COVID-19 khiến hàng loạt hãng bán lẻ tại Mỹ phá sản

COVID-19 chỉ là một “giọt nước làm tràn ly”, khi một trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ này đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài từ trước khi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.


2020 chưa “đi” được một nửa chặng đường, nhưng các vụ phá sản đã bắt đầu “tăng tốc” đối với ngành bán lẻ của Mỹ. Năm ngoái, các chuỗi bán lẻ ở nước này đã chứng kiến một loạt công ty đệ đơn phá sản theo Chương 7 và Chương 11, họ bắt buộc phải thanh lý toàn bộ tài sản hoặc cải tổ. Trong năm nay, hơn 2.200 cửa hàng dự kiến sẽ đóng cửa trên toàn quốc.

Dưới đây là một số nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng lớn đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ trong năm 2020:

J.Crew Group

Hôm 4/5, chuỗi cửa hàng bán lẻ J.Crew đã nộp đơn xin phá sản và trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên ở Mỹ đệ đơn phá sản do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

J.Crew có công ty mẹ là J.Crew Group, được thành lập năm 1947. Ban đầu, công ty này chủ yếu bán quần áo dành cho phụ nữ với phân khúc hàng giá rẻ. Trong vài năm gần đây, nhà bán lẻ này phải đối mặt với khoản nợ lớn, cùng với đó là hoạt động mua sắm bị đình trệ do sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và gần đây nhất là đại dịch COVID-19.

Theo số liệu từ Moody’s, doanh thu hàng năm của chuỗi cửa hàng này là 2,5 tỷ USD, dòng tiền mặt tính đến tháng 2/2020 chỉ là 93 triệu USD. Hồ sơ phá sản hôm 4/5 cho thấy, công ty này sẽ chuyển đổi khoản nợ 1,65 tỷ USD thành cổ phiếu và đảm bảo 400 triệu USD tài trợ nợ từ các chủ nợ hiện tại cho phép họ tiếp tục hoạt động trong thời gian phá sản. Theo dự kiến, công ty sẽ mở cửa lại 181 cửa hàng và 171 nhà máy của J.Crew, 140 cửa hàng của Madewell sau khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ.

JCPenney

JCPenney là chuỗi cửa hàng department store (siêu thị hàng hiệu) có mặt tại 865 địa điểm trên 49 tiểu bang ở Mỹ và Puerto Rico. Hầu hết các cửa hàng của chuỗi này đều có mặt ở các trung tâm mua sắm vùng ngoại ô. Trước năm 1966, các cửa hàng đều nằm ở trung tâm các thành phố. Khi các trung tâm mua sắm trở nên phổ biến hơn ở nửa cuối thế kỷ 20, thì công ty này lựa chọn chiến lược đi theo xu hướng, thay đổi địa điểm và phát triển các cửa hàng trong trung tâm thương mại.

Ngày 18/3, JCPenney thông báo tất cả các cửa hàng bán lẻ của công ty sẽ đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, công ty này đã gặp nhiều vấn đề ngay từ trước khi dịch bệnh diễn ra, với khoản nợ 3,7 tỷ USD đáo hạn vào cuối năm 2019. Dù có đủ thanh khoản để tồn tại trong vài tháng tới, nhưng công ty này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tái tài trợ nợ trong tương lai. Theo CNN, công ty này đã không thể thanh toán khoản nợ 12 triệu USD đáo hạn hôm 29/4 và phải xin gia hạn thêm 30 ngày. Hiện tại, họ đang chịu áp lực phải nộp đơn phá sản sớm hơn dự kiến.

Neiman Marcus

Neiman Marcus là chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các trung tâm thương mại hạng sang, sở hữu bởi Ares Management Group và CPP Invesment Board. Hiện tại, Neiman là một trong số nhiều nhà bán lẻ chịu gánh nặng nợ lớn và gặp rủi ro sụp đổ vì COVID-19. Công ty hiện đang tiến hành thoả thuận với nhóm các nhà cho vay dẫn đầu bởi Pacific Investment Management. Theo thoả thuận này, khoản nợ sẽ được cắt giảm một nửa và nhóm trên sẽ nắm giữ quyền kiểm soát của công ty.

Trong nhiều năm nay, chuỗi cửa hàng này đã gặp nhiều khó khăn khi lưu lượng khách sụt giảm mạnh tại các trung tâm thương mại, cũng như department store. Công ty có trụ sở tại Dallas (Texas) này đã đạt được thoả thuận với các chủ nợ về việc gia hạn xoay vòng nợ, nhưng khi các cửa hàng phải đóng cửa một loạt do dịch COVID-19 thì nỗ lực thanh toán khoản nợ hơn 4,3 tỷ USD đã trở thành một điều khó có thể thực hiện.

Papyrus

Hiện tại, Papyrus đã đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại thị trường Mỹ và công ty mẹ – Schurman Retail Group mới đây cũng đệ đơn phá sản theo Chương 11.

Lucky’s Market

Sau khi Kroger thông báo sẽ thoái vốn khỏi Lucky’s Market hồi tháng 12, các chuyên gia ngành bán lẻ nghi ngại về sự ổn định của chuỗi siêu thị này. Tháng sau đó, Lucky’s đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11.

* Nguồn: CafeBiz

Welcome to Young MarCom World

X