Top những lĩnh vực sẽ bứt phá sau dịch bệnh

Nắm bắt xu hướng thay đổi lớn của thị trường và người tiêu dùng, nhiều lĩnh vực sẽ tạo được sự bứt phá.


Trí tuệ nhân tạo trong sinh học tỏa sáng

Đầu tháng 2, khi COVID-19 đang lan nhanh khủng khiếp tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), việc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh để cách ly là một thách thức lớn cho đội ngũ y tế. Để giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Alibaba bắt tay cùng Viện Công nghệ Damo Academy để phát triển hệ thống nhận diện người bệnh dựa trên trí tuệ nhân tạo (A.I). Thiết bị này chỉ mất 20 giây để phát hiện người nhiễm bệnh với độ chính xác lên đến 96%.

 

Kết quả này là nhờ hệ thống phân tích của Alibaba thông qua thuật toán so sánh cơ thể người với dữ liệu hơn 5.000 mẫu bệnh trước đó, đồng thời đưa ra các ước tính để nhận diện sự tồn tại của virus gây viêm phổi cấp. Bên cạnh đó, Alibaba còn áp dụng A.I vào việc giải mã bộ gen của virus với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các cách tiếp cận truyền thống.

Vì vậy, hậu COVID-19 có thể kích thích dòng vốn đầu tư vào công nghệ sinh học và công nghệ A.I. Theo Tạp chí Harvard Business Review, các hệ thống A.I cho phép phân tích cấu trúc sinh học chính xác hơn, mang tới tốc độ xử lý trên một khối lượng dữ liệu lớn. Kết hợp A.I vào công nghệ sinh học hứa hẹn sẽ giúp kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát các trận đại dịch tương tự trong tương lai. “Công nghệ sinh học là thị trường ngàn tỉ USD tiếp theo với nhiều đột phá lớn được kỳ vọng”, Quỹ Vision của SoftBank nhận định.

Bán lẻ và giao hàng trực tuyến tăng tốc

Dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, lần đầu tiên lượng đi mua sắm tại siêu thị và chợ của người dân thành thị giảm đến 50%, ngược lại lượt tham gia mua sắm trực tuyến bất ngờ tăng 25%.

Số lượng giao dịch thông qua các trang thương mại điện tử tăng vọt. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Lazada, Shopee ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Nắm bắt xu thế này, hãng gọi xe Grab đã ra mắt dịch vụ GrabMart hay Thế Giới Di Động giới thiệu sản phẩm “đi chợ thay cho khách hàng”, bao gồm cả thực phẩm tươi sống.

 

Thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh trong vài năm qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống (10%, chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam, nhưng COVID-19 có thể là chất xúc tác giúp cho thị trường tiêu dùng và giao hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh hơn.

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS từng dự đoán, doanh số của ngành giao thức ăn tận nhà trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm. Đến năm 2030, quy mô của thị trường sẽ tăng từ 35 tỉ USD lên mức 365 tỉ USD.

Fintech bùng nổ

Nhằm hạn chế sự lây lan virus SARS-CoV-2, Chính phủ ngay từ sớm đã khuyến nghị người dân hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, còn Ngân hàng Nhà nước đã cho khử trùng toàn bộ kho tiền để phòng ngừa lây lan. Cảm thấy bất an vì có thể tiếp xúc virus tồn tại trên đồng tiền, nhiều người đã chuyển sang thanh toán trực tuyến. Kết quả là từ đầu năm đến nay, lưu lượng thanh toán thông qua các kênh trực tuyến như internet banking hay ví điện tử tăng vọt.

 

Nhưng làn sóng này dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ hơn nữa khi người dùng tin tưởng hơn vào chất lượng dịch vụ, tốc độ, sự an toàn cũng như hiệu quả về mặt chi phí mà nền tảng này mang lại. Theo báo cáo mới đây của JPMorgan, khoảng 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đang được thực hiện qua ví điện tử.

Con số này đã ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%). Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu tài khoản ngân hàng, tương đương 50% dân số. Trong bối cảnh COVID-19 hoành hành, cơ hội tăng tốc mạnh mẽ đang mở ra cho các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, nhất là 5 thương hiệu đang chiếm 90% thị phần (Payoo, MoMo, AirPay, Moca, FPT).

Bất động sản xanh lên ngôi

Dịch bệnh hoành hành phản ánh môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, sau khi đại dịch qua đi, chất lượng môi trường sống, hệ thống tiện ích xanh, các loại công nghệ và vật liệu xây dựng thân thiện với thiên nhiên sẽ đặc biệt được quan tâm.

Thế hệ các tòa nhà tiếp theo phải được thiết kế sao cho xanh hơn, mang giá trị bền vững hơn, được tích hợp các công nghệ để tiết kiệm chi phí vận hành và lối thiết kế đột phá để thu hút người mua. Ý thức sống xanh, sống khỏe còn mang đến cơ hội cho thị trường second home, giúp thị trường này phục hồi và thậm chí bùng nổ tại các địa phương có tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai.

 

Ở phân khúc văn phòng, các xu hướng mới có thể định hình lại xu thế thị trường. Ở đó, khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

“Các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây. Các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh (LEED) hội tụ đủ các yếu tố về môi trường, không gian thông thoáng đảm bảo không khí và ánh sáng đến nơi làm việc, tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng nhiều hơn trong tương lai”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty Tư vấn CBRE Việt Nam, chia sẻ.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X