Sabeco và Habeco “hồi phục” trong quý II

Sabeco và Habeco đều có kết quả kinh doanh quý II “hồi phục” tốt hơn so với quý I, cả 2 đều có mức doanh thu tăng trưởng hơn trước.


Trước khi được sang tay cho ông chủ Thái, Sabeco và Habeco vốn là 2 doanh nghiệp anh em trong lĩnh vực bia rượu, nước giải khát tại Việt Nam. Nếu Sabeco dẫn đầu thị trường thì Habeco cũng giữ vị trí thứ 3 trong lĩnh vực bia rượu, nước giải khát.

Habeco vực dậy sau khó khăn

Ông lớn ngành bia phía Bắc là Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã vượt khó nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động. Vì thế, kết quả kinh doanh quý II đã khời sắc với doanh thu thuần quý II của Habeco là 2.120 tỉ đồng, giảm 13% so với quý II/2019. Lợi nhuận gộp trong kỳ của đại gia bia rượu miền Bắc đạt 568 tỉ đồng với tỷ suất lãi gộp 27%, không chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của Habeco giảm còn 29 tỉ so với con số 43 tỉ của quý II năm ngoái khi lãi suất tiền gửi bị điều chỉnh về mức thấp. Hiện Habeco có 1.600 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3-12 tháng tại ngân hàng.

Tổng chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm 23% còn 333 tỷ đồng. Khoản ngân sách lớn nhất dành cho hoạt động bán hàng bị cắt giảm hơn 30%. Đặc biệt, các chi phí nguyên vật liệu, dụng cụ; quảng cáo, khuyến mãi; bốc xếp, vận chuyển bị tiết giảm trên dưới 50%.


Ảnh: Vietnambiz

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý II của Habeco chỉ giảm 4%, đạt 271 tỷ đồng. Với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ, lợi nhuận ròng của công ty còn tăng nhẹ 2% lên 246 tỷ đồng. Đây thậm chí là mức lãi cao nhất trong một quý của Habeco trong gần 3 năm qua tính từ quý IV/2017.

Con số này đã khả quan hơn rất nhiều so với quý I vừa qua, Habeco ghi nhận kỷ lục không mong muốn khi lỗ ròng gần 100 tỉ đồng, mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Nhưng bước sang quý II, Habeco hồi phục nhanh chóng khi lợi nhuận thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của Habeco đạt 2.890 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của công ty bia rượu miền Bắc sau 2 quý là 147 tỉ đồng, sụt giảm 51%. So với kế hoạch kinh doanh 2020, Habeco đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 59% lợi nhuận cả năm.

Kết quả lợi nhuận thực tế của Habeco cao hơn nhiều mức ước tính 100 tỉ được ban lãnh đạo chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6. Theo Chủ tịch HĐQT Habeco Trần Đình Thanh, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, điều kiện khách quan thuận lợi, tình hình sản xuất kinh doanh của Habeco trong 6 tháng cuối năm sẽ duy trì tốt.


Tuy nhiên, Habeco nói riêng và các doanh nghiệp bia rượu nói chung tiếp tục đối mặt thử thách khi dịch COVID-19 quay trở lại. Đà Nẵng đang trở thành trung tâm ổ dịch và phải cách ly xã hội. Trong khi, Hà Nội và TP.HCM đã yêu cầu một số loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, quán bar, karaoke tạm dừng hoạt động; hạn chế các sự kiện tập trung đông người.

Tại Đại hội thường niên, Chủ tịch Habeco Trần Đình Thanh, đánh giá dịch COVID-19 chỉ tác động ngắn hạn lên thị trường tiêu thụ bia. Về lâu dài, Nghị định 100 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Cũng theo ông Thanh, “Chưa thể đoán trước được tình hình kinh doanh của Habeco có thể phục hồi về mức trước dịch và trước Nghị định 100 được không”.

Sabeco quyết tâm cải thiện tình hình khó khăn

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sụt giảm 21% doanh thu, lợi nhuận trong quý II vừa qua, lần lượt đạt 7.140 tỉ đồng và 1.220 tỉ đồng. Trong khi, doanh thu quý I đạt 4.908,8 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 717 tỉ đồng, lần lượt giảm 47,4% và 44,4%.

Sabeco hiện là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam với hơn 40%, Habeco đứng thứ 3 với 18%. Theo lãnh đạo Công ty, chia sẻ tình hình đã được cải thiện nhiều do tăng trưởng 70% so với quý I và Công ty cho rằng đang lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường hồi phục sau đại dịch.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể, từ 26,5% lên xấp xỉ 31%. Luỹ kế doanh thu nửa đầu năm giảm 35%, đạt 12.040 tỉ đồng. Bình quân mỗi tháng Công ty thu trên 2.000 tỉ đồng, trong đó bia đóng góp khoảng 89%, phần còn lại đến từ bao bì vật tư, nước giải khát, rượu cồn.


Ảnh: TL

Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng âm 2 chữ số, chỉ đạt 1.930 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Sabeco hồi đầu năm đã dự liệu những khó khăn nên đặt kế hoạch doanh thu thuần 23.800 tỉ đồng và lợi nhuận 3.252 tỉ đồng, giảm khoảng 37% so với năm trước.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu 23.800 tỉ đồng doanh thu và 3.250 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế với viễn cảnh thị trường tiêu thụ bia gặp nhiều khó khăn. So với kế hoạch này, Công ty hoàn thành 51% chỉ tiêu doanh thu và 59% lợi nhuận sau nửa năm. Trong một trả lời hồi đầu năm, ông Bennett Neo, Tổng Giám đốc Sabeco từng tuyên bố Sabeco sẽ cố gắng để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Để giữ vững thị trường cũng như mong muốn tăng trưởng doanh số cuối năm, Sabeco đã chi ra 766 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ, cao hơn 27% so với nửa đầu năm 2019 với hy vọng tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.

Những kế hoạch cuối năm mà Sabeco và Habeco vạch ra sẽ còn nhiều thay đổi tuỳ thuộc vào tình của dịch bệnh trong thời gian tới.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X