Ông Trương Gia Bình: Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải của đại gia

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cách mạng công nghệ 4.0 là của tất cả mọi người chứ không phải đại gia. Trong thời đại này, ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà.

Thay đổi mọi ngành nghề

Tại Chương trình Liên hoan các Doanh nghiệp toàn quốc năm 2017 với chủ đề “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được và Mất” diễn ra chiều ngày 7.4, ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều điều rất khác so với 3 cuộc cách mạng từng diễn ra trong lịch sử.

Đặc trưng của nó chính là những rô bốt có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con rô bốt để ứng xử với con người, vượt qua năng lực của con người; con rô bốt này sẽ chế tạo ra con rô bốt khác. Khi đó, ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà.

“Đây không phải là cuộc cách mạng của mình các đại gia mà là của tất cả mọi người. Trong đó, có thể là những nhóm người rất nhỏ bé, chỉ vài người nhưng chính những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của nền kinh tế”, ông Bình nói.

Có cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, cuộc cách mạng 4.0 sẽ chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng trước đó và kết nối các hệ thống máy móc, phát triển trí thông minh nhân tạo. Cách mạng này có thể vận dụng vào mọi lĩnh vực, tiết kiệm thời gian, chi phí và không ít ngành nghề sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, máy móc dù hiện đại cũng không thể thay thế hoàn toàn.

Nói về cuộc cách mạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này. Hơn nữa: “Chúng ta chỉ đón nhận được cơ hội nếu chúng ta đi đầu. Mỗi cuộc cách mạng chỉ làm cho 4,5 nước hóa rồng mà thôi”.

Nói cụ thể hơn, ông Hùng cho rằng cách mạng là sự thay đổi, cái B sẽ thay thế cái A. Đặc biệt, những ông nào đang có A họ đã bỏ hàng tỉ USD để xây dựng cái A thì chưa hẳn họ đã dám bỏ đi, trong khi chúng ta chưa xây dựng được bao nhiêu, chưa có cái A nên sẽ làm ngay cái B rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam.

Chương trình Liên hoan các Doanh nghiệp toàn quốc năm 2017 với chủ đề “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được và Mất” – ảnh Hoài Phong

Theo nhà lãnh đạo này, nếu nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu nhìn nó bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho biết, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 có thể sẽ phân bổ lại toàn bộ trật tự các quốc gia, các tập đoàn kinh tế và mang lại nhiều cơ hội cho những nước đang phát triển. Muốn cạnh tranh được với các quốc gia khác thì Việt Nam phải làm những gì mà máy móc không làm được.

Việt Nam có thể đi đầu

Kết quả khảo sát nói trên (được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội) cho thấy có 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, trong đó, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường;  11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp được khảo sát thì có đến 79% cho biết họ chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp đang tỉm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được.

“Nếu mình nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế. Vì doanh nghiệp lớn của chúng ta gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thì đó là lợi thế của Việt Nam”, ông Hùng cho hay.

“Cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Còn cả thế giới làm 4.0 thì chúng ta có làm 4.0 thì bản chất cũng không có giá trị. Là vì lợi thế cạnh tranh mới tạo ra sự khác biệt. Còn nếu tất cả đều 4.0 hết thì 4.0 trở về không có giá trị”, Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh.

Nói tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cuôc cách mạng này khiến Việt Nam phải tái cơ cấu mạnh mẽ, bởi vì động lực tăng trưởng hiện nay đã đến giới hạn, nếu không cải cách thì không thể theo kịp cuộc cách mạng 4.0.

“Cần phải trọng dụng nhân tài và chấp nhận phản biện, đầu tư vào hệ thống giáo dục, đào tạo mới có thể tạo động lực cho cuộc cách mạng này”, ông Doanh nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, muốn theo kịp cuộc cách mạng 4.0, ngay bây giờ, Việt Nam phải bến tất cả những gì đang làm thành số hóa. Điều quan trọng thứ 2 là truyền thông, thứ 3 là sáng tạo và thứ 4 là hơp tác, kết nối.

Ở vị trí của một doanh nhân, ông Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam cho rằng ngoài việc chú trọng giáo dục, đào tạo, an ninh mạng thì chính sách của Chính phủ phải ổn đinh, cởi trói cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng mới.

Còn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng “Muốn bắt kịp phải có sự đột biến, mà đột biến thì phải có điều kiện. Chỉ có Nhà nước mới tạo được đột biến. Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho người ta làm việc tốt, xây dựng thị trường lao động lành mạnh và hội nhập với 4.0 trên thế giới”.

Nguồn: Motthegioi

Welcome to Young MarCom World

X