Startup ước tính mất 152 tỷ đồng vì dịch

Các báo cáo về tác động của dịch Covid-19 hầu hết tập trung vào nhóm các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang gặp nhiều khó khăn.


Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp trên 254 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có tới 50% startup lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. 23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% startup đóng băng hoàn toàn, phải dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và phong trào khởi nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ bị chững lại. Thiệt hại tổng cộng ước tính trong 4 tháng đầu năm khoảng 152,6 tỷ đồng, số tiền thiệt hại vào khoảng 200-500 triệu đồng đối với mỗi startup.

Dòng vốn cho khởi nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần đều đang dồn hết sức bảo vệ những khoản đầu tư để trụ vững. Dòng vốn được đầu tư mới hầu như chỉ dành cho các startup thực sự có tiềm năng thuộc lĩnh vực y tế và các nền tảng làm việc, học tập online.

Dòng tiền của startup bị gián đoạn nghiệm trọng trong khi các chi phí như: mặt bằng, lương nhân viên, chi phí vận hành… vẫn phải duy trì kiến lượng tiền mặt của đa phần startup cạn kiệt. Do đó, nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang rất lớn, phổ biến dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng.


Startup cần xem xét kỹ lưỡng về dòng tiền và con đường phát triển trong tương lai gần. Ảnh: Pexel.

Chính phủ đã áp dụng các biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, thủ tục với ngân hàng còn nhiều vướng mắc khiến giới khởi nghiệp gặp rào cản trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.

Bên cạnh các gói hỗ trợ từ Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp, người lao động,… nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có chương trình hỗ trợ riêng lẻ đặc thù.

Để có thể “sống sót” qua dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển hướng kinh doanh từ offline sang online, đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Thậm chí khi dịch bệnh qua đi, kênh online sẽ được ưu tiên hơn kênh bán offline.

Áp lực do Covid-19 đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp cho đến sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của startup vẫn được duy trì trong khi nhân viên áp dụng chế độ làm việc tại nhà. Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà là con đường bắt buộc của startup.

Bài toán nhân sự cũng khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đau đầu. Để đảm bảo hoạt động và tối ưu nguồn lực, doanh nghiệp buộc phải giảm mạnh nhân sự ở một số khâu ít quan trọng, thay đổi từ chiến lược phát triển “nhanh và mạnh” sang cắt giảm “sâu và rộng”. Nhân viên ở các bộ phận khác có thể kiêm nhiệm thêm công việc nhằm giảm áp lực về tiền lương cho startup.

100% startup tham gia khảo sát mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay trung và dài hạn với lãi xuất ưu đãi. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán: trả lương cho người lao động (giữ chân nhân sự), thu mua nguyên vật liệu tích trữ khi giá nguyên liệu đang ở mức thấp, chi trả các chi phí tài chính.

Các quốc gia châu Âu đang bổ sung các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm hỗ trợ Startup vượt qua thời kỳ dịch bệnh. Anh công bố gói cứu trợ 1,25 tỷ bảng Anh hỗ trợ Startup có tốc độ tăng trưởng cao vượt qua khủng hoảng. Chính phủ Đức dự kiến thành lập quỹ trị giá 10 tỷ euro để đầu tư dài hạn cho Startup.

* Nguồn: zingnews.vn

Welcome to Young MarCom World

X