Các ngành hàng đang phục hồi như thế nào sau COVID?

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ sớm tự phục hồi sau dịch COVID-19. Điều này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thực tế đang diễn ra.


Sau thông tin Thủ tướng cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ loại hình vũ trường và karaoke), nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh; và Bộ Giao thông Vận tải cho phép bỏ giới hạn tần suất khai thác các chặng bay nội địa và quy định giãn cách hành khách trên máy bay từ 7/5, thị trường đã chứng kiến những khởi sắc ban đầu.


Trung Nguyên Legend Café và Trung Nguyên E-Coffee cũng đã hoạt động trở lại.
Ảnh: Trung Nguyên

Thị trường chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp trong ngày 7/5. Trong đó, hai cổ phiếu ngành bia tăng mạnh (Habeco và Sabeco), và SAB (Sabeco) tăng trần. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Habeco và Sabeco đều báo lỗ nặng nề với doanh thu sụt 47-50% doanh thu với cùng kỳ năm trước.

Màu xanh cũng đã xuất hiện trong cổ phiếu hai hãng hàng không VJC (Vietjet) tăng 3%, và HVN (Vietnam Airlines) tăng 1%. Theo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines lỗ gần 2.400 tỷ đồng chỉ riêng trong quý I, chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19 trong danh sách 19 doanh nghiệp thuộc ủy ban này quản lý.

Giá vé máy bay nội địa đang hấp dẫn trở lại nhờ tăng số lượng chuyến, đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành du lịch lữ hành. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Công ty Vietravel, Việt Nam cần triển khai ngay chiến dịch truyền thông “Việt Nam – Điểm đến an toàn” hướng đến thu hút được khách du lịch trở lại Việt Nam vào quý IV năm nay.

Bên cạnh nhóm nhà hàng – khách sạn – café, cửa hàng thời trang, điện máy, trung tâm mua sắm đã hoạt động trở từ 23/4; các rạp phim trong hệ thống CGV và BHD Star toàn quốc cũng đã phát thông báo mở cửa lại từ ngày 9/5. Đây là thông tin đáng mừng cho cả khách hàng lẫn nhà rạp, bởi COVID đã khiến 210 cụm rạp tại Việt Nam lần lượt đóng cửa. Riêng CGV thiệt hại tới 500 tỷ đồng chỉ trong tháng 3/2020.


BHD Star toàn quốc đã phát thông báo mở cửa lại từ ngày 9/5 với thông điệp thú vị “Như chưa hề có cuộc… cách ly”
Ảnh: BHD


CGV rất nhớ khách hàng của mình, đặc biệt là sau tổn thất 500 tỷ
Ảnh: CGV

Với vai trò dẫn dắt thị trường, các ngân hàng cũng đã nhanh chóng tung ra các gói sản phẩm/ dịch vụ hỗ trợ. Trong khi Vietcombank chủ động giảm phí hỗ trợ khách hàng, VietinBank đã cho ra mắt gói ưu đãi “VietinBank SME stronger” nhắm đến phân khúc khách hàng SME. Cổ phiếu của nhóm ngành Ngân hàng, đặc biệt có CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank), VPB (VPBank), STB (Sacombank), cũng tăng một chữ số trong phiên giao dịch 7/5.

Riêng ứng dụng VNPAY-QR cũng triển khai chương trình “Miễn phí dịch vụ VNPay-QR cho các doanh nghiệp” nhằm miễn phí 3 tháng phí dịch vụ cho các đơn vị chấp nhận thanh toán. Đại diện VNPAY cho biết: “Dịch bệnh khiến bức tranh kinh tế trở nên ảm đạm. Tuy nhiên, đây là lúc mỗi doanh nghiệp thể hiện quyết tâm hợp lực bước qua ‘cú sốc’ kinh tế. Đồng thời, VNPAY đánh giá thời điểm này phù hợp để kích thích người dùng sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt, nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch và hướng đến xã hội không tiền mặt”.

Theo Bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của tạp chí The Economist vào đầu tháng 5 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 12, nằm trong nhóm an toàn sau dịch nhờ các chỉ số tài chính ổn định (bao gồm các chỉ số nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối).


Việt Nam được The Economist xếp hạng thứ 12, nằm trong nhóm an toàn sau dịch.
Ảnh: economist.com

Cho đến nay, những biến chuyển tích cực trong hầu hết các ngành nghề đã vẽ nên một tương lai khá tươi sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng tới.

Theo Zing, Vietnamnet, CafeBiz, The Economist

Welcome to Young MarCom World

X