất dương, lấy chỉ số CPI cộng với x % để ra lãi suất tiết kiệm là không ổn. Thường người ta phải dùng tiền để đầu tư, chỉ có người kém nhất mới lấy tiền gửi tiết kiệm. Nhưng hiện nay rất nhiều người gửi ngân hàng để lấy lãi, ngân hàng biến thành quỹ đầu tư, rất mạo hiểm, dẫn đến ngân hàng 0 đồng, nhà nước phải cứu. Chính sách lãi suất dương, lãi suất quá cao dẫn đến doanh nghiệp làm ăn khó khăn, có lúc lãi suất lên đến 15- 20%, giờ cũng còn cao.

Chính sách đầu vào của hệ thống ngân hàng không ổn. Ở các nước, người ta gửi ngân hàng còn phải nộp phí, lãi suất có 1-2%. Giao hết cho ngân hàng trong khi ngân hàng đâu có thành thạo hết để đầu tư, dẫn đến mất vốn. Nhìn lại thấy rõ nợ xấu của ngân hàng tập trung chủ yếu vào các vụ án lớn, làm ăn thất bát, thẩm định như vậy có tốt không?

Vì lãi suất quá cao nên không kích thích xã hội nhảy vào thị trường cổ phiếu, mà đổ hết vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Phải đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu để sinh lời mới thúc đẩy nền kinh tế. Chính sách lãi suất thị trường tiền tệ và thị trường vốn hiện nay không gặp nhau. Có người làm trong ngành ngân hàng còn tuyên bố một câu xanh rờn: “Thị trường chứng khoán muốn xanh thì xanh, muốn đỏ là do ngân hàng!”.

Tôi làm mấy chục năm nay trong ngành tài chính, thấy chưa có sự phối hợp giữa hai thị trường vốn và ngân hàng một cách nhịp nhàng, có hiệu quả, cuối cùng ngân hàng phải è cổ để cho vay trung và dài hạn, rất rủi ro.

Làm sao cho thị trường đạt quy mô 200 tỷ USD

Khó khăn kinh tế kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp phá sản, làm ăn đình trệ, thua lỗ nặng nề, con số DN rời sàn nhiều lúc lên tới mức có thể làm sụp đổ thị trường chứng khoán? Chuyện rời sàn của Thủy sản Minh Phú đã đặt ra một lỗ hổng như thế nào trong quản lý Nhà nước? Làm thế nào để TTCK phát triển đúng như kỳ vọng?

Các công ty vào TTCK có mục đích huy động vốn, vấn đề minh bạch là quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp không đủ điều kiện phải rời sàn, bản thân doanh nghiệp cũng buồn. Mình rất chia sẻ với doanh nghiệp. Thế giới cũng thế, có ra có vào, một số DN làm tốt, một số làm chưa tốt, về cái chung thì bình thường, nhưng nỗi khắc khoải của từng cá nhân tôi có ngậm ngùi, chia sẻ. Có một hai trường hợp rời sàn, khi làm ăn tốt lại lên lại, có DN nhỏ quá không trụ được ở TP.HCM lại rời về Hà Nội, có DN làm ăn tốt ở Hà Nội lại tìm đến sàn TP.HCM…

Minh Phú là trường hợp cá biệt nhất, lúc đó chưa có vấn đề mở room, người ta muốn bán cho nhà đầu tư nước ngoài vượt quá 49%, nhưng quy định chưa cho phép nên buộc phải rời sàn. Còn tuyệt đại bộ phận rời sàn do không còn đủ nội lực, chứ không phải do cơ chế chính sách.

Làm sao cho TTCK không phải 60 tỷ USD như hiện nay mà phải là 200 tỷ USD hoặc hơn nữa? Tôi nghĩ nguyên nhân chính là cơ chế chậm trong việc cổ phần hóa DNNN, tính minh bạch trong nền kinh tế nói chung chưa cao, lấy đâu nói mọi DN minh bạch. Chúng ta nói nhiều nhưng làm còn quá chậm, dẫn đến sự phát triển TTCK bị chậm lại, người ta đi ba bước mình đi được một bước.

Doanh nghiệp Việt Nam không dở, nhưng còn rất nhiều vấn đề do tính thị trường chưa đủ, tính minh bạch không rõ ràng, dẫn đến lợi dụng, ăn cắp tiền của công ty, của cổ đông. Ngân hàng 0 đồng chính là ăn cắp tiền cổ đông! Thậm chí sáp nhập ngân hàng theo ý chí Nhà nước cũng làm mất tiền cổ đông, chưa tạo sự minh bạch. TTCK chỉ phát triển bền vững khi thị trường minh bạch, rõ ràng.

