Start-up Việt ra biển lớn

Bất chấp những con số tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây, cộng đồng startup Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá thực chất để vươn ra thị trường thế giới, qua đó tạo ra những ‘kỳ lân’ (DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la) để cạnh tranh với những cái tên tiêu biểu trong khu vực như Grab (Singapore), Go-Jek, Traveloka hay Tokopedia (Indonesia).

Cơ hội lớn

Theo báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) công bố gần đây, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp, chỉ sau Singapore và Indonesia – hai quốc gia có số lượng “kỳ lân” lớn nhất trong khu vực.

Austrade nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng “phi mã” về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) cùng các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ 2016.

Bà Nguyễn Hoàng Anh đại diện Abivin lên nhận giải nhất Startup World Cup tại Mỹ vào tháng 5/2019. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến sự ra mắt của các co-working space như: Toong, Up, Dreamplex, Circo, Hatch!, Nest và Hub.IT. Các accelerator mới cũng được ra mắt, bao gồm Vietnam Silicon Valley (VSV), Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), cùng hàng loạt các vườn ươm thuộc các cơ quan chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu.

Theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.

Bà Thạch Lê Anh – Giám đốc Quỹ đầu tư VSV  Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ KH&CN tại Việt Nam nhận định, những con số này cho thấy cộng đồng startup Việt Nam đang phát triển mạnh cả về số và chất lượng trong những năm gần đây. “Với thị trường Việt Nam, các startup đã khai thác khá tốt, tuy nhiên, để vươn ra thế giới thì họ sẽ cần tiếp tục tham gia các vòng gọi vốn tiếp theo với số tiền nhiều hơn và sự tham gia của các quỹ với quy mô lớn” – bà Thạch Lê Anh chia sẻ.

Nhằm thực hiện chiến lược kết nối với thế giới theo chỉ đạo của chính phủ, ngày 13/9 vừa qua, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam 2019, lần đầu tiên diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam tại Thung lũng Silicon, California, Mỹ.

Đây là cơ hội cho các startup Việt Nam tiếp cận những quỹ mạo hiểm lớn nhất toàn cầu như 500 Startups, Pegasus Tech Venture, Highland Capital, Andreessen Horowitz, Sequoia, Dragon Fly, Neo Global Capital…

Sau Mỹ, Techfest Vietnam 2019 sẽ tiếp tục có mặt tại những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu khác như Singapore và Hàn Quốc vào tháng 11 tới. Bà Thạch Lê Anh cho rằng đây là yếu tố cần thiết để các startup Việt Nam mở rộng và kết nối với chuẩn quốc tế trong khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khi đó, Giám đốc vận hành Abivin Nguyễn Hoàng Anh – startup Việt Nam nhận giải cao nhất cuộc thi Chung kết giải thưởng Khởi nghiệp toàn cầu (Startup World Cup) 2019 diễn ra tại Mỹ cho rằng, những sự kiện như Techfest 2019 tại Thung lũng Silicon sẽ mang lại nhiều cơ hội cho startup Việt Nam.

“Các startup nếu được kết nối với Thung lũng Silicon sẽ có nhiều thuận lợi, cơ hội để giao lưu, học hỏi từ những công ty đã thành công trên thế giới, cũng như cơ hội kết nối với nhà đầu tư và đối tác tiềm năng” – bà Nguyễn Hoàng Anh nói.

Thay đổi tư duy

Không phủ nhận tín hiệu tích cực đến từ những sự kiện như Techfest 2019 tại Mỹ, bà Thạch Lê Anh cho rằng, cần những bước đi mạnh hơn để hiện thực hóa tiềm năng của cộng đồng startup Việt Nam. Theo đó, hiện đang có xu hướng đáng lo ngại là một số startup Việt Nam sau khi gọi được vốn rồi thì không nghĩ sẽ gọi vốn ở các vòng tiếp theo.

Sự kiện Techfest Vietnam 2019 diễn ra ở Thung lũng Silicon, California. Nguồn: Techfest.

Startup cần nhận thức đi gọi vốn là trách nhiệm đương nhiên của người sáng lập DN, quá trình này sẽ diễn ra suốt cả cuộc đời startup cho đến lúc họ đủ lớn để IPO hoặc được mua lại bởi các công ty lớn.

