Xây dựng vị thế trên thị trường sữa thế giới

Bằng việc có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngành sữa Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế trên thị trường thế giới.


Đua nhau ra thế giới

Trung tuần tháng 2/2020, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký hợp đồng xuất khẩu sữa trị giá 20 triệu USD vào Dubai. Đây là hợp đồng mới nhất của thương hiệu sữa này tại khu vực Trung Đông. Theo đại diện của Vinamilk, khai phá từ năm 2000, đến nay Trung Đông đã trở thành thị trường chủ lực, đóng góp hơn 75% doanh thu xuất khẩu của Vinamilk.

Kinh nghiệm về thị trường, chiến lược sản phẩm phù hợp thị hiếu và uy tín được xây dựng trong gần 20 năm qua đã giúp thương hiệu Vinamilk có được sự phát triển vững chắc tại khu vực này. Ngoài Trung Đông, Vinamilk đã đẩy mạnh kinh doanh tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và có mặt tại hầu hết các nước Đông Nam Á.

 

Dây chuyền sản xuất sữa Vinamilk

Trước đó, trung tuần tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được Tập đoàn TH (TH true MILK) thực hiện. Hiện có 5 doanh nghiệp (DN) của Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu sữa chính ngạch là Vinamilk, TH true MILK, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.

Trong cuộc đua đưa các loại sữa Việt Nam ra nước ngoài, đầu năm 2018, Nutifood ký hợp đồng với Delori để đưa dòng sữa bột pha sẵn Pedia Plus dành cho trẻ biếng ăn vào hơn 300 siêu thị tại California thuộc hệ thống phân phối của Delori. Năm 2019, DN này tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ sữa chua tiệt trùng đóng chai. Tại thị trường Philippines, mỗi năm Nutifood đạt doanh thu khoảng 1 triệu USD. Tại thị trường Mỹ, Nutifood đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD trong 5 năm tới.

Một thành viên mới gia nhập vào Vinamilk hồi đầu năm là Mộc Châu Milk cũng công bố đẩy mạnh xuất khẩu sữa. Những năm trước, Mộc Châu Milk xuất khẩu sữa theo hình thức tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc với sản lượng khoảng 25.000 tấn/năm. Để tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, thời gian qua, Mộc Châu Milk đã khảo sát và lên kế hoạch “khai phá” thị trường các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

 

Ngành chăn nuôi bò sữa tạo thu nhập ổn định cho nhiều nông dân Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Dân Việt

Tính đến nay, các loại sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ riêng Vinamilk, trong năm 2019, doanh thu xuất khẩu tăng 14,8% so với năm 2018. Từ năm 1997 đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD.

Các DN sữa Việt Nam đang đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu. Trong đó, các thị trường thành viên ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đều có nhu cầu nhập sữa với trị giá 500 – 600 triệu USD/năm. Riêng thị trường Trung Quốc có giá trị nhập khẩu lên đến 5 tỷ USD mỗi năm. Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, với thị trường Trung Quốc, các DN Việt Nam đang tiếp cận ở hai phân khúc cao cấp và bình dân. Tương lai gần, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu các loại sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa của Việt Nam là rất lớn.

Nền tảng vững chắc

Để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhiều nước, các DN phải xây dựng nền tảng vững chắc. Chẳng hạn như Vinamilk, với thế mạnh về năng lực sản xuất, R&D kết hợp với sự am hiểu thị trường để đưa ra các loại sữa phù hợp nhiều khách hàng, nhờ vậy mà Vinamilk đang tiến gần đến mục tiêu top 30 DN sữa lớn nhất thế giới.

Các thị trường thành viên ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đều có nhu cầu nhập sữa với trị giá 500 – 600 triệu USD/năm, riêng thị trường Trung Quốc có giá trị nhập khẩu lên đến 5 tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tuấn – Giám đốc Đối ngoại Vinamilk cho biết, ngoài 13 nhà máy tại Việt Nam, Vinamilk còn có một nhà máy tại Campuchia, một nhà máy tại New Zealand, một nhà máy tại Mỹ và một chi nhánh tại châu Âu. “Các nhà máy ở nước ngoài đang giúp Vinamilk cạnh tranh tốt tại 50 thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trực tiếp với các hãng sữa ngoại tại thị trường nội địa”.

Cũng xác định phải có nhà máy tại các nước để cạnh tranh thắng lợi, cuối năm 2018, Tập đoàn TH khởi công nhà máy sữa tươi sạch tại Nga công suất 1.500 tấn/ngày. Nhà máy nằm trong chuỗi khép kín các loại sữa và đồ uống thuộc tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao tại Nga với vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Nhà máy sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi từ trang trại bò sữa TH tại Moskva và Kaluga.

Nutifood cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có lượng tiêu thụ lớn ở châu Âu, châu Á song song với việc đầu tư xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Cụ thể, ngoài các thị trường hiện có, Nutifood đang tăng cường xuất khẩu sang Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc.

 

Lễ xuất khẩu sản phẩm Nutifood sang thị trường Hoa Kỳ 2019.

Để thực hiện chiến lược này, trước đó, Nutifood hợp tác với Tập đoàn Backahill của Thụy Điển thành lập liên doanh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm làm từ sữa đến thị trường châu Âu và châu Á. Theo ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Nutifood, trong chiến lược vươn ra thế giới, Nutifood đã được thị trường Mỹ chấp nhận nên việc bắt tay với Thụy Điển là bước tiếp theo để sản phẩm có mặt tại châu Âu, nhất là các nước trong khối EU.

Mộc Châu Milk đã đầu tư vào trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Hiện DN này có đàn bò sữa hơn 3.000 con tại trang trại và 24.500 con liên kết chặt chẽ với nông dân. Quy mô đàn bò của thương hiệu này tăng 14%/năm, năng suất bình quân đạt 25-27 lít sữa/con/ngày. Mộc Châu Milk cũng đã xây dựng nhà máy công suất 250 tấn sữa/ngày (150.000 hộp sản phẩm/giờ).

Phát triển vững chắc thị trường nội địa và mở rộng thị trường ra thế giới là hướng đi của nhiều DN sữa hiện nay. Để hiện thực hóa chiến lược này, các DN đã xây dựng được những trang trại lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị, khép kín từ đồng cỏ tới ly sữa sạch, bảo đảm các loại sữa sản xuất ra hoàn toàn đáp ứng quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường các nước phát triển.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

 

Welcome to Young MarCom World

X