Vì sao còn nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất đầu ngành vẫn ngần ngại chưa tham gia TTCK, mất đi tiềm năng rất lớn cho thị trường?

Vấn đề này tôi tham gia ý kiến cũng nhiều, mong muốn cũng nhiều, nhưng chúng ta làm chậm. Tại sao những ông chủ tư nhân như địa ốc Vincom, Novaland, Phát Đạt… đều tham gia TTCK, còn những ông lớn của Nhà nước như Cofico, Habeco, Sabeco… có niêm yết đâu, nó là cái gì? Nhiều khi Nhà nước bảo, mà ông chủ không nghe! Hoặc Nhà nước chưa bảo, chưa có “đòn roi”.

Tôi kỳ vọng với “Chính phủ kiến tạo, hành động”, mọi chuyện sẽ nhanh hơn. TTCK là sản phẩm của xã hội. Dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng lợi ích nhóm còn lớn lắm.

Ông từng nói muốn cứu thị trường chứng khoán, phải cứu doanh nghiệp?

Chính quyền phải phục vụ, hỗ trợ DN, chứ không phải quản lý DN, Thủ tướng Chính phủ đã nói như thế. Thay vì cứ nói quản lý nhau, giờ cởi lòng với nhau, mọi việc sẽ khác đi. DN chỉ cần thế thôi, cứ thanh tra hoài làm sao làm ăn được. Luật pháp đầy đủ, DN cứ chiếu luật mà làm, đừng hình sự hóa vấn đề. DN vốn không đủ mạnh, chỉ vay ngân hàng thì đâu có đủ sức đế tạo bứt phá. Nếu không có TTCK thì kiểu gì cũng chẳng tái cấu trúc nền kinh tế được.

Ở góc độ người quản trị điều hành TTCK chiếm 90% cả nước thế này, tôi thấy TTCK là cô gái đẹp, thông minh, có ích cho đất nước mọi người phải nâng niu cô ta, để tạo lợi ích lớn hơn cho xã hội.

Chưa bao giờ ăn bữa cơm chung với chị Mai Kiều Liên

Dư luận nhiều lúc nghi ngờ về sự minh bạch của HOSE, khi không kiểm soát được nợ xấu của DN, hoặc để DN “qua mặt” dễ dàng ông suy nghĩ thế nào về công tác kiểm soát, quản trị rủi ro của HOSE, để gầy dựng lại niềm tin?

Quản lý thị trường mấy trăm DN, các quỹ, trong thị trường này có lừa đảo, có gian dối, có “nói thách”… tỷ phú có tỷ phú thật, có tỷ phú là trọc phú. Mình không kiểm soát hết nổi, chỉ về cơ bản có tiêu chí, nhưng người ta “nói thách”, lừa đảo là thua. Nhưng lừa đảo cũng là số ít và đến lúc nào đó thị trường cũng biết. Kinh doanh lời ăn lỗ chịu là bình thường, nhưng có nhà đầu tư mất tiền, tôi rất chia sẻ, rất buồn, thấy có phần trách nhiệm. Nhiều lần tôi đã nhận lỗi với nhà đầu tư, vì không đủ trình độ để hiểu người ta nói thách, không đủ trình độ để hiểu người ta lừa đảo…

HOSE luôn làm việc trên tinh thần phục vụ, đồng hành, win-win, không ban ơn mà là giúp đỡ nhau, là trách nhiệm với các nhà đầu tư trên cơ sở thông tin chuẩn mực. Số lượng DN rất nhiều nên tôi cũng không có điều kiện quen biết hết các anh chị lãnh đạo DN. Chị Mai Kiều Liên thi thoảng mới gặp, chưa bao giờ ăn bữa cơm chung, trong khi đó TTCK đã tạo cho Vinamilk phát triển vượt bậc.

Hàng năm HOSE còn vinh danh nhà đầu tư, những cá nhân có sự đóng góp cho thị trường, sinh nhật thì gửi hoa, gửi thiệp chúc mừng, thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là người yêu của mình, cùng yêu nhau, cùng phát triển, cùng làm báo cáo thường niên, minh bạch thông tin… Ai đã làm việc với HOSE sẽ thấu hiểu đó là tình yêu của tôi, chứ không phải giám sát, quản lý.

