Kế hoạch nghìn tỷ USD của TQ để lập trật tự kinh tế thế giới mới

Từ khi công bố năm 2013, sáng kiến “Một vành đai Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn lập trật tự kinh tế thế giới mới.

Dọc những ngọn núi giữa rừng già ở một quốc gia Đông Nam Á, đông đảo kỹ sư Trung Quốc đang khoan hàng trăm đường hầm và xây cầu để hỗ trợ cho dự án đường sắt dài gần 420 km. Đây là dự án tham vọng kết nối 8 quốc gia châu Á trị giá 6 tỷ USD.

Tại Pakistan, người ta đang xây nhiều nhà máy điện hạt nhân để giải quyết tình trạng thiếu điện kinh niên.  Nguồn tiền do Trung Quốc cấp là một phần trong kế hoạch đầu tư tổng thể trị giá 46 tỷ USD.

Các nhà hoạch định Trung Quốc cũng đang vẽ những tuyến đường sắt nối từ Budapest (Hungary) đến Belgrade (Serbia), tạo con đường huyết mạch khác để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu, với điểm xuất phát là một cảng biển ở Hy Lạp cũng do Trung Quốc sở hữu.

Ke hoach nghin ty USD cua TQ de lap trat tu kinh te the gioi moi hinh anh 1
Công nhân Trung Quốc đang xây hầm ở Vang Vieng, Lào. Đây là một phần trong dự án đường sắt kết nối 8 quốc gia châu Á với Trung Quốc. Ảnh: NYT

Tham vọng hơn Marshall: Nghìn tỷ USD, 60 quốc gia

Những dự án hạ tầng khổng lồ trên, cùng hàng trăm công trình tương tự ở châu Á, châu Phi và châu Âu, hình thành nên tầm nhìn và tham vọng kinh tế, địa chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR).

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng hình thành các mối quan hệ để mở ra thị trường mới cho những công ty xây dựng nước này, xuất khẩu mô hình “phát triển do nhà nước dẫn đầu” nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao sẵn có.

OBOR đưa ra những dự án đầu tư lớn chưa từng có trong lịch sử, hứa hẹn các dự án hạ tầng có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD và mọc lên ở hơn 60 quốc gia.

Qua hội nghị cấp cao hôm 14/5 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình hướng đến sử dụng nguồn lực tài chính của Trung Quốc và những quan điểm hình thành toàn cầu hóa mới, bỏ qua những luật lệ do các thể chế già cỗi phương Tây thiết lập. Mục tiêu là xây dựng trật tự kinh tế mới, thu hút các nước và các công ty xích lại gần quỹ đạo của Trung Quốc.

Sáng kiến OBOR của Trung Quốc được xem là phiên bản tham vọng hơn “Kế hoạch Marshall”, nỗ lực tái thiết hậu thế chiến của Mỹ. Khi đó, Mỹ mở rộng nguồn viện trợ để giúp đỡ các đồng minh quân sự ở châu Âu. Ngày nay, Trung Quốc triển khai các khoản vay hàng trăm tỷ đến khắp nơi trên thế giới với hy vọng kết nạp thêm những người bạn mới.

Ke hoach nghin ty USD cua TQ de lap trat tu kinh te the gioi moi hinh anh 2
Công nhân Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt ở Vang Vieng, Lào. Ảnh: NYT.

Mỹ bảo hộ, Trung Quốc mở rộng

Kế hoạch của ông Tập hoàn toàn trái ngược với nỗ lực “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh để rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ giống như là tự khóa chính mình trong căn phòng tối”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1. Ông Tập đang nỗ lực quảng bá vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng chính những kinh nghiệm của Bắc Kinh, nhấn mạnh hiệu quả kinh tế và sự can thiệp của nhà nước.

Trung Quốc dường như đang tiến quá nhanh, tham vọng quá lớn nên họ sẵn sàng chấp nhận những sai sót ngắn hạn để đạt được mục đích dài hạn. Điều này thể hiện qua những việc cấp vốn vay cho các dự án tại những đất nước có tình trạng tham nhũng trầm trọng như Kenya hoặc Pakistan, đổi lại là thắt chặt các mối quan hệ ngoại giao và quân sự.

