Dệt may chưa bay trên thảm thần EVFTA

Chưa tự chủ động được nguyên liệu vải, Việt Nam khó hưởng lợi hàng tỉ USD từ ưu đãi thuế quan EVFTA.


Liên minh Châu Âu (EU) cho phép những sản phẩm dệt may đáp ứng quy tắc xuất xứ 2 công đoạn “từ vải trở đi” được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA kể từ ngày 1/8. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng Công ty May Hưng Yên, nói rằng “khó thực hiện” quy định này khi nguồn nguyên liệu vải nhập khẩu lên tới hơn 60%, theo dữ liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas). Doanh nghiệp cũng tính đến việc sử dụng vải trong nước để hưởng lợi từ EVFTA nhưng hầu hết các dự án đầu tư vào mảng dệt vải đều bị địa phương từ chối.

Vấn đề cũ

Thực ra, yêu cầu xuất xứ 2 công đoạn của Châu Âu không mới đối với ngành dệt may Việt Nam. Năm 2008, quy tắc này từng làm nóng bàn đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật, trở thành đề tài thảo luận gay gắt nhất của ngành dệt may Việt Nam. Khi đó, nguyên liệu vải là cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sang Nhật.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, nhưng không tạo được bứt phá trong phát triển nguyên liệu vải trong nước, dù đã có kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm sang Đông Âu từ trước năm 1990. Cơ chế bao cấp khiến hàng loạt nhà máy dệt rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ và dần biến mất khi nền kinh tế mở cửa.


Năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu 39 tỉ USD nhưng số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy Việt Nam đã chi rất lớn cho nhập khẩu nguyên phụ liệu: 12,69 tỉ USD nhập khẩu vải các loại, 2,47 tỉ USD cho nhập bông, 2,3 tỉ USD cho nhập xơ sợi và khoảng 5,61 tỉ USD cho phần nguyên phụ liệu khác.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Eurolink, dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn nguồn nguyên liệu thiếu hụt ở Việt Nam, trong khi thị trường Châu Âu vẫn đóng cửa, sản xuất của các nhà cung cấp nguyên phụ liệu chưa trở lại bình thường. “Chưa tính đến việc giá nguyên liệu tăng gấp rưỡi, tình hình ngày càng khó khăn hơn do vận chuyển hoàn toàn bằng đường hàng không và mỗi tháng chỉ một chuyến bay từ Đức, Ý, Pháp về Việt Nam”, ông Thành nói. Thời điểm này, dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang chịu mức thuế 7-17%.

Sức ép mới

Theo ông Thành, phương án sử dụng nguyên liệu vải trong nước của Eurolink không thành công ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận chịu thuế VAT 10% thay vì 0% đối với vải nhập khẩu. “Lô hàng gần đây đi EU đã bị chậm thời gian so với hợp đồng do vải trong nước không đáp ứng được yêu cầu”, ông Thành cho biết giữa lúc nhiều địa phương không mặn mà với các nhà đầu tư làm dệt nhuộm, gây khó cho ngành dệt may trong việc giải bài toán đáp ứng nguồn cung vải tại chỗ.


Mục tiêu trở thành 1 trong 100 nhà cung cấp vải lớn nhất Việt Nam của Công ty Dệt Bảo Minh ngày càng xa, sau khi công ty này chi 80 triệu USD cho chuỗi sản xuất nguyên liệu dệt, sợi và nhuộm hoàn tất. Ông Trần Đăng Tường, Giám đốc Công ty Dệt Bảo Minh, cho biết kể từ năm 2018, Bảo Minh đưa ra thị trường vải 2 phân khúc, cao cấp và trung bình, nhưng đến nay vẫn chưa làm vừa lòng khách hàng, trong khi doanh nghiệp vẫn phải cạnh tranh với vải nhập khẩu cả về giá và thời gian giao hàng.

Tại EU, dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, dư địa để gia tăng xuất khẩu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế thế giới, đầu tư không đơn thuần để đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA hay các hiệp định khác, mà còn phải tính đến đầu tư vào lĩnh vực nào để ngành dệt may có thêm năng lực cạnh tranh.


Trong khi đó, Việt Nam gần như không có cơ hội chen chân vào thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may thế giới, với Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu. Trung Quốc năm 2019 đã sản xuất khoảng 60 tỉ mét vải. Lợi thế về sản lượng giúp doanh nghiệp nước này bán vải ra thị trường toàn cầu với giá linh hoạt. Theo Vitas, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ thua lỗ nếu đầu tư làm vải theo quan điểm thiếu nên phải đầu tư, trong bối cảnh thiếu sự ủng hộ của các chính sách hiện hành, từ kinh tế, đất đai đến môi trường.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8, mở ra cơ hội xuất khẩu bền vững cho ngành dệt may Việt Nam là một thực tế. “Thuế sẽ hỗ trợ cho giá xuất khẩu và tạo ra năng lực cạnh tranh nhưng không phải là yếu tố quyết định”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận xét. 42% số dòng thuế của dệt may sẽ về ngay 0% kể từ ngày 1/8 là chuyện đáng mừng nhưng một nửa số dòng thuế này lại không nằm ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Hơn nữa, số nhóm hàng hưởng ưu đãi ngay khi EVFTA có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 1,8% kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Có một điểm quan trọng nữa Việt Nam phải tính đến nếu muốn hoàn thiện chuỗi cung, đó là dự báo của Vitas về tình hình quý III có thể còn khó khăn hơn nữa trong khi quý IV chưa có đơn hàng. Thậm chí, thách thức có thể kéo dài hết năm 2021 và chỉ quay lại tăng trưởng nhẹ vào năm 2022.

Hải Vân
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X