5 lưu ý quan trọng khi kinh doanh cà phê, nhà hàng mà Google, Facebook không thể nói với bạn

Đơn giản vì những lưu ý này được đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tế và va vấp của một người trong ngành, chứ không phải dựa trên lý thuyết hay sách vở.


Trên Facebook cá nhân, chuyên gia trong mảng F&B Thông Phan đã chia sẻ 5 lưu ý quan trọng khi kinh doanh cà phê, nhà hàng, những điều anh ước rằng có ai đó chỉ cho mình trong thời gian bắt đầu khởi sự.

1. Mặt bằng tốt đỡ tốn chi phí quảng cáo

Chuyên gia Thông Phan lấy ngay The Coffee House và Highlands để đặt vấn đề: Tại sao những thương hiệu này không thấy chạy quảng cáo nhưng khách vẫn đông? Sau đó anh lý giải rằng mở điểm bán tại những vị trí đẹp chính là một cách để làm marketing.

“Bản chất của quảng cáo chính là hiển thị, nên việc mở nhiều cơ sở ở những trục đường lớn chính là hoạt động marketing thuần túy nhất. Dù rằng chi phí mặt bằng ở những điểm như thế là rất cao nhưng bù lại đó cũng chính là chi phí cho marketing phủ thương hiệu“.

Theo nhận định của anh, giới kinh doanh F&B không nên ỷ lại vào quảng cáo online dù đó là Facebook, Google hay Tiktok. Bởi để hiển thị quảng cáo được 1 lần, doanh nghiệp đều phải trả phí. Còn với mặt bằng kinh doanh, mọi người có thể đi qua đi lại nhiều lần và khi tần suất đủ nhiều (hoặc cửa hàng có chương trình sự kiện hấp dẫn) họ sẽ bị chú ý, sau đó ghé lại thử.

Anh Thông tiết lộ bản thân ban đầu không uống The Coffee House nhưng thấy thương hiệu này hiện diện khắp nơi nên cũng tò mò tới thử, sau đó gắn bó đến tận bây giờ.

“Mặt bằng đắt chính là thay cho tiền marketing. Mặt bằng ngon là không phải lon ton đi học quảng cáo. Tất nhiên là tùy mô hình và khách hàng mục tiêu mà chọn mặt bằng. Nhưng tôi chỉ muốn nói là: Chiến lược sai còn sửa được, món ăn dở còn nâng cấp đổi bếp được. Nhưng mà mặt bằng mà dở rồi thì thôi luôn. Không biết đỡ đường nào. Mặt bằng là then chốt của thành công. Đặc biệt là F&B”.


2. Quán ngon thôi chưa đủ, cần phải biết làm truyền thông

Chuyên gia Thông Phan tâm sự anh từng mở quán nhưng phải 1 năm sau, mọi người mới biết đến nhiều hơn và quán đông khách hơn. Khoảng thời gian 1 năm đó, anh cũng tập trung chạy quảng cáo, thấy ai có gì hay thì học hỏi theo nhưng kết quả bấp bênh, lên xuống như sóng biển.

Chỉ đến khi anh lên báo, làm sự kiện, thì vị thần “nổi tiếng” mới ghé thăm và tình hình kinh doanh bắt đầu tốt lên. Từ đó anh nhận ra sản phẩm tốt nhưng người chủ không biết cách xây dựng câu chuyện và đưa sản phẩm tiếp cận nhiều người khác thì “hữu xạ tự nhiên hương cũng chết chắc”.

“Cái gọi là tự nhiên hương đó có trả lương nhân viên, có trả tiền thuê nhà, tiền đi chợ, tiền điện nước, tiền đủ thứ tiền… vào những tháng đầu tiên không? Lúc mà tôi bắt đầu dồn tâm sức vào truyền thông cũng là lúc tôi và quán ôm nhau bước sang bước ngoặt mới. Quán đông khách. Vậy nên ngon thôi chưa đủ. Muốn thắng phải biết truyền thông”.

3. Muốn nhân viên đối tốt với khách, chủ hãy tốt với nhân viên trước

Theo lý thuyết trong ngành dịch vụ, nhân viên phải hết lòng với khách thì khách mới hết tiền với quán. Những ngày đầu, anh Thông kể rằng cũng đặt tiêu chuẩn nhân viên rất khắt khe, làm đúng thì thưởng, sai thì phạt. Anh bê các công thức trên Google vào làm thử và kết quả chắc chắn không như mong đợi.

