WeChat đã khơi nguồn thuật ngữ ‘Super App’ như thế nào?

Khi thế giới đang tập trung vào những ứng dụng với tính năng chuyên biệt như liên lạc, thanh toán… thì Wechat đã được xây dựng thành một “siêu ứng dụng” tích hợp đầy đủ các tính năng giúp người dùng có thể thao tác mọi thứ chỉ trong một ứng dụng.


WeChat ra đời thế nào?

Năm 1996, tại Quảng Châu, Trung Quốc, ông Zhang Xiaolong đã phát hành phiên bản beta đầu tiên của ứng dụng email trên máy tính để bàn có tên là Foxmail. Sau nhiều lần nâng cấp phiên bản, nhờ giao diện mới mẻ, thẩm mỹ cao và thân thiện với người dùng Foxmail đươc đón nhận rất nhiều. Đến năm 2001, tỷ lệ người dùng sử dụng Foxmail đạt 32,92% (chiếm khoảng 33% thị phần Trung Quốc), vượt xa các ứng dụng mail nổi tiếng như Netscape Mail, Becky, The Bat, Eudora với hơn 3 triệu người dùng tại Trung Quốc. Song song đó, phiên bản tiếng Anh cũng được phân phối rộng rãi tại hơn 20 quốc gia, theo số liệu khảo sát trực tuyến của Sina Technology.

Bốn năm sau, Tencent, tập đoàn Internet được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào năm 2004, đã mua lại Foxmail – nền tảng sở hữu lượng khách hàng sử dụng email lớn nhất của Trung Quốc vào thời điểm đó. Tháng 3/2005, thương vụ mua lại đã chính thức diễn ra.


Ông Zhang Xiaolong, cha đẻ WeChat Super App

Là một phần trong thoả thuận, Zhang Xiaolong bắt đầu gia nhập Tencent và giữ vị trí Tổng Giám đốc bộ phận R&D tại Quảng Châu. Với thế mạnh cũng như kinh nghiệm xây dựng Foxmail, Zhang Xiaolong bắt tay vào việc phát triển phần mềm nhắn tin trực tuyến QQ Mail – một trong những phần mềm gửi thư miễn phí được phát minh bởi Tencent, nhưng vì nhiều lý do, QQ vẫn chưa có sự tiến bộ đột phá. Chỉ sau 3 năm được Zhang cải tiến, đến 2008, QQ Mail bắt đầu được người dùng khen ngợi vì tính đơn giản và dễ sử dụng. Đồng thời trở thành nhà cung cấp dịch vụ email lớn nhất Trung Quốc.

Khi đó, Tencent bắt đầu chiếm được vị trí thống trị công nghệ tại Trung Quốc nhờ nắm trong tay 2 ứng dụng sở hữu lượng người dùng đông đảo nhất: Nhắn tin trực tuyến (QQ mail) và Email (Foxmail).

Hai năm sau, vào tháng 10/2010, lấy cảm hứng từ sự kiện ra mắt Kik Messenger, ứng dụng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt khi chỉ sau 15 ngày công bố đã đạt hơn 1 triệu người dùng, Zhang bắt đầu ấp ủ tầm nhìn mới về tương lai Mobile Internet ở Trung Quốc. Không chần chừ, Zhang đã soạn một email khá dài gửi cho cấp trên của mình, CEO Tencent – Ma Huateng để giải thích về những thách thức cũng như cơ hội sắp tới mà ông thấy được. Trong email, Zhang cũng đề xuất về việc bộ phận R&D mong muốn được phát triển một công cụ truyền thông dành cho điện thoại thông minh mà ông ấy đã hình dung từ trước. Sau đó, Ma chỉ trả lời lời vỏn vẹn 3 tiếng: “Làm ngay đi”.

Tháng 11/2010, dự án được khởi động. Một nhóm với 10 thành viên được thành lập ngay sau đó, bao gồm: 2 nhà phát triển IOS, 3 Andoid, 1 Symbian, 1 UI, 2 Back-end và Zhang. Điều đặc biệt đáng nói là không ai trong nhóm từng có kinh nghiệm phát triển Mobile app. Với sự nỗ lực không ngừng, 21/1/2011, họ cho ra mắt một ứng dụng nhắn tin bằng văn bản đơn giản, đặt tên là Weixin.


Tuy nhiên, ứng dụng lại không có âm thanh. Hoàn toàn trái ngược với những gì Kik đạt được, số lượt đăng ký Weixin nhận lại khá ít. Với mức tăng trưởng nhỏ giọt trong suốt nhiều tháng sau đó, Zhang và nhóm của mình thường xuyên đứng trước những áp lực từ phía nội bộ Tencent về việc phải “đóng cửa” dự án. Ở góc độ khác, một câu hỏi được đặt ra, Tencent đã xây dựng rất thành công QQ Instant Messenger – một ứng dụng liên lạc trực tiếp với hàng triệu người dùng đang sử dụng, vậy tại sao còn tiếp tục xây dựng một sản phẩm thừa và tỷ lệ thành công thấp như vậy? Tuy nhiên, bất chấp những logic đó, Zhang vẫn kiên trì.

Ngày 10/5/2011, Zhang và nhóm của mình tiếp tục cho ra mắt phiên bản Weixin 2.0 với một tính năng hoàn toàn mới – Nhắn tin bằng giọng nói. Ngay sau đó, số lượng người dùng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Thừa thắng xông lên, ngày 3/8/2011, bản cập nhật Weixin 2.5 được phát hành, cho phép người dùng được xem thông tin cũng như giao tiếp với những người xung quanh. Tính năng này đã biến Weixin trở thành một ứng dụng không chỉ để trò chuyện với bạn bè và gia đình mà còn có thể kết nối với người lạ. Tính năng này đã giúp Weixin gây ấn tượng mạnh với người dùng. Cũng chính thời điểm này đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của Weixin.

