Sẽ ra sao nếu startup “đâm đầu” vào lĩnh vực đã có nhiều ông lớn?

Trao đối với Trí Thức Trẻ bên lề Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020, bà Nguyễn Thái Hải Vân, đại diện Grab, doanh nghiệp kỳ lân đầu tiên tại Đông Nam Á nhận định, có nhiều startup Việt Nam, xuất phát từ niềm đam mê công nghệ, từ nhiệt huyết tuổi trẻ mà đâm đầu vào những lĩnh vực đã có nhiều ông lớn, điều này là rất dũng cảm.



“Các bạn startup Việt Nam đi vào những lĩnh vực rất mới mẻ, thậm chí là thời thượng và khó nhằn trên thế giới như insurtech (công nghệ ứng dụng vào bảo hiểm), medtech (công nghệ y tế), fintech (công nghệ tài chính). Nếu so sánh về quy mô nền kinh tế, chúng ta không nằm ở top trên, nhưng ý tưởng của các startup của chúng ta hoàn toàn ngang tầm các quốc gia khác. Đặc biệt, các startup tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite chúng tôi tổ chức vừa rồi thể hiện rất rõ sự sáng tạo và năng động rất ấn tượng” – bà Vân nhận định.

Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, một startup sẽ trải qua 3 giai đoạn: ý tưởng, triển khai và hoàn thiện. Ở Việt Nam, giai đoạn ý tưởng rất sôi động, số lượng luôn ở mức cao nhất so với khu vực, rất nhanh, nhiều, đa dạng. Nhưng càng về sau, con số startup đi đường dài được ngày càng “teo” dần, và nếu đếm số kỳ lân, số startup đạt được con số trăm triệu đô về mặt giá trị ở Việt Nam thì không nhiều.

Ở giai đoạn ý tưởng, quan trọng là khi đặt vấn đề, startup phải luôn tự đặt câu hỏi, mình muốn giải quyết vấn đề gì ở thị trường Việt Nam, thị trường châu Á. Cũng có nhiều bạn xuất phát từ niềm đam mê công nghệ, từ nhiệt huyết tuổi trẻ mà đâm đầu vào những lĩnh vực đã có nhiều ông lớn, điều này là rất táo bạo, có thể nói là dũng cảm.

Tuy nhiên, không quan trọng là lĩnh vực đó dễ hay khó, nếu như vấn đề đó tại Việt Nam Google chưa xử lý được, Facebook chưa xử lý được hay Grab chưa xử lý được, mà mình có câu trả lời, thì cứ “đâm đầu” vào. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng, vấn đề mình đang cố gắng xử lý còn tồn tại hay không, đã được giải quyết tốt chưa, cách làm của mình có tốt hơn người khác không. Chừng nào câu trả lời còn ổn, thì mình còn làm.


“Trong số 5 startup đoạt giải của cuộc thi mà chúng tôi tổ chức, có một startup cũng làm trong lĩnh vực di chuyển. Nhiều người cho rằng đó là đối thủ của chúng tôi, không hiểu tại sao chúng tôi để họ thắng giải. Nhưng không, mảng họ làm Grab chưa giải quyết được. Họ tiếp cận vấn đề ở một ngách rất mới. Khi Grab mới chỉ giải quyết được di chuyển riêng tư thì họ có ý tưởng để những người trong cùng văn phòng, cùng chung cư… có thể di chuyển cùng nhau. Giống như xe bus, nhưng đưa công nghệ vào nên thuận tiện hơn, giá công nhưng đi như xe riêng” – CEO Grab Việt Nam nêu ví dụ.

Hơn nữa, startup khi mới có ý tưởng thành lập, chủ yếu là bạn bè làm với nhau, có ý tưởng hay rồi chung lưng đấu cật. Nhưng muốn làm lớn hơn, bước sang các giai đoạn tiếp theo thì phải quản lý khác, thu hút nhân tài kiểu khác. Khi đó, theo bà Vân, người founders cần xây dựng được sức hút nhất định.

Startup Việt Nam khả năng sáng tạo, bắt chước rất tốt, nhưng để triển khai, phát triển lớn mạnh thì cần khả năng quản lý rất khác. Khả năng gọi vốn, pitching với nhà đầu tư, khi vượt ra khỏi mô hình “3 người”, trở thành công ty lớn thì các bạn bị hổng kỹ năng rất nhiều, chỉ dùng vốn tự có chứ không được đào tạo bài bản. Các startup khi đó sẽ đặc biệt dễ lung lay khi gặp khó khăn.

Trong bối cảnh khó này, lời khuyên đưa ra cho những doanh nghiệp khởi nghiệp chính là có sự chuẩn bị thật sớm và bám sát chiến lược tăng trưởng. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ là yếu tố lõi.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Welcome to Young MarCom World

X