Vì sao ngành chăn nuôi phải làm lại từ đầu sau 20 năm?

Vì sao ngành chăn nuôi phải làm lại từ đầu sau 20 năm?

Hội thảo “An toàn thực phẩm trong ngành chăn nuôi – vai trò quản lý an toàn chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi”

Từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu mới chỉ chú ý tới tiêu chuẩn GLOBAL GAP, HACCP mà ít chú ý tới thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân chính khiến cho hàng Việt Nam bị trả lại.
“Quản lý chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GMP+ International đòi hỏi các tiêu chuẩn rất chặt chẽ từ giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, phân phối hay bán lẻ,…Ngành chăn nuôi Việt Nam nếu muốn ‘đạt chuẩn’ thì phải làm lại từ đầu sau 20 năm gây dựng, bởi cái gốc không đạt chuẩn thì làm sao đạt chuẩn cái ngọn”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, chủ một trang trại áp dụng GLOBAL GAP và xuất khẩu nông sản đi Nhật cho biết.
Những quy định quốc tế ngặt nghèo mà người chăn nuôi phải nắm rõ
Tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong ngành chăn nuôi – vai trò quản lý an toàn chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi” do BSA tổ chức ngày 9/11/2017, ông Johan den Hartog, Giám đốc điều hành tổ chức tiêu chuẩn GMP+ International cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay, nhất là người Việt Nam đã mất lòng tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, để lấy lại niềm tin đó, phải tăng hiểu biết của người bán lẻ và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm”.
“Ngay cả yêu cầu bức thiết nhất của xuất khẩu cũng là phải chứng minh thực phẩm đó an toàn và an toàn từ thức ăn chăn nuôi. Khi chúng ta áp dụng quy chuẩn chặt chẽ hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm vào thức ăn chăn nuôi thì sẽ giảm mối nguy về thực phẩm bẩn, nâng cao tính cạnh tranh quốc tế cho doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam”, ông cho biết thêm.
Trong chuỗi cung ứng thực phẩm bao gồm: Nuôi trồng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm, nhà bán lẻ, đến người tiêu dùng… ông Johan den Hartog nhấn mạnh điểm cốt lõi của chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm nằm ở nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo ông, chứng nhận GMP+ sẽ giúp cho những đối tượng ở các bước tiếp theo như: Vận tải, đại lý buôn bán thức ăn chăn nuôi,… hưởng lợi bởi nguồn nguyên liệu đã an toàn, từ đó tạo ra thực phẩm an toàn. Vai trò của mỗi mắt xích trong chuỗi này đều rất quan trọng và tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm với thực phẩm trên bàn ăn.
Chia sẻ về 4 yếu tố quan trọng để có được thực phẩm an toàn, ông Johan den Hartog cho biết: Trước tiên là phải xây dựng lòng tin, xây dựng một thương hiệu đáng tin cậy, rõ ràng, minh bạch. Thứ hai là nhà sản xuất phải “thêm vào” nhiều giá trị đáng quý cho sản phẩm, đưa ra những giải pháp, giá trị cộng thêm bất ngờ vào sản phẩm, để trở thành nhà sản xuất thực phẩm an toàn.
Thứ ba là sản phẩm phải có chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường, trở thành lựa chọn của người tiêu dùng và cuối cùng là nhà sản xuất phải áp dụng phương thức quản lý thực phẩm bằng chiến lược rõ ràng, người quản lý phải xây dựng được ý thức quản lý với tiêu chí “an toàn” thành giá trị cốt lõi, để nhân viên hiểu rõ triết lý này, áp dụng rộng khắp và xây dựng các hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO hay GMP+…