Khi DN đến HOSE làm việc, tôi mời đi ăn cơm, chứ không đợi người ta mời. Toàn bộ chi phí tiệc, lễ ra mắt mình bỏ ra, không đợi họ làm. Đối với anh em trong Sở, mình dạy tâm lý win-win rất kỹ, làm hồ sơ phải cùng làm với DN, tư vấn cho DN, thủ tục thay vì 10 ngày rút xuống còn 2-3 ngày thôi.

Đam mê, máu lửa, thương yêu nhau

Cuộc đấu tranh hợp nhất hai Sở, để HOSE trở thành trung tâm thị trường chứng khoán cả nước theo đúng quy luật thị trường cũng là cả một nỗ lực dài của riêng ông?

Chỗ nào thấy có lợi cho DN và thị trường thì mình đấu tranh, chứ không phải vì Hà Nội hay Sài Gòn. Tôi trình bày với Thủ tướng trên quan điểm đó, còn quyết thế nào là của lãnh đạo, của Chính phủ. Nếu không tạo cho DN một môi trường đầy đủ dưỡng khí để thở, không khéo TTCK Việt Nam càng kéo dài khoảng cách với các thị trường trong khu vực. Hàng chục bài báo đã nói như thế khi có ý kiến đặt tại Hà Nội.

Tôi cho rằng quyết định hợp nhất là vấn đề cần thiết để TTCK Việt Nam kịp thời cạnh tranh với khu vực và thế giới, không để chi phí xã hội quá lớn cho TTCK. Trách nhiệm thuộc về các thế hệ quản lý và điều hành kế tiếp.

Mong mỏi của riêng ông khi kết thúc nhiệm kỳ của mình?

Mong muốn lớn nhất là Nhà nước cần có những quyết sách tốt hơn, đồng bộ hơn để thúc đẩy TTCK phát triển. Mong muốn thứ hai là những dự án dang dở về công nghệ thông tin anh em cố gắng làm nhanh, vì công nghệ hiện nay chưa đủ. Đào tạo đội ngũ anh em của HOSE rất chuẩn mực, tôi hy vọng Bộ Tài chính bổ nhiệm người kế thừa am hiểu, để có thể phát huy nguồn lực cơ sở vật chất và con người mà tôi đã dày công đào tạo suốt nhiều năm qua. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả anh em, từ thành viên thị trường, đồng nghiệp, bạn bè báo chí… đã đồng hành với tôi để xây dựng một Sở GDCK đỉnh cao như thế này.

Tinh thần nào ông muốn truyền cho anh em kế tục nhất?

Đam mê, máu lửa, thương yêu nhau, phải coi các thành viên thị trường như mình, đặt vị trí mình vào họ để làm việc.

Hiếm ai đang trong vị trí “hot” như ông lại tuyên bố nghỉ hưu trước 6 tháng trên báo chí… Một người làm việc không ngừng nghỉ trong lĩnh vực đầy áp lực cao này, để giữ được bình yên cho riêng mình có khó không thưa ông?

Làm việc trong lĩnh vực này phải có tinh thần thép, có bản lĩnh, chứ cũng khối người cũng lắm tiền nhưng đâu có hạnh phúc, bình an. Để có được sự bình an, hai việc tôi phải nói thẳng không bao giờ làm, một là tham nhũng, hai là mua quan bán chức trong việc cất nhắc cán bộ ở đây. Đồng tiền ai cũng cần tiền cả, nhưng không thể cầm tiền của nhân viên để đề bạt cán bộ. Đối với các công ty, không cậy quyền cậy thế, tuyệt nhiên không bao giờ sách nhiễu. Có lẽ nhờ thế nên ai nói gì thì nói, tôi vẫn bình thường.

Thông báo nghỉ hưu trước 6 tháng, bất ngờ với tôi là 30 anh em trong và ngoài đất nước mời tôi về làm việc. Gần đây tôi rất sợ ai rủ tôi đi ăn để mời tôi làm việc, vì tất cả thành viên thị trường đều là bạn tôi, người ta quý tôi, có lẽ vì thấy tôi còn máu lửa lắm.

