iPhone – cuộc cách mạng về hệ điều hành trong 30 năm

– Sau thành công với máy tính Mac và máy nghe nhạc iPod, Apple đứng trước áp lực phải đổi mới và vượt qua chính mình, và iPhone là câu trả lời cho điều đó.

CEO Steve Jobs (đã qua đời ở tuổi 56) của Apple và chiếc máy tính Mac – Ảnh: Toledoblade

Theo The Verge, việc phát triển chiếc điện thoại iPhone đầu tiên của Apple bắt đầu vào khoảng cuối năm 2004 trong một dự án rốt cuộc đã được giám đốc điều hành khi ấy là Steve Jobs gật đầu. Nhưng trên thực tế, những manh mún cho việc phát triển nó đã xuất hiện từ trước đó rất lâu.

Phức tạp hơn máy tính

Giám đốc phần mềm Richard Williamson nói: “Tôi nghĩ rất nhiều người quan sát hình dáng và kích thước của chiếc điện thoại đó và nghĩ nó không thực sự giống bất cứ cái máy tính nào, nhưng nó lại giống với mọi cái máy tính”.

Ông giải thích: “Trên thực tế so với các máy tính khác, nó phức tạp hơn về phần mềm. Hệ điều hành của nó phức tạp như hệ điều hành của bất cứ loại máy tính hiện đại nào. Nhưng đó là một cuộc cách mạng về hệ điều hành (HĐH) mà chúng tôi đã phát triển trong ba mươi năm qua”.

Vào giữa những năm 2000, đã có tới 5 dự án về điện thoại hoặc liên quan tới điện thoại diễn ra tại Apple.

Ông Phil Schiller, phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple năm 2012 đã chia sẻ về những áp lực thúc đẩy sự ra đời của iPhone: “Có quá nhiều thứ đã tác động tới quá trình phát triển chiếc điện thoại iPhone tại Apple. Trước hết, Apple từng nổi tiếng trong nhiều năm là nhà phát minh ra máy tính Mac, và nó rất tuyệt vời, nhưng lại có thị phần nhỏ.

“Và sau đó chúng tôi đã đạt thành công lớn với thiết bị iPod. Đó là phần cứng iPod và phần mềm iTunes. Và điều này thực sự đã thay đổi quan điểm của mọi người về Apple, cả bên trong và bên ngoài công ty.

“Và mọi người bắt đầu hỏi, này nếu các anh đã đạt thành tích vang dội với iPod rồi, vậy các anh có thể làm gì khác nữa? Và mọi người đã đề xuất mọi ý tưởng, làm camera, làm ô tô, những thứ điên rồ khác”.

Và đương nhiên điện thoại đã là một ý tưởng trong đó.

Những chiếc máy nghe nhạc iPod của Apple – Ảnh: Lifewire

Không có iPod sẽ không có iPhone

Khi Steve Jobs trở lại nắm quyền điều hành Apple năm 1997, ông nhận được sự chào đón tán thưởng của mọi người và thực sự đã phục hồi hoạt động kinh doanh của máy tính Mac.

Tuy nhiên Apple vẫn không trở thành một thế lực văn hóa và kinh tế lớn cho tới khi họ tung ra thị trường máy nghe nhạc iPod.

Đây là sản phẩm đánh dấu sự gia nhập quan trọng đầu tiên của “Quả táo” trong lĩnh vực điện tử gia dụng. Đó cũng là thiết bị trở thành một bản thiết kế và bàn đạp cho sự ra đời của điện thoại iPhone về sau.

Ông Tony Fadell, được từng tham gia phát triển cả hai thiết bị iPod và iPhone, còn được truyền thông đặt cho biệt danh là “Podfather” khẳng định: “Sẽ không có iPhone nếu không có iPod”.

Ông Fadell chính là động lực đứng sau dự án tạo ra thiết bị điện thoại thành công đầu tiên của Apple trong nhiều năm. Ông cũng là người đã giám sát quá trình phát triển phần cứng cho iPhone.

Theo ông Fadell, được tung ra thị trường năm 2001 nhưng phải hai năm sau, năm 2003 máy nghe nhạc iPod mới đem lại doanh thu bùng nổ cho Apple. Tuy nhiên tới đầu năm 2004 thì loại thiết bị này bắt đầu đối mặt với các thách thức lớn.

Điện thoại di động khi đó được xem là nguy cơ lớn với iPod vì nó có thể chơi được nhạc MP3. Và đây là lý do ra đời của chiếc điện thoại Motorola Rokr.

Năm 2004 Motorola sản xuất ra một trong những chiếc điện thoại nổi tiếng nhất thị trường lúc ấy là chiếc điện thoại nắp trượt siêu mỏng Razr. Vì CEO của Motorola lúc ấy là Ed Zander chơi khá thân với CEO Steve Job của Apple, nên hai bên bàn nhau có thể hợp tác được những gì.

Và thế là chiến “điện thoại iTunes”, tên chính thức là Rokr, ra đời từ kết quả hợp tác giữa Apple, Motorola và nhà mạng không dây Cingular.

Mẫu điện thoại Rokr – Z6 của Motorola – Ảnh: Phonesdata

Vượt cửa ải nhà mạng

Trước công luận, ông Steve Jobs vẫn luôn phản đối ý tưởng Apple sẽ sản xuất một chiếc điện thoại. Lý do như ông từng nói năm 2005 là “chúng tôi không đủ khả năng để chui lọt qua “những cái lỗ” để có thể tiếp cận những người dùng cuối”.

“Những cái lỗ” mà ông Steve Jobs nhắc tới ở đây là các nhà mạng như Verizon và AT&T, các ông lớn viễn thông là bên có tiếng nói quyết định cuối cùng về việc những chiếc điện thoại nào có thể truy cập mạng của họ.

Theo Steve Jobs, trong quan hệ với các nhà sản xuất thiết bị cầm tay, các nhà mạng đang ở cửa trên, do đó các nhà sản xuất điện thoại đều rất mệt mỏi trong việc phải đáp ứng những yêu cầu của họ trong việc thiết kế các sản phẩm.

Do đó quyết định hợp tác với Motorola được xem là phương thức dễ dàng hơn cho Apple nhằm khắc chế nguy cơ với iPod. Motorola sẽ làm điện thoại còn Apple sẽ làm phần mềm iTunes.

Tuy nhiên ngay khi sản phẩm hợp tác được công bố, dư luận đã bắt đầu ồn lên những đồn đoán về tham vọng phát triển điện thoại của Apple.

Và quả thực theo giám đốc phần mềm Richard Williams, trong quãng thời gian tiếp tục đàm phán với Motorola và Cingular, ông Steve Jobs đã nung nấu ý định làm thế nào để theo đuổi một thỏa thuận cho phép Apple giành được quyền kiểm soát với thiết kế chiếc điện thoại của mình.

Steve Jobs cũng từng tính đến chuyện Apple sẽ mua riêng băng tần và trở thành một nhà cung cấp mạng di động ảo (MVNO) của chính họ.

Apple đã tiếp cận nhà mạng Verizon nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận. Các hãng viễn thông vẫn muốn kiểm soát quá nhiều về cách thiết kế điện thoại.

Tuy nhiên lúc đó, một lãnh đạo của nhà mạng Cingular đã mau chóng phác ra một thỏa thuận khác mà ông Steve Jobs thực sự mong muốn: Hãy để Cingular được giữ thế độc quyền của nhà mạng và chúng tôi sẽ trao cho các anh quyền tự do tuyệt đối với thiết bị của mình.

D. Kim Thoa

Nguồn: Tuoitre

Welcome to Young MarCom World

X