Mỹ và nhiều đồng minh châu Âu, châu Á có cách tiếp cận thận trọng hơn với sáng kiến của Trung Quốc. Australia đã bác bỏ đề nghị tham gia của Trung Quốc.

Ấn Độ mới đây cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng hoàn trả vốn, đồng thời tức giận vì một dự án xây đường của Trung Quốc đi qua khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng. Kashmir vốn là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong nhiều thập kỷ.

Ke hoach nghin ty USD cua TQ de lap trat tu kinh te the gioi moi hinh anh 3
Công trình xây cầu do Trung Quốc đầu tư ở Vang Vieng. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, rất khó để bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào, hoặc lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia hay ngân hàng quốc tế làm ngơ trước nỗ lực xây dựng lại thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Đức đã cử Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Brigitte Zypries đến dự hội nghị ở Bắc Kinh. Những tập đoàn công nghiệp phương Tây lớn như General Electric và Siemens cũng đến dự, trong bối cảnh các công ty này cũng muốn thu hút những hợp đồng lớn từ Trung Quốc.

Ngay cả chính quyền Trump cũng “nâng cấp” tư cách phái đoàn của Mỹ. Ban đầu, nước này chỉ định cử một quan chức Bộ Thương mại là Eric Branstad đi dự.

Tuy nhiên, trưởng đoàn chính thức của Mỹ sau đó được thay đổi là ông Matthew Pottinger, giám đốc cao cấp phụ trách châu Á ở Hội đồng An ninh Quốc gia. Điều này cho thấy Nhà Trắng đang tiếp tục mối duy trì đang nồng ấm với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Phục vụ lợi ích của Trung Quốc

Các dự án hiển nhiên phục vụ lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Khi tăng trưởng kinh tế nội địa đang chậm lại, Trung Quốc lại sản xuất ra nhiều thép, xi măng và máy móc cơ khí cao hơn nhu cầu trong nước. Do vậy, ông Tập phải tìm đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, để duy trì hoạt động của cỗ máy kinh tế.

Ke hoach nghin ty USD cua TQ de lap trat tu kinh te the gioi moi hinh anh 4
Bảng quảng cáo về dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc vây quanh công trình xây cầu gần sông Mekong gần Luang Prabang, Lào. Ảnh: NYT

“Chủ tịch Tập tin rằng kế hoạch lâu dài bao gồm những thế hệ hiện tại và tương lai của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng của đại lục và toàn cầu”, Cao Wenlian, Vụ trưởng tại Trung tâm hợp tác quốc tế thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nói.

Nhiều quốc gia trong chương trình OBOR mà Trung Quốc nhắm tới đều có những nhu cầu phát triển trọng yếu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng những nền kinh tế châu Á mới nổi cần 1,7 nghìn tỷ USD/năm cho các dự án hạ tầng nhằm duy trì tăng trưởng, chống đói nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã giảm dần. Và dự án đường sắt mà Trung Quốc đang xây ở Đông Nam Á chính là mối liên kết tới các nước mà Trung Quốc muốn mở tầm ảnh hưởng.

Những khoản đầu tư vào nhà máy điện ở Pakistan, kế hoạch nâng cấp một đại lộ lớn và khoản chi 1 tỷ USD để mở rộng cảng biển đều nằm trong tính toán của Bắc Kinh.

Qua thúc đẩy tăng trưởng ở Pakistan, Bắc Kinh yêu cầu việc giảm dần sự bành trướng của các phần tử khủng bố Pakistan dọc biên giới và xâm nhập vào vùng Tân Cương. Về lợi ích quân sự, Hải quân Trung Quốc có cơ hội tiếp cận trong tương lai với hải cảng Gwadar trong 40 năm.

Minh Anh

Theo New York Times

Welcome to Young MarCom World

X