Ngành bán lẻ mùa COVID-19: Thời “liệu cơm gắp mắm”

Nỗi sợ hãi COVID-19 của người dân Việt Nam đang khiến ngành bán lẻ sụt giảm doanh thu chưa từng có. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng, đây là cơ hội để ngành bán lẻ đổi mới…


Theo phòng phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Corona, cụ thể, người dân sẽ hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển qua mua sắm online.

Nghiên cứu của Nielsen Research Việt Nam chỉ ra rằng, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch COVID-19 khi người dân tăng cường tích trữ phòng ngừa các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online…

Báo cáo khảo sát hành vi tiêu dùng của Nielsen.

Điều này được phản ánh rõ qua thống kê của các trung tâm siêu thị, điện máy lớn. Đơn cử, hệ thống siêu thị Mediamart công bố, doanh thu hàng điện máy giảm từ 30-40%, duy chỉ có mặt hàng máy sấy, máy hút ẩm, máy lọc không khí được tiêu thụ nhiều hơn trước.

Tổ hợp thương mại – siêu thị Aeon Việt Nam cũng cho biết, số lượng khách hàng đến mua sắm giảm 20-35%. Lượng hàng hoá được tiêu thụ chậm lại, chỉ riêng mảng đồ ăn nhanh – ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn được bán nhanh hơn với số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước.

Về xu hướng mua sắm, nhóm phân tích MBS cũng chỉ rõ có sự thay đổi khi các mặt hàng dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong ngắn hạn, xu hướng tiêu dùng sẽ dịch chuyển nhiều hơn qua các sản phẩm đông lạnh và tích trữ nhu yếu phẩm qua đó hạn chế việc phải đi siêu thị nhiều lần. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp niêm yết trên sàn như MWG và PNJ đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong các loại hình bán lẻ, kênh siêu thị và chợ dự kiến bị ảnh hưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, so sánh giữa 2 hình thức này, người tiêu dùng cho rằng họ sẽ hạn chế đi siêu thị hơn so với chợ do siêu thị là môi trường khép kín và máy lạnh nên dễ lây lan virus. Loại hình mua sắm online sẽ được hưởng lợi nhất, tiếp đến là các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ.

 

Mua sắm trên kênh trực tuyến đang được người tiêu dùng ưu ái trong tình hình dịch bệnh. Nguồn: Internet

MBS nhận định tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến thói quen mua sắm tại các chuỗi siêu thị mà còn ảnh hưởng dài hạn khi mà sự kiện này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch mua sắm từ offline sang online của người dân nhanh hơn.

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tháng 3 đã có một người nhiễm bệnh là nhân viên của chuỗi Điện máy Xanh tại Đà Nẵng, việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của MWG tại Đà Nẵng vào thời điểm mùa dịch mà sẽ ảnh hưởng mạnh hơn tới tâm lý tiêu dùng của người dân.

Nhìn vào kết quả kinh doanh hiện tại cho thấy các doanh nghiệp này chưa bị ảnh hưởng mạnh trong tháng 2 qua đó dự phóng tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ từ tháng 3 cho tới tháng 5/2019.

Mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm, tuy nhiên, trên quan điểm thận trọng, MBS cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ thấp hơn 2-3 điểm % so với mức tăng trưởng kế hoạch của doanh nghiệp.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay thì ngành bán lẻ cần tăng cường các kênh small format (bán hàng nhỏ lẻ), các mô hình tạp hoá hiện đại để tận dụng lượng cửa hàng rộng khắp cả nước cũng như kết hợp cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm mà khách hàng có nhu cầu thực.

Điều quan trọng là nhà bán lẻ phải xây dựng được một hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như tham gia vào các chiến dịch giải cứu nông sản; tăng cường các chiến dịch marketing trên nền tảng số, cắt giảm các hình thức quảng cáo ngoài trời (OOH – Out of Home).

Để làm được điều này, các nhà bản lẻ phải ứng biến nhanh chóng với sự chuyển biến tâm lý của người dân và các khách hàng mục tiêu. Theo nghiên cứu của Mekong Research, vốn dĩ, mối lo ngại và quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là ô nhiễm môi trường, sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc sức khỏe – giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nỗi lo lắng của người tiêu dùng hoàn toàn tập trung vào dịch COVID-19 và những tác động tiêu cực của nó đến hoạt động kinh doanh, kinh tế, thương mại…

CTCP Thế Giới Di Động (HOSE: MWG)

MBS dự kiến dịch bệnh chưa ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của MWG trong tháng 2 đầu năm 2019, riêng doanh thu/cửa hàng của chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) có thể sẽ tăng trong thời gian này. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn trong tháng 3 sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu và lợi nhuận của MWG sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong tháng 3 và tháng 4 khiến cho tăng trưởng lợi nhuận của quý 1, quý 2 có thể chỉ ở mức 19-20% cùng kỳ.

Dự phóng biên lợi nhuận gộp của BHX cải thiện nhẹ 1 điểm % so với thời điểm cuối 2019, thấp hơn so với kế hoạch tăng 2-3 điểm % của công ty. Quy mô doanh thu thấp hơn dự kiến tác động bởi dịch bệnh sẽ dẫn tới chiết khấu bị thấp đi.

CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ)

Dịch bệnh Corona sẽ ảnh hưởng tới sức mua của thị trường và số lượng cửa hàng mở mới của PNJ trong vòng 2 năm. Tác động của tình hình dịch bệnh đến mặt hàng trang sức, được xem là nhu cầu xa xỉ, sẽ không chỉ thể hiện trong ngắn hạn mà có khả năng kéo dài 1-2 năm tiếp theo. Thu nhập bình quân của người dân bị ảnh hưởng dẫn đến nhu cầu làm đẹp và thể hiện đẳng cấp sụt giảm.

Kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp có thể vẫn duy trì được hơn 20% tăng trưởng cùng kỳ trong 2 tháng đầu 2020 nhưng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ tháng 3/2020 trở đi.

* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Welcome to Young MarCom World

X