Làm nông nghiệp và chuẩn mới của thế giới để bước ra hội nhập

BizLIVE – “Công nghệ mà hiện nay chúng ta đang hào hứng là canh tác hóa học hiện đại. Nếu chúng ta nối kết được các chuẩn mới của thế giới thì mới có cơ hội để bước ra và hội nhập”, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.
Làm nông nghiệp và chuẩn mới của thế giới để bước ra hội nhập

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit.

“Công nghệ mà hiện nay chúng ta đang hào hứng là canh tác hóa học hiện đại. Nếu chúng ta nối kết được các chuẩn mới của thế giới thì mới có cơ hội để bước ra và hội nhập”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp đảm bảo chất lượng cho thực phẩm sạch trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn” diễn ra ngày 24/2.

Xu hướng “tự nhiên” là cơ hội, nếu chậm Việt Nam sẽ trở tay không kịp

Nhấn mạnh xu hướng thực phẩm tự nhiên và an toàn đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của toàn thế giới, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết: “Xu hướng sản phẩm thuận tự nhiên, canh tác tự nhiên, giống, chế biến, bảo quản tự nhiên đang lan rất nhanh trên thế giới và Việt Nam, nhanh đến mức mà các nhà chế biến, canh tác Việt Nam trở tay không kịp”.

“Đây là cơ hội, nhưng khả năng thực hiện cực kỳ khó. Các nước cũng không có đủ năng lực sản xuất nên họ phải tìm kiếm khắp thế giới. Việt Nam hiện chỉ có vài chục doanh nghiệp sản xuất hữu cơ chủ yếu liên kết với nước ngoài. Lý do họ vào đây là để cùng nông dân Việt Nam sản xuất rồi bao tiêu xuất khẩu hết. Không có lý do gì để bán ở Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam phải kịp nắm bắt thời cơ, vì theo tôi, chậm nhất 20 năm nữa sẽ có rất nhiều sản phẩm hữu cơ, ông Viên nói thêm.

Theo ông Viên, hiện nay chúng ta mới có canh tác hữu cơ thôi, nhưng chế biến hữu cơ thì rất hiếm. Không sử dụng màu, chất bảo quản là rất khó, nhất là ngành đồ khô, ngành nước uống. Ngành nước phải sử dụng công nghệ chân không mới có thể vô trùng hoàn toàn. Việc canh tác hữu cơ là phát triển vi khuẩn, nhưng ngược lại việc chế biến hữu cơ lại phải ức chế vi khuẩn, cần kho lạnh bảo quản gạo, cà phê, công nghệ cấp đông để giữ vitamin. Chế biến sầu riêng, xoài phải dùng công nghệ ức chế vi khuẩn.

Tuy nhiên, nuôi vi khuẩn không dễ, trên diện rộng càng khó hơn. Phải có độ ẩm, dinh dưỡng, oxy… Nếu nóng quá vi khuẩn sẽ nằm im một chỗ. Môi trường sinh thái đó đòi hỏi chúng ta phải có ngôi nhà để nuôi dưỡng vi khuẩn. Mọi người cùng lắm chỉ biết trùn quế, còn cả triệu vi khuẩn khác. Hiện nay Vinamit có trung tâm nuôi vi khuẩn, nhập cả vi khuẩn từ các nước, để tạo môi trường cho cây phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo ông Viên, nhiều nhà sản xuất vẫn đang đánh lừa người tiêu dùng, lợi dụng hai chữ hữu cơ.

“Hiện ở Việt Nam, nhiều nhất vẫn là những nhà kinh doanh, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hóa học nhưng an toàn. Thứ hai là canh tác chế biến không hóa học, nhóm này luôn nghiên cứu về vi khuẩn, cây cối nhờ vi sinh vật để phát triển, vì càng nhiều vi sinh sẽ giúp cân bằng môi trường. Nhóm thứ ba là nhóm ở giữa, giảm bớt hóa học và tăng cường tự nhiên. Nếu không đủ kiến thức phân biệt “đồ hiệu thật hay đồ hiệu giả” sẽ mắc bẫy. Thủy canh, khí canh…theo công nghệ NASA chỉ tránh đất kết dính, mượn đất là một giá thể để đưa hóa học giúp cây phát triển, vẫn là nông nghiệp hóa học, không thể coi là hữu cơ”, ông Viên cho biết.

Nếu nối kết được các chuẩn mới của thế giới sẽ có cơ hội để bước ra và hội nhập

“Công nghệ hiện nay chúng ta đang hào hứng là canh tác hóa học hiện đại. Nếu chúng ta nối kết được các chuẩn mới của thế giới thì mới có cơ hội để bước ra và hội nhập. Vì vậy, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao vai trò các tiêu chuẩn hội nhập cho ngành thực phẩm là cần thiết. Vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nơi đánh giá có nhiều thực phẩm tự nhiên. Xu hướng thế giới hiện nay trở lại thực phẩm thiên nhiên, đòi hỏi các nhà chế biến phải quay lại thực phẩm tự nhiên. Các tiêu chuẩn này đòi ngặt nghèo về dư lượng thuốc hóa học”, ông Viên đánh giá.

“Với kinh nghiệm 30 năm sản xuất và chế biến nông sản, mỗi ngày tôi vẫn phải đọc, phải học liên tục. Có những chất canh tác thì cấm, nhưng chế biến lại cho phép, tôi vẫn kiên quyết loại ra. Canh tác trái cây phải thu hoạch từ 7-8 tuổi già, còn 10 tuổi già ai mua? Như tình trạng chuối Đồng Nai bị dội hàng vừa qua chẳng hạn, 10 tuổi già rồi, về thành phố nếu chuối chín rục ai mua. Nếu bà con Đồng Nai mà có phòng lạnh thì đưa vào rồi kiếm cách hóa giải sau cũng được 60 ngày. Nhưng bà con làm gì có công nghệ phòng lạnh, phòng xông. Vừa rồi chất làm chín trái cây lại bị báo chí lên án, vì trên bao bì bị buộc phải ghi là “phân bón lá”, thành ra câu chuyện đau đầu với người sản xuất”, ông Viên than thở.

Muốn có thực phẩm an toàn, hội nhập với chuẩn thế giới, theo ông Viên đầu tiên phải thay đổi cách nghĩ của mình trước. “Nếu xây dựng được Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập cho thực phẩm thì sẽ tạo điều kiện cho cuộc chơi khiến toàn xã hội thay đổi. Giống như hồi xưa khi doanh nghiệp chưa có tiêu chuẩn ISO, bước đầu rất khó, nhiều người không chấp nhận. Nhưng khi thấy doanh nghiệp bạn có ISO, được nhiều khách hàng hơn, có nhiều đối tác hơn, thì tự doanh nghiệp sẽ quyết tâm hơn để tuân thủ, bảo vệ môi trường, con người, từ đó bảo vệ sản phẩm”, ông Viên lấy ví dụ.

“Đây là cuộc chơi mà nhiều doanh nghiệp chưa nhìn ra, câu chuyện gạo Tâm Việt của bạn Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự, Đồng Tháp chẳng hạn, vừa đi vào nông nghiệp lại đi liền vào canh tác tự nhiên, cuộc chơi rất khó, rất mở, nhưng đến giờ này gạo bạn làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cuộc chơi khó, nhưng nếu làm được sẽ tạo hiệu ứng toàn xã hội”, ông Viên nói.

KIM YẾN

Nguồn: Bizlive

Welcome to Young MarCom World

X