Sau này anh mới phát hiện ra không thể bán cho khách thứ mà quán không có. Muốn nhân viên làm cho khách vui vẻ, hài lòng thì người chủ phải tự đặt câu hỏi, tinh thần nhân viên đã vui vẻ, hài lòng chưa.


“Muốn nhân viên phục vụ tốt, người chủ phải tốt với nhân viên trước”.

Từ đó, anh thay đổi cách đổi xử với nhân viên. Ví dụ anh sẽ rủ họ đi nhậu định kỳ, cùng đá bóng, cùng đi chợ đêm,… Cứ mỗi 2 tuần nhân viên lại tập trung vào ăn uống các món của quán, cùng cho đánh giá và cảm nhận thật. Rồi ai có vấn đề cứ việc “mượn rượu tỏ tình”; chưa cần biết đúng sai nhưng quan trọng là nhân viên đã được lắng nghe và ghi nhận.

Nhờ những thay đổi này mà mọi chuyện trong quán tốt lên. Nhân viên làm việc trong trạng thái vui vẻ, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

“Chúng ta đừng nghĩ dùng bảng nội quy chi chít chữ hay kỷ luật thép là mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng cái gì xuất phát từ trái tim, thì sẽ đến được trái tim. Những thứ ấy giúp chúng ta giải quyết những điều mà chúng ta không mắt thấy tai nghe được”.

4. Không tin tưởng ai tuyệt đối, nhất là những ai tiếp xúc với tiền

Về vấn đề này, vị chuyên gia trong mảng F&B cho biết bản thân anh đã từng mất rất nhiều tiền với những người làm ở vị trí thu ngân, vị trí thu mua. Đó là chưa kể vài chục ngàn chai bia thất thoát.

Anh Thông thừa nhận không có người chủ nào làm được tất cả mà cần nhiều nhân viên làm cùng. Tuy nhiên phải học cách quản lý họ. Vì luôn tồn tại số ít một bộ phận trục lợi cho cá nhân. Và tệ hơn là sẽ xây dựng bè phái, bắt tay nhau “kiếm thêm”.

“Do đó, việc ra soát và đối chiếu liên tục là việc cực kỳ quan trọng. Tuyệt đối không được bỏ lơ nếu không muốn mất tiền “ngu” như tôi đã từng”.

“Bởi vì người ta dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền lắm. Nhất là những công việc thường xuyên tiếp xúc với tiền như thu ngân hay là thu mua, chỉ cần sơ sẩy tí thôi là có biến ngay. Chốt lại là bạn không nên tin tưởng ai tuyệt đối, nhất là những ai tiếp xúc với tiền”.

5. Thành bại nhờ khách cũ

Marketing tốt giúp cho quán đông khách. Đó là một lợi thế cực kỳ lớn, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Để tồn tại bền vững thì khách hàng cũ mới là nguồn sống của nhà hàng.

Việc chạy marketing có thể thu hút khách đến quán. Nhưng nếu họ đến và phát hiện món ăn không ngon, phục vụ không tốt, giá cả không hợp lý….thì họ sẽ một đi không trở lại. Tệ hơn nữa, mỗi lần bạn bè tình cờ rủ đến quán thì những người này sẽ can ngăn và kết quả là cả nhóm chọn điểm khác. Thế là quán mất khách mà không biết lý do vì sao.

“Chúng ta chỉ có một cách để giảm thiểu điều này chính là tạo cho khách hàng một trải nghiệm xuyên suốt và tốt nhất có thể. Hãy làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng và vui vẻ thật sự. Khiến họ muốn chụp ảnh, chia sẻ và dẫn bạn bè quay trở lại quán của chúng ta”.

Với nhóm khách hàng quen kiểu này, anh Thông Phan gợi ý thỉnh thoảng quán nên có những chương trình tri ân dành riêng cho họ, những quà tặng đặc biệt khiến họ gắn kết với thương hiệu hơn. Bởi vì khách cũ chính là vũ khí giúp các nhà hàng, quán cà phê chống chọi lại với những đối thủ mới hơn, mạnh mẽ hơn gia nhập ngành sau này.

“Khách hàng mới là quan trọng nhưng khách hàng cũ sẽ quyết định sự sống còn”.

Nhật Anh (tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

Welcome to Young MarCom World

X