Đề cập đến những cách thức để phòng ngừa, khắc phục  duy trì hoạt động quản lý thực phẩm an toàn dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế, ông Johan den Hartog cho biết thêm: “Chúng tôi xây dựng tiêu chí GMP+ đã 20 năm nay, ban đầu chúng tôi tập trung quản lý thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thôi, sau đó bổ sung thêm quản lý cả chuỗi cung ứng. Đồng thời, cũng cần có biện pháp để chống mối nguy cơ lây nhiễm chéo và cả hệ thống cảnh báo sớm nữa. Vì khi có vấn đề xảy ra thì lập tức phải truy hồi sản phẩm trước khi nó ra thị trường, sửa chữa và có biện pháp phòng tránh trong tương lai. Khi công ty gặp mối nguy cơ lây nhiễm chéo, cần phải thông báo cho toàn công ty để kiểm soát tổn thất”.
Một lưu ý nữa mà đại diện của GMP+ nhắc tới là quy định của cộng đồng chung châu Âu về sử dụng bột xương, bột thịt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giữa thập kỷ 90, bệnh nhũn não, bò điên đã lây lan nhanh chóng và vượt quá tầm kiểm soát mà nguyên nhân chính lại là từ thức ăn chăn nuôi. Bởi thịt bò điên được sử dụng làm thức ăn cho các loài vật khác và làm thức ăn con người.
Con người bị nhiễm bệnh này khi ăn phần não của động vật nhiễm bệnh bò điên, vì vậy, virus gây bệnh tấn công hệ thống thần kinh và khiến người ăn bị sốt não. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất về việc cho động vật ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật rất nguy hiểm. Tổ chức châu Âu cũng đã cấm sử dụng phụ phẩm từ động vật, đặc biệt là động vật bị bệnh. Năm 2001, lệnh cấm này đã được áp dụng, bao gồm cả thức ăn dành cho cá. Đây là một trong những chính sách quan trọng trong nông nghiệp hiện đại.
Năm 2008, quy định này được nới lỏng hơn, cho phép cá được nuôi bởi nguồn động vật nhỏ, phụ phẩm từ heo và gà để làm thức ăn cho heo và cá. Tuy nhiên, khi luật này được ban hành, rất nhiều nghiên cứu đã phản hồi lại rằng có rất nhiều mối nguy hại khi sử dụng nguyên liệu bột xương cá, bột thịt cá làm thức ăn cho động vật. Vì vậy, các nhà sản xuất phụ phẩm bột xương, bột thịt cho chăn nuôi cần phải nắm rõ các quy định này trước khi đưa sản phẩm đến người chăn nuôi.
Cần có tư vấn toàn diện để giúp doanh nghiệp vươn tới chuẩn quốc tế 
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, chúng ta không cần học đâu xa, chỉ cần học Thái Lan thôi, họ không có thực phẩm bẩn. Nếu Nhà nước có người tư vấn chuyên môn về chăn nuôi, mỗi tỉnh chỉ cần làm 2 mô hình chăn nuôi sạch rồi nhân rộng lên để có hệ thống trang trại chăn nuôi thực phẩm sạch.
Lấy ví dụ về mô hình này, ông Ngọc cho hay: “Tôi vẫn thường nói trẻ con nông thôn vì sao bỏ lăn bỏ lóc thì khỏe mạnh, còn trẻ con thành phố chăm sóc rất kỹ vẫn bệnh hoài. Có chăng là vì không khí nông thôn trong lành, còn không khí thành phố thì nhiễm bẩn, lại tập trung quá nhiều người nên dễ lây bệnh. Chăn nuôi cũng vậy, nếu cứ áp dụng mô hình chăn nuôi tập trung sẽ lây bệnh hoài, làm sao người chăn nuôi bỏ được kháng sinh? Bộ Nông nghiệp phải hướng dẫn mỗi tỉnh một trang trại đạt chuẩn quốc tế rồi mới nhân rộng mô hình ra cho đỡ lãng phí.”
Chia sẻ kinh nghiệm lấy chứng chỉ quốc tế của mình, ông Ngọc nói: “ Chúng tôi đã thực hiện chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP nhưng năng suất rất thấp, chỉ nuôi được 22 ngày thôi, vì nuôi dài ngày sợ bệnh. Làm chứng chỉ lại vô cùng khó khăn, gian khổ, vì các tiêu chuẩn mình chưa được học”.
“Khi tiếp cận với Ngân hàng Thế giới mới biết có hơn 320 tiêu chuẩn các công nhân và nhà quản lý phải học thuộc! Tôi đã phải loại bỏ 50 công nhân vì không biết chữ, không chịu học. Thứ hai phải làm trang trại đạt chuẩn thì đơn vị cấp phép mới đánh giá đạt hay không, trong khi Việt Nam chưa có mô hình xây dựng trang trại chuẩn quốc tế, chúng tôi phải tháo bỏ, làm lại gần 60%”, ông Ngọc cho hay.