Khi ra trường chẳng ai xin mình cả, giờ tuổi đã xế chiều mà quá nhiều người mời làm thủ lĩnh, tôi rất vui, nhưng đầy áp lực. Làm với ai, làm gì khi tuổi đã lớn? Cũng cố làm gì xung quanh thị trường tài chính để hỗ trợ anh em. Cố gắng giúp anh em cho cái đầu mình hoạt động một tí, nhưng vẫn thư thả lúc về chiều. Việc đầu tiên là giúp cho lãnh đạo TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính cho cả nước và khu vực theo chủ trương của Chính phủ.

“Tôi không có máu làm đại gia, tỷ phú để kiếm tiền”

Triết lý sống nào giúp ông giữ được cái tâm sáng và cái đầu minh định?

Tôi theo đạo Phật, hiểu rất rõ gieo nhân gì gặp quả đó. Với tôi chẳng có ngày tốt ngày xấu gì hết, mà quan trọng là làm điều tốt, điều có ích, sống tử tế. Những điều trong pháp luật cho phép làm thì mình làm, làm với cái tâm thiện, chứ tôi không có máu làm đại gia, tỷ phú để kiếm tiền. Làm gì cũng đàng hoàng thì về nhà ngủ ngon, không giật mình. Khối người về hưu chắc gì đã yên.

Tận mắt nhìn thấy những được mất, sống còn chỉ trong tích tắc của người kinh doanh trên thị trường chứng khoán, có người sáng mai thức dậy thấy bay mất cả chục tỷ, trăm tỷ… có bao giờ ông nản chí, muốn buông tay tất cả để tìm một nơi chốn khác bình yên hơn?

Mình thấu hiểu, đi cả thế giới để học hỏi về TTCK nên chưa bao giờ muốn từ bỏ,  nhưng có khi người xung quanh tị hiềm làm mình muốn buông, nhưng buông được cho mình mà mất cho nhiều người quá lại thôi, phải cố gắng.

Nhìn lại đời mình, ông thấy mình giàu có nhất là gì? Điều mà ông nuối tiếc nhất?

36 năm trải qua 6 nơi làm việc, 5 lần khởi nghiệp từ số không, giờ đang chuẩn bị khởi nghiệp lần thứ 6, thấy cũng giúp cho quá nhiều người, giúp cho xã hội quá nhiều chuyện, chưa sai phạm điều gì. Những người làm việc với tôi có thâm niên là tình yêu của tôi suốt đời. Sức khỏe bây giờ còn tốt, mọi chuyện tự tin. Tôi giàu có nhất là rất nhiều bạn bè, tình yêu, chứ tôi không có nhiều tiền đâu.

Điều mà tôi nuối tiếc nhất là trong lòng rất nhiều người tham gia TTCK bây giờ còn cảm thấy e dè. Tôi biết một số người giàu vì thị trường chứng khoán, nhưng họ không dám công nhận điều đó, vì họ mắc cỡ hay vì lý do gì khác…, đó là điều buồn với riêng tôi. Có thể trong nền kinh tế chuyển đổi, chưa minh bạch này, người ta ngần ngại… Người ta nghĩ TTCK như một sòng bạc, nếu thế mình cũng phải tự nhận mình chưa nói hết cho người ta thấu hiểu.

Trong trụ sở của HOSE thấy treo rất nhiều tranh quý, phòng làm việc của ông lúc nào cũng có cây đàn ghi ta… tình yêu nghệ thuật có phải là cách giúp ông giữ được nụ cười nhẹ nhàng trước mọi biến cố?

Biết buông bỏ, cái gì khó quá thì thôi, không thích ai thì không chơi, không thân, thế thôi. Trong bụng không thù oán ai, lấy vợ bao năm nay không cãi nhau bao giờ. Giận để làm gì, mình mệt chứ ai, từ đó suy nghĩ không nên giận người nào.

Tôi là người Huế nên cái đầu thích đi lang thang, có nhiều tình yêu, máu lửa. Nếu cái đầu tôi không lang thang, đôi lúc không thành công. Nếu lang thang với ai đó thì cũng tốt, vì tôi là người tử tế, trong tình bạn quá đàng hoàng. Trong phòng tôi lúc nào cũng có cây đàn để đàn hát cho vui. Đánh golf, tập yoga tuần ba buổi giúp tôi giữ được cái đầu sáng suốt để xử lý những chuyện cực kỳ khó như gian lận, lừa đảo, công nhân đình công… Phải dùng sự lãng mạn để cân bằng trở lại con người mình.

Xin cảm ơn ông!

 

KIM YẾN

Nguồn: Bizlive

Welcome to Young MarCom World

X