PwC: Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050

Kinh tế Việt Nam được PwC dự báo sẽ vượt qua Hà Lan vào năm 2030 và Australia vào năm 2040.

Hôm 8/11, PricewaterhouseCoopers (PwC) toàn cầu đã tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc khảo sát hơn 1.400 giám đốc điều hành (CEO) từ 21 nền kinh tế APEC.

Dưới góc nhìn dài hạn, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,1% hằng năm. Dự đoán này dựa trên tiềm năng của Việt Nam với nền tảng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nguồn lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh, mang đến các giải pháp đa dạng và khả thi hơn so với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang có những định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng.

Cũng nhờ những yếu tố này, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, vượt qua các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan vào năm 2030 và Australia vào năm 2040.

Một điểm nổi bật khác từ cuộc khảo sát là sức thu hút của Việt Nam dưới góc độ điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư APEC, với gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam dự định tăng vốn trong 12 tháng tới.

Việt Nam được PwC dự báo trở thành 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam: “Sự lạc quan có thể được nhìn thấy trong ba yếu tố: nền kinh tế trong nước đang mở rộng, kỳ vọng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại và các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn (cả tăng trưởng xuất khẩu khu vực và nội khối), cùng với triển vọng tích cực về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng”.

Theo báo cáo của PwC, 36% các CEO đã tự tin hơn so với năm ngoái về khả năng tăng biên lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong nước, trong khi 22% CEO lại kém tự tin hơn. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2017 và 2018, cao hơn mức 6% của năm 2016.

Các CEO Việt Nam cũng có xu hướng kỳ vọng nhiều hơn vào tiềm năng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại. Trong đó 38% CEO Việt Nam trông đợi sẽ có thêm các cơ hội tăng doanh thu trong năm tới từ một hiệp định thương mại mới, cao hơn tỷ lệ trung bình khu vực là 27% .

Mặc dù số ít các CEO Việt Nam và APEC cho rằng môi trường thương mại quốc tế đang ngày càng siết chặt, nhưng nhận định chung là các nền kinh tế lớn và nhỏ đều đang tìm cách có được điều kiện ưu tiên để tiếp cận các thị trường khác. Điều này đang áp đảo các nỗ lực kìm hãm hoạt động xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, điều kiện cho đổi mới sáng tạo đang được cải thiện cũng được PwC đánh giá là một trong những động lực cho sự tăng trưởng trong tương lai. So với một năm trước, 36% các CEO Việt Nam hiện nay tự tin hơn khi ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ mới, chỉ khoảng 14% cho biết họ kém tự tin hơn.

Dù lạc quan hơn vào tương lai nhưng thách thức với môi trường kinh doanh vẫn hiện hữu, trong đó một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là sự thiếu hụt kỹ năng.

“Việt Nam có tiềm năng cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị, vượt qua Thái Lan và Philippines trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao trong vòng 5 năm từ 2015. Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử, số lượng công ty phần mềm và công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng đang tăng mạnh”, báo cáo của PwC viết.

Tuy nhiên, dù lạc quan hơn vào tương lai nhưng thách thức với môi trường kinh doanh vẫn hiện hữu, trong đó một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là sự thiếu hụt kỹ năng.

So với một năm trước, 26% các CEO tại Việt Nam hiện nay kém tự tin hơn về khả năng đảm bảo được nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Trong khi đó, chỉ có 15% nói rằng họ tự tin hơn.

Hơn một nửa CEO tại Việt Nam (55%) đang tiến hành tự động hóa một số chức năng trong doanh nghiệp, trong khi 43% đang tìm kiếm những nhân viên có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới. Những hành động này cho thấy các doanh nghiệp đang đặt nền móng cho lực lượng lao động trong tương lai với khả năng phân tích nhạy bén hơn, thông minh hơn, và ít tập trung hơn vào các công việc giản đơn.

Các CEO Việt Nam tin rằng có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp nhân lực trong khu vực APEC thích ứng với thời đại tự động hoá và tái cân bằng công việc. Kết quả khảo sát cho thấy các CEO Việt Nam và APEC cho rằng tăng cường đầu tư vào đào tạo liên tục là biện pháp hiệu quả nhất, nhanh nhất để rèn luyện lực lượng lao động công nghệ cao. Tiếp theo đó là tăng đầu tư của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục.

Minh Sơn – Viễn Thông
* Nguồn: VnExpress

 

Welcome to Young MarCom World

X