Cặp vợ chồng cùng xây dựng nên startup gần 170 triệu USD

Trong suốt 17 năm qua, Inmagine Group đã lẳng lặng vươn lên trở thành một trong những công ty cung cấp hình ảnh (stock image) hàng đầu thế giới.

Được thành lập bằng 100% vốn của những người sáng lập là cặp vợ chồng Andy và Stephanie Sitt, Inmagine hiện có trụ sở tại Malaysia và có số lượng nhân viên lên đến 450 người tại hơn 40 văn phòng trên toàn cầu.

Với doanh thu hàng năm lên đến hàng chục triệu USD và có lãi trong nhiều năm liền, sản phẩm chủ lực của Inmagine là trang web 123RF, vốn được cho là thư viện ảnh stock lớn thứ tư thế giới với 77 triệu hình ảnh, thu hút 16 -18 triệu lượt khách truy cập mỗi tháng. Hồi tháng 2/2017 vừa qua, Inmagine đã bắt đầu xem xét việc lên sàn chứng khoán tại Úc, với dự kiến sẽ được định giá 220 triệu đôla Úc (167 triệu USD).

Tuy nhiên, để phát triển được như bây giờ, Inmagine Group đã trải qua một chặng đường đầy chông gai và thách thức.

Khởi đầu khiêm tốn

Giống như nhiều công ty mới khởi nghiệp khác, Inmagine bắt đầu từ chiếc máy tính xách tay trong căn hộ nhỏ của 2 nhà sáng lập – vợ chồng Andy và Stephanie Sitt đến từ Ipoh, Malaysia.

Vào năm 2000, Andy đã từ bỏ chức Giám đốc tài chính tại Digital Vision, một công ty của Anh chuyên bán ảnh stock trên đĩa CD (về sau công ty được Getty Images mua lại với giá 165 triệu USD).

Với mong muốn trở lại ngành công nghiệp ảnh stock, Andy nhanh chóng trở về quê hương và tung ra một dịch vụ thương mại điện tử.

Cho đến nay, 2 vợ chồng Andy và Stephanie Sitt vẫn đang nắm 100% cổ phần tại công ty Inmagine do họ sáng lập và tiếp tục điều hành. Ảnh: TechInAsia.

Anh nhớ lại: “Tôi đã bị thuyết phục rằng tôi có thể thay đổi cách mọi người mua hình ảnh, và thực hiện điều này ngay từ Châu Á.”

“Stephanie – bạn gái tôi, lúc đó là nhân viên miễn phí duy nhất mà tôi có”, anh nói về người vợ hiện giờ của mình.

Sử dụng các khoản tiết kiệm khiêm tốn của mình cộng thêm đi vay thẻ tín dụng, bộ đôi này đã thành lập công ty Inmagine, bán các bản in ảnh cỡ lớn cao cấp với giá 500 USD mỗi bản. Thị trường của họ chủ yếu là các công ty quảng cáo.

Việc bán trực tuyến đã loại bỏ chi phí in catalogue và đĩa CD, tuy nhiên chi phí sản xuất nội dung của riêng họ lại khá tốn kém. Stephanie kể lại: “Chúng tôi đã thuê các nhiếp ảnh gia, tự và tìm kiếm địa điểm và người mẫu để xây dựng nội dung của riêng mình, cũng như thuê các nhà thiết kế đồ họa để chỉnh sửa ảnh. Chúng tôi còn tự làm tóc và chuẩn bị trang phục. Chúng tôi còn phải thuê người để quản lý kho dữ liệu “đồ sộ” mình có, và một đội ngũ bán hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Từ một nhóm 2 người, Inmagine từ từ tăng lên 6 người, sau đó là đến 10 người.

Thiếu kinh phí

Doanh thu của Inmagine ban đầu gia tăng theo tốc độ khá chậm rãi. Nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện việc quảng bá chủ yếu thông qua hình thức truyền miệng. Ngoài ra, doanh thu bán hàng đều được tái đầu tư vào việc sản xuất.

Những ngày đầu, vợ chồng Sitt khá lo lắng về việc không đủ kinh phí để tiếp tục duy trì công ty. Họ đã tìm đến các nhà đầu tư và chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Andy nhấn mạnh: “Bất kỳ việc kinh doanh nào mà không có tiền mặt đều rất khó khăn. Nỗi lo không có đủ tiền dự phòng cho những ngày gian khổ sẽ hạn chế ham muốn phấn đấu của bạn. Chúng tôi đã cố gắng để huy động vốn nhưng ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm lúc bấy giờ rất khác ngày nay.”

Stephanie giải thích: “Không ai nhìn thấy hay thấu hiểu cơ hội. Không ai muốn chịu rủi ro với chúng tôi. Chúng tôi cũng không thể nhận được khoản vay từ các ngân hàng hoặc các cơ quan chính phủ.”

Để kéo dài quá trình hoạt động, 2 vợ chồng Sitt đã chấp nhận làm không lương trong những năm đầu tiên, cho đến khi họ đã xây dựng thành công danh tiếng cho công ty trong mắt khách hàng.

Vợ chồng Sitt tại văn phòng công ty. Ảnh: pressreader.com.

Thời thế thay đổi

May mắn bắt đầu mỉm cười với họ vào năm 2005, khi cục diện công nghệ bắt đầu thay đổi.

Sự ra đời của chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn cho phép mọi người có thể chụp và kiếm tiền trực tuyến, điều này khiến nguồn nội dung tăng lên theo cấp số nhân. Nhu cầu mua hình ảnh với giá cả phải chăng hơn cũng bắt đầu phát triển, cùng với đó là sự nhảy vọt của Internet.

Đó cũng chính là thời điểm Inmagine thiết lập 123RF, một trang web chuyên cung cấp ảnh stock, video, cũng như các clip âm thanh, với giá khởi điểm chỉ từ 1 USD đến 3 USD cho mỗi sản phẩm. Khác với mô hình kinh doanh trước, 123RF đã không chú trọng vào khâu tự sản xuất, thay vào đó, đây là một sàn giao dịch cho phép các nhiếp ảnh gia có thể bán lại hình ảnh mà không lấy phí bản quyền sau này (royalty-free). Công ty sẽ trích lại cho họ một phần lợi nhuận, dao động từ 30 đến 60% tùy thuộc vào chất lượng tác phẩm của họ.

Mức giá mới như trên đã mở rộng đối tượng khách hàng của Inmagine. Stephanie để ý: “Ngoài các tập đoàn, khách hàng của chúng tôi còn là những người không có ngân sách để tìm đến các công ty quảng cáo”. Với 123RF, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty mới thành lập bây giờ có thể tạo ra các tài liệu quảng cáo của riêng họ.

Để phát triển trong khi không có vốn đầu tư, công ty đã đưa ra hình thức đặt mua dài hạn bên cạnh mô hình mua bao nhiêu chi bấy nhiêu. Andy cho biết: “Điều đó cho phép chúng tôi lấy tiền trước rồi cải thiện dịch vụ sau. Chúng tôi nhận được nguồn tiền mặt dồi dào từ những khách hàng trả tiền trước cho hàng tháng hoặc hàng năm.”

Đồng thời, công ty đã bắt đầu thâm nhập các thị trường mới, động thái này lại đặt ra một thách thức khác. “Vươn ra thị trường toàn cầu là việc khó khăn. Chúng tôi cần bản địa hóa nội dung, đăng ký mở chi nhánh, mở văn phòng, thuê nhân lực”.

Ngày nay, Châu Âu đóng góp tới 40% doanh thu của Inmagine, tiếp theo là Mỹ với 30%, và Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 30% còn lại.

Trụ sở của 123RF. Ảnh: TechInAsia.

Chuyển đổi thành một hệ sinh thái

Không chỉ là một “chợ ảnh” toàn cầu, Inmagine còn có tham vọng lớn hơn. Họ muốn trở thành một hệ sinh thái rộng lớn phục vụ cho nhiều loại nội dung sáng tạo và phân khúc thị trường khác nhau.