Thực tế có nhiều startup nước ngoài dù đã nhận được nguồn vốn lớn nhưng vẫn sẵn sàng tham gia các cuộc thi phát triển ý tưởng kinh doanh ở Việt Nam nhằm gọi vốn cho các vòng tiếp theo.

“Nhiều startup đã có thu nhập tốt ở thị trường Việt Nam dễ rơi vào tâm lý hài lòng và thỏa mãn” – bà Thạch Lê Anh nói, đồng thời nhấn mạnh các startup nên đi gọi vốn khi nguồn tài chính còn dồi dào, tránh trường hợp đến khi hết tiền mới nghĩ đến tìm kiếm nhà đầu tư.

Tương tự, bà Sakshi Jawa – Giám đốc Nhân sự của Tiki chỉ ra thách thức đối với các startup Việt Nam chủ yếu đến từ kỹ năng tiếp cận các thị trường toàn cầu. Theo bà Sakshi, hiện có nhiều startup ở Việt Nam chưa có chiến lược phát triển phù hợp và định vị được vị trí của họ trên thị trường thế giới. Do đó, các startup cần mở rộng tầm nhìn và tìm kiếm cơ hội phát triển, thay vì chờ đợi một cách thụ động, cần chủ động tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.

Đi sâu vào những hạn chế trong quá trình gọi vốn của startup Việt Nam, ông Kil Ehong – CEO của Tập đoàn Welcome Financial Group – một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu ở Hàn Quốc chỉ ra, startup Việt Nam khi trình bày ý tưởng thì chỉ tập trung vào việc thu hút được bao nhiều khách hàng nhưng khi nhà đầu tư nhìn vào một dự án, bất kể là ở Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc, điểm quan trọng là lợi nhuận.

Sự cần thiết ra đời Luật Đầu tư mạo hiểm

Một điểm nghẽn lớn cản trở các nhà đầu tư nước ngoài nữa là vấn đề giấy phép. Không phải startup nào cũng có đủ giấy phép hoạt động, cái họ đưa ra gần như chỉ là ý tưởng. Do đó nhà đầu tư nước ngoài lo rằng khi đầu tư vào thì có thể triển khai được ngay không, các startup có đủ giấy phép không và phù hợp với luật Việt Nam hay không?

Bà Thạch Lê Anh khẳng định, nếu Chính phủ thúc đẩy sự ra đời của Luật Đầu tư mạo hiểm, đây sẽ là bước đi quan trọng hướng đến sự hình thành thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ngay tại Việt Nam. Điều này mang ý nghĩa quan trọng, bởi khi đó, các startup Việt Nam sẽ không phải đi sang các nước khác như Singapore để gọi vốn.

Bởi không có thị trường vốn sẽ không có startup thành công. Sự ra đời của Luật Đầu tư mạo hiểm sẽ góp phần ươm mầm các startup ngay tại Việt Nam, thay vì buộc họ phải tìm kiếm cơ hội ở những nước khác. Khi đã có hành lang pháp lý, các quỹ đầu tư sẽ có cơ sở để đẩy mạnh thâm nhập thị trường, đây cũng chính là động lực để các startup có thể vươn xa.

“Đây là cuộc chơi giữa nhà đầu tư và những người sáng lập startup, với tỷ lệ thành công hiện nay chỉ ở mức 1/10, cả 2 phía cần chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đồng hành trong thời gian dài, nhưng nếu không có luật ràng buộc thì quá trình này rất dễ bị đứt đoạn. Vì vậy, việc ban hành Luật về Đầu tư mạo hiểm là cần thiết để bao trùm mọi góc cạnh của quá trình đầu tư.

Bởi bản chất của đầu tư mạo hiểm là tính khó lường, do đó, với khung pháp lý chi tiết hóa đến mức tối đa sẽ tạo cơ sở cho nhà đầu tư yên tâm tham gia vào quá trình phát triển các startup” – Giám đốc Quỹ đầu tư VSV Thạch Lê Anh.

* Nguồn: Báo Mới

Welcome to Young MarCom World

X