“Tôi đề nghị các công ty có đã có tiêu chuẩn GMP+, GLOBAL GAP rồi hãy hướng dẫn, chia sẻ cho các doanh nghiệp khác để đỡ mất thời gian, đỡ lãng phí. Phải đào tạo toàn diện mới ra được sản phẩm GLOBAL GAP. Các công ty quốc tế cũng nên tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ xây dựng trang trại nhỏ thôi nhưng đạt chuẩn quốc tế. Phải đồng bộ đạt chuẩn từ thức ăn, con giống, trại chăn nuôi, lò giết mổ… đâu phải như tiêu chuẩn bình thường… cứ đưa tiền là có! Vì vậy, cần có tư vấn toàn diện, bản thân tôi có trang trại rồi phải cho mướn, đi làm trang trại mới để có chứng chỉ quốc tế”, ông nói.
Anh Võ Thái Dương, đại diện Công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng ở Đồng Tháp cũng cho rằng: GMP+ là hệ thống tiêu chuẩn có yêu cầu khắt khe hơn cả về kiểm soát lây nhiễm chéo và kiểm soát các nhà cung ứng. Để đạt được chứng nhận này cần có sự nhất quán của toàn công ty và của cấp quản lý. “Chúng tôi có sự hỗ trợ của tỉnh với kinh phí 20 triệu đồng cho mỗi chứng nhận. Chúng tôi đã nhận được 4 lần hỗ trợ cho 4 chứng nhận quốc tế”, anh Dương chia sẻ.
Đại diện cho bộ phận phụ trách hệ thống chất lượng của Cỏ May Group cũng nêu ra khó khăn chung của doanh nghiệp: “Ở Việt Nam, nếu nói chuẩn quốc tế phải 90% cần nhờ tư vấn, tuy nhiên chưa ai chứng minh ông tư vấn đó có hiểu biết tận tường về tiêu chuẩn không? Nhỡ đâu họ tư vấn sai thì rất mất thời gian và tiền bạc. GMP+ có nên tổ chức các lớp tư vấn cho doanh nghiệp học trước khi làm?”
Trả lời cho câu hỏi này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc trung tâm BSA cho biết: “GMP+ xây dựng trên 20 năm, tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã xây dựng được 21 năm. Trong bối cảnh hội nhập, chúng tôi thấy cần phải xây dựng bộ tiêu chí mới để doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập”.
“Ấp ủ hơn 2 năm, chúng tôi đã mang bộ tiêu chí này đến tham vấn các cơ quan chuẩn mực của Hoa Kỳ, đại diện Uỷ ban Thương mại Chính phủ Hoa Kỳ nói, nếu chúng ta xây dựng được một tổ chức có thể làm chức năng tư vấn, khuyến khích các doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế thì sẽ góp phần xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp”, bà Hạnh cho hay.
“Xưa nay chúng ta chỉ làm được hai việc là đưa ra quy định và chế tài, các doanh nghiệp thực hiện quy định chứ chưa ai khuyến khích, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế. BSA nhận lấy trách nhiệm này, hình thành hai hội đồng khoa học, xây dựng tiêu chí và đánh giá bộ tiêu chí, làm việc thường xuyên với tổ chức đo lường để điều chỉnh, nâng cao tiêu chuẩn. Tháng 2/2017 chúng tôi làm lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao đồng thời tuyên bố bộ tiêu chí này. Đây là dự án phi lợi nhuận của BSA”, bà nói.
“Khâu nóng bỏng là chăn nuôi gia súc và gia cầm, BSA sau khi kết nối với HACCP, đã tiếp tục kết nối với GMP+ để giúp doanh nghiệp nhận được chứng chỉ này, cung cấp quy trình gần gũi, thiết thực hơn, để đạt được với chi phí giảm, tiếp cận dễ dàng hơn, khó khăn không chỉ đến từ chăn nuôi, mà còn đến từ chính sách, từ quy hoạch. Hy vọng sau lễ ký kết hợp tác với GMP+ hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp cận và hỗ trợ được nhiều hơn cho các doanh nghiệp thông qua lực lượng tư vấn viên do chính GMP+ đào tạo và huấn luyện”, Giám đốc BSA chia sẻ.

KIM YẾN

Nguồn: bizlive

Welcome to Young MarCom World

X