Hai tháng sau, vào ngày 1/10, Weixin 3.0 tiếp tục được công bố với một tính năng mới, lần đầu tiên có mặt trên thị trường ứng dụng – Shake. Cụ thể, khi người dùng lắc điện thoại, họ sẽ được kết nối với những người dùng khác cũng có hành động tương tự ngay thời điểm đó. Tính năng “shake” ra đời đã mang đến một sự đổi mới thực sự cho Weixin. Ngay sau khi tính năng được công bố, ứng dụng đã đạt được tốc độ lan truyền nhanh chóng mặt, nâng quỹ đạo phát triển của Weixin lên một cấp độ mới.

Không dừng lại ở đó, phiên bản Weixin 3.5 được phát hành vào tháng 12/2011 với tính năng QR, cho phép người dùng dễ dàng truy cập trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Nhưng một lần nữa, quỹ đạo tăng trưởng của Weixin được thúc đẩy đáng kể khi phiên bản 4.0 chính thức được ra mắt vào ngày 19/4/2012, sau khi ứng dụng đạt được 100 triệu lượt đăng ký. Với tính năng ‘Khoảnh khắc’ (‘Moments’), Weixin đã chuyển mình thành một ứng dụng xã hội đúng nghĩa. Đồng thời, Weixin 4.0 cũng chính là cột mốc đánh dấu bước tiến mới của “gã khổng lồ” truyền thông Tencent khi chính thức đưa ứng dụng này ra thế giới, với phiên bản tiếng Anh được gọi là WeChat.


Quá trình phát triển của WeChat thành Siêu ứng dụng (Super App)

Sau khi đạt khoảng 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU – Monthly active users), Weixin/WeChat (sau đây sẽ gọi là WeChat) ra mắt phiên bản 5.0 vào tháng 8/2013, tiếp tục cập nhật các tính năng mới bao gồm: Trò chơi xã hội (một yếu tố góp phần thúc đẩy doanh thu mạnh mẽ cho WeChat hiện nay) và Chức năng thanh toán di động (bước khởi đầu “khiêm tốn” của WeChat Pay).

Tháng 1/2014, sau khi Tencent “rót” 45 triệu USD vào một công ty gọi xe Trung Quốc – Didi, ngay sau đó, WeChat đã “bắt tay” với công ty vận tải, mở rộng tính năng cho phép người dùng đi xe và thanh toán qua WeChat Pay. Một lần nữa, sự hợp tác đã củng cố vị thế siêu ứng dụng của WeChat, giúp nó trở thành một nền tảng đa dạng và phong phú: trò chuyện/ liên lạc, thanh toán, mạng xã hội, trò chơi, vận tải. Và đến hiện tại, mối quan hệ hợp tác này vẫn diễn ra tốt đẹp,

Tháng 5/2014, WeChat mở rộng thêm một ngành dịch vụ khác trên ứng dụng của mình: Thương mại (Commerce). Với tính năng WeChat Store, bất kỳ doanh nghiệp nào, quy mô dù lớn hay nhỏ đều có thể đăng ký một cửa hàng ngay trên ứng dụng và kết hợp dịch vụ thanh toán do WeChat Pay cung cấp. Vào tháng 1/2017, WeChat tiếp tục ra mắt ‘Mini Programs’ – hệ sinh thái bao gồm các ứng dụng nhỏ được phát triển bởi bên thứ ba, giúp người dùng có thể trải nghiệm nhiều loại dịch vụ, tiện ích ngay trên một ứng dụng.


Kể từ sau khi gửi email cho CEO Tencent, Zhang Xiaolong đã đưa WeChat đi được một chẳng đường rất dài. Không đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin đơn giản nữa, WeChat ngày nay đã trở thành một ứng dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dùng.

WeChat chính là khởi nguồn cho xu hướng ‘mini programs’ hoặc ‘app in app’ (ứng dụng trong ứng dụng) và thuật ngữ ‘Siêu ứng dụng’ được sử dụng rộng rãi hiện nay. Từ việc tưởng chừng như phải dừng dự án ngay sau bản phát hành đầu tiên đến khi trở thành “người khổng lồ” ứng dụng được công nhận trên toàn thế giới, WeChat đã trải qua một lịch sử rất dài. Giờ đây, với gần 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, WeChat vẫn không ngừng cập nhật nhiều tiện ích mới cùng với sự lựa chọn vô hạn. Điều này giúp cho đại đa số người dùng được đáp ứng hầu hết nhu cầu trực tuyến mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Xu hướng này cũng đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam và đang có tốc độ phát triển rất tốt. Thay vì trước đây các ứng dụng chỉ tập trung vào một tính năng nhất định như DeliveryNow – chuyên giao đồ ăn; Grab – đặt xe; Zalo – ứng dụng nhắn tin… thì hiện tại, hầu hết đã chuyển mình thành những Siêu ứng dụng hay còn gọi là ứng dụng “tất cả trong một” (all in one), với tính năng đa dạng từ nhắn tin, gọi điện, đặt thức ăn, đi chợ hộ, mua hoa, thanh toán hóa đơn… giúp khách hàng cảm thấy tiện lợi và ở lại với ứng dụng lâu hơn, từ đó đem lại lợi nhuận tốt hơn cho doanh nghiệp.

* Nguồn: Afridigest

Welcome to Young MarCom World

X