Hãng đã ra mắt StockUnlimited, một trang web có mô hình thu phí cố định tương tự Netflix. Ban đầu, StockUnlimited chuyên cung cấp các hình ảnh vectơ và sau đó mở rộng sang cung cấp các hình ảnh và các đoạn âm thanh.

Công ty cũng có một trang web khác là Designs.net, chuyên bán các mẫu thiết kế trang web, infographic, danh thiếp và mẫu hồ sơ.

Stephanie cho biết: “Chiến lược ở đây là kết hợp mọi thứ một cách liền mạch để có thể bán chéo (cross-selling) và nâng cấp (upselling)”.

Gần đây, Inmagine đã có hai thương vụ M&A đầu tiên là mua lại Pixlr của Hoa Kỳ và TheHungryJPEG (THJ) của Anh. Công ty không tiết lộ khoản tiền họ đã chi ra cho hai thương vụ này. Với hơn 50 triệu người dùng từ Pixlr và 300.000 người dùng từ THJ, Inmagine sẽ có lượng dữ liệu lớn để tiếp tục gia nhập thị trường mới và cả các thị trường lân cận.

123RF tuyên bố rằng việc mua lại Pixlr, ứng dụng chỉnh sửa ảnh trực tuyến hàng đầu thế giới, sẽ giúp Inmagine Group đạt được sứ mệnh tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện giúp cho thiết kế tuyệt vời có thể tiếp cận được với mọi người trên thế giới.

Trong khi đó, THJ sẽ giúp Inmagine bán chéo, tăng giá trị của công ty bằng cách bổ sung thêm các phông chữ, thiết kế đồ họa và các gói sáng tạo khác vào dòng sản phẩm của họ, đồng thời mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về những gì mà giới thiết kế đang cần.

Ngoài ra, 123RF cũng đã được bổ nhiệm làm đại lý toàn cầu về không gian quảng cáo (ad inventory) trong hệ sinh thái của gã khổng lồ Tencent tại Trung Quốc, điều này cung cấp cho Inmagine một hướng tăng trưởng mới.

123RF vẫn là sản phẩm chủ đạo của Inmagine. Ảnh: queness.com.

Con đường phía trước

Sắp tới, Inmagine dự định tiến hành IPO để gây quỹ cho việc tiếp tục mở rộng của công ty. Đây là lần đầu tiên công ty huy động vốn từ bên ngoài, nghĩa là vợ chồng Sitt hiện vẫn đang nắm giữ 100% cổ phần.

Andy cho biết “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới, tạo ra sức mạnh cho hệ sinh thái sáng tạo và thiết kế. Ví dụ: chỉnh sửa mẫu, API, khả năng phân tích…”

Vợ chồng Sitt tin tưởng rằng vẫn còn rất nhiều dư địa cho họ phát triển, và họ vẫn còn phải tiếp tục học hỏi nhiều kinh nghiệm.

Một lời khuyên mà Andy dành cho các doanh nhân mới bắt đầu khởi nghiệp là: “Bạn có thể tiến xa nhờ vào sự may mắn và kiến ​​thức của riêng bạn, nhưng nhân sự lại chính là cốt lõi thành công của bất kỳ công ty nào. Hầu hết các thành viên chủ chốt trong nhóm đã gắn bó với tôi trong hơn 10 năm qua”.

Theo Stephanie, điều mà các startup luôn luôn cần là khả năng thích ứng với sự thay đổi: “15 năm qua là một hành trình tuyệt vời. Dù công nghệ luôn thay đổi liên tục, chúng tôi đã chứng minh cho thị trường thấy rằng chúng tôi có thể thích ứng nhanh chóng, đặc biệt là khi công ty vẫn hoàn toàn thuộc về và được vận hành bởi chính những người sáng lập”.

“Ai biết được điều gì đang đợi chúng tôi ở phía trước? Nhưng một điều chắc chắn rằng chúng tôi sẽ luôn đi đầu trong mọi sự thay đổi.”

Ý Nhi / TechInAsia
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Welcome to Young